Sau tháng 4.1975, đám giang hồ đất Bắc bắt đầu mở cuộc Nam tiến vào Sài Gòn gồm các đại ca Quang “híp”, Hùng “ngọng”, Sinh “gù”, Việt “vọt”… của đất cảng Hải Phòng, An “công tử”, Xuân “phố Huế”, Cường “tư bản”… của Hà Nội và một số tay chơi nổi tiếng đất Bắc gốc Nam như Q.Bình, V.Sơn, Đ.T, H. “đen”, T. “con”…
Danh sách các khách giang hồ đất Bắc kể trên được xem là đội tiên phong khai mở “liên minh” giang hồ Bắc - Nam, nối dây giao hảo giữa các đại ca hai miền. Vào những năm đầu sau giải phóng, ga xe lửa Sài Gòn nằm trên đường Lê Lai, ngay cạnh chợ Sài Gòn (chợ Bến Thành) là đầu mối giao thương Nam Bắc, nơi chốn giao tiếp các đầu mối buôn bán và cũng là nơi hội tụ cho đủ loại người mưu sinh từ lương thiện đến trộm cắp, đạo tặc.
Món đặc sản chè chén Thái Nguyên, thuốc lào Vĩnh Bảo của xứ Bắc du nhập vào Sài Gòn nhanh chóng phát triển khắp các góc phố, hè đường, khu trung tâm Q.1, Sài Gòn, trở thành nơi họp mặt, bàn tính “làm ăn” của đám giang hồ Bắc Nam cộng sinh.
Ông trùm Năm Cam những ngày bị xét xử - Ảnh: Ngọc Hải |
Trong những năm tháng khó khăn “gạo châu củi quế” của cả nước, đám giang hồ đất Bắc xuôi Nam ngày càng đông đảo, mang theo những tay nghề tinh hoa “đen” vào cuộc mưu sinh và định cư trên đất Sài Gòn. Từ "phọm" xuất hiện trong tiếng lóng của vũng bóng tối Sài Gòn. “Phọm” là tên gọi một nhóm tay nghề chuyên móc túi, rạch giỏ, gỡ đồng hồ, dây chuyền, nữ trang, lừa đảo… đạt mức thượng thừa.
Những nhóm “phọm” nói giọng Bắc tung hoành khắp các khu thương mại, chợ… thuộc Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định. Chân truyền từ "phọm" xứ Bắc, đám Quốc Mỏi Sài Gòn nhanh chóng trau dồi tay nghề, trở thành những diệu thủ thần sầu từng làm hao tổn tâm lực Đội 3 chống trộm cắp Phòng Hình sự Công an TP.HCM trong công tác bài trừ cơn dịch “đen” này.
Chính từ món thu nhập béo bở của “phọm”, đám giang hồ đất Bắc đã từng bước tạo dựng cơ sở định cư đầu tiên ở Sài Gòn. Những thế hệ con cháu nối tiếp nhau phát triển, đặt tiền đề cho những tổ chức giang hồ đàng ngoài vươn vòi bạch tuộc vào phía Nam.
Các đại ca H. “miền”, Nam “giun”, H. “navy”… những gia đình công ty chuyên kinh doanh bất động sản một thời lừng lẫy trong giới thượng lưu Sài Gòn đều là những vườn cây xanh đã nảy mầm từ hạt "phọm" ngày xưa…
Phải công bằng tuyên xưng Big Boss Ngô Đức Minh, tự Minh “sứt” là người lập công đầu trong việc chắp cánh nâng cao giới giang hồ vất vưởng “phố chợ”… trở mình thành tổ chức, khoác chiếc áo danh giá công ty với tên gọi doanh nghiệp tư nhân, thách thức lập ra cái gọi là giang hồ đàng ngoài.
Trong lúc đó, giang hồ miền Nam còn được “tặng” món quà xum họp đề huề "bất ngờ" là gần 10.000 tội phạm đang bị giam giữ tại khám đường Chí Hòa đã trốn thoát nhân ngày Sài Gòn “bỏ ngỏ”. “Gia tài” của chế độ cũ để lại đã trở thành một gánh nặng cho các cơ quan hữu trách của chế độ mới. Những vụ trọng án nối nhau bùng nổ. Đám giang hồ chuyên sử dụng vũ khí nóng trở lại sân chơi.
Những băng nhóm của Trường râu, Thành cao, Liêm Dauphine, trung úy Ý, Bắc què, Son Yên Đổ, Dũng dưa, Vân con, Bòn Bon… liên tiếp gây ra những vụ cướp lớn tại Chợ Lớn, Gia Định. Nhóm Y Cà Lết, Maurice Thăng, Thành Super… gieo rắc những nỗi kinh hoàng cướp xe Vespa Sprint trên đường phố Sài Gòn. Cường độ nặng hơn là “chuỗi” bắt cóc trẻ con, đòi tiền chuộc của nhóm giang hồ máu điên, gồm Thuận Giỏi, Đực cùi, Việt Bake, Trọng mù, Tiêu mù. Cuối cùng, tất cả đều phải trả giá đúng với những món nợ đã vay.
Đấy là những năm tháng cực kỳ căng thẳng của lực lượng an ninh nội chính trong cuộc chiến tái lập an ninh trật tự xã hội, đối đầu sống mái với “đàn cọp” dữ giang hồ Sài Gòn. Và cuối cùng, lực lượng công an đã làm nên điều kỳ diệu, giải được bài toán “tệ nạn xã hội” mà cảnh sát Sài Gòn phải hao tâm tổn lực suốt 21 năm cầm quyền và loay hoay trong vòng tròn bất lực.
Những tháng năm tươi đẹp sáng ngời lý tưởng cách mạng, lồng lộng chân lý thiện mỹ ấy là quãng thời gian thái bình hạnh phúc nhất mà người Sài Gòn được hưởng sau hơn hai mươi năm chiến tranh tao loạn. Giang hồ Sài Gòn trong thời điểm những thập niên 70, 80 chỉ gói gọn trong nghĩa “giặc chòm” kiểu anh hùng cá nhân, phàm phu vô học.
Nhân vật Năm Cam trong thời điểm này chỉ bó hẹp quanh các sòng bạc khu Q.4, của người anh rể Bảy Xi, ẩn nhẫn chờ thời cơ ngoi lên nắm đám giang hồ Sài Gòn.
Năm 1986, cơ duyên hội đủ, mở lối cho Năm Cam đặt chân lên thảm trải đường dẫn đến vị trí thủ lĩnh giới kỳ bẻo (cờ bạc) trong vũng tối giang hồ qua con bài nghiệp vụ của một cán bộ chủ chốt của ngành công an hình sự. Từ đó, con đường ngày càng thênh thang và hanh thông, tạo thành những điều kiện ắt có và đủ cho vị trí thủ lĩnh giang hồ. Sòng bạc luôn là nguồn tiền dồi dào nhất trong các ngành nghề “dịch vụ đen”.
Năm Cam được đồng tiền đánh bóng, chắp cánh và nối mạch với những mối quan hệ quyền lực. Năm 1990, Năm Cam hội đủ lông cánh “đại bàng” giang hồ, có được thế và lực nên đã thực sự hóa thân thành tổ chức kiểu mafia. Vây quanh Năm Cam là đám Lụ xây Chợ Lớn, hội kín Tam Hoàng Hồng Kông gồm Ba Mạnh, Tài Ngạn, A Cẩm, P.CH… đóng vai consigliori (cố vấn), sẵn sàng bảo trợ “báo thầu” (tiền vốn ăn thua) cho chuỗi sòng bạc đang hoạt động và liên hiệp các nhà hàng hạng A nằm rải rác tại khu trung tâm Q.1.
Cuối cùng, Năm Cam đã phải ngã gánh trước pháp luật. Báo chí một thời đã đăng tải và xuất bản một tập sách chuyên đề Vụ án Năm Cam.
Với giới giang hồ Sài Gòn, nhân vật Năm Cam được xem là người nâng cấp nhóm tội phạm giang hồ “hổ lốn” vốn vô học và hung hãn trở thành đám “chiến binh” dưới trướng, biết “làm ăn” và hành xử theo đúng cái gọi là đạo lý giang hồ. Và cũng chính từ tổ chức tội phạm Năm Cam đã định hình tên gọi giang hồ đàng trong dành cho các Cartel Sài Gòn. (còn tiếp)
Theo Thanh Niên