ĐBQH Đỗ Văn Đương đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự với các chủ đầu tư sử dụng vốn sai mục đích |
Đại biểu Đỗ Văn Đương nêu ý kiến mạnh mẽ khi QH thảo luận về Luật kinh doanh BĐS sửa đổi chiều 24/10.
Theo nhận định của đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), Luật kinh doanh BĐS phù hợp với sự phát triển của kinh tế thị trường, bởi hiện tượng tồn kho, hay đóng băng BĐS trước đây chủ yếu do chính sách điều hành.
“Đã là bất động sản thì phải tuân theo cơ chế thị trường. Dù nhà ở cho công nhân, hay người nghèo thì các dự án này cũng phải hòa nhập vào thị trường BĐS nói chung, tránh đầu cơ và để đáp ứng nhu cầu đầu tư trong xã hội” – ông Bảo nói.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cũng cho rằng, Luật mới này sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc hiện tại và góp phần làm lành mạnh hóa thị trường BĐS, một điều dễ nhận thấy là người dân sau này sẽ không phải làm nhiều thủ tục nhiêu khê như trước đây nữa.
Tuy nhiên một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là tình trạng chủ đầu tư dự án huy động vốn của người dân rồi dùng vào việc khác. Theo ông Lịch, tình trạng chủ đầu tư huy động vốn, rồi lấy tiền đi làm việc khác khiến dự án đình trệ, người dân mòn mỏi chờ đợi, chẳng biết bao giờ mới có nhà ở.
“Luật năm 2005 quy định về vấn đề dân sự quá nhiều, chỉ nặng chuyện góp vốn bao nhiêu %. Nhưng tiền khách hàng góp chủ đầu tư làm gì không ai biết, không minh bạch thì bây giờ phải quy định. Vì thế phải thiết kế một điều luật riêng cho việc này”.
Trên cơ sở đó, đại biểu đoàn TPHCM đề nghị thay điều 57 của luật về góp vốn để mua thuê nhà ở, cần quy định tiền góp vốn của khách hàng phải được ký gửi tại ngân hàng và ghi cụ thể trong hợp đồng.
“Tiền góp vốn chỉ được giải ngân làm công trình, cấm sử dụng mục đích khác. Người góp vốn cũng có quyền yêu cầu ngân hàng công bố tiền chủ đầu tư sử dụng thế nào. Việc này ở nước ngoài họ giám sát rất chặt, nếu lấy tiền của dân góp để làm việc khác là phạm tội hình sự ngay”.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) cũng nêu thực trạng hàng nghìn ha đất của chủ đầu tư ở nhiều địa phương huy động tiền, nhưng hàng chục năm vẫn bỏ hoang. “Dân không có nhà, còn nhiều chủ đầu tư không đóng thuế sử dụng đất. Như vậy là lừa dân, lừa nhà nước, như vậy là đại lừa”.
Đề cập đến các giải pháp ngăn ngừa, ông Đương cho rằng, các hành vi bị cấm còn nhẹ quá, cần áp dụng mạnh hơn. Cụ thể phải quy thành những hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong kinh doanh BĐS. Nếu dùng vốn vào việc khác sẽ truy cứu tội chiếm dụng vốn, nếu thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính có thể truy tội trốn thuế.
"Nhà đất cũng không phải con thuyền trên sông, mà nó gắn với đất nên tính chất khác với các loại tài sản khác. Vì thế phải đăng ký để đảm bảo giá trị pháp lý, vấn đề này khiếu nại tố cáo nhiều nhất. Nếu không có căn cứ giấy tờ, sổ đỏ thì khó giao dịch bằng các tài sản khác” – ông Đương đề nghị.
Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm, nêu chính kiến là vốn pháp định. Theo đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội), nếu chỉ quy định số vốn của DN BĐS với 20 tỷ đồng sẽ không thể làm được một dự án, thiếu tính thực tiễn.
Ngoài ra, đề ngăn ngừa tình trạng chiếm dụng vốn, ông Hùng cũng đề nghị cần phải ký kết hợp đồng bảo lãnh với một NHTM để đảm bảo chủ đầu tư sử dụng tiền huy động vào đúng mục đích.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) thì quy định vốn pháp định không thấp hơn 20 tỷ là quá ít. Bởi thực tế, nhiều dự án tổng mức đầu tư rất nhiều tỷ đồng, nhiều doanh ngiệp không đủ tiềm lực, hoàn thiện dự án chậm, ảnh hưởng đến người mua và thị trường BĐS.
Đề nghị cân nhắc quy định này, bà Lan cho rằng, DN BĐS phải có tối thiểu 20% trên tổng mức đầu tư của mỗi dự án thì mới nên cho triển khai.
Theo Infonet