Sở dĩ có những bức tường như vậy là bởi khi quy hoạch và giải tỏa, có nhà chỉ còn chưa đầy 1m2, có nhà còn nhiều hơn chút nữa nhưng vẫn cố bám trụ mặt đường bằng cách xây một bức tường để giữ đất. Các nhà ở trong muốn ra mặt đường thì phải mua bức tường này nhưng phải chịu mức giá trên trời.
Mảnh đất chỉ đủ xây được một bức tường dày 10cm tại đường mới Ô Chợ Dừa Hoàng Cầu. |
Ở đường Trường Chinh phía quận Thanh Xuân đã quy hoạch và đền bù xong, nhiều nhà đã phải bỏ tiền tỷ để mua lấy hơn 1m2 đất như vậy. Bà Quỳ ở phường Phương Liệt cho biết bà đã phải mua một diện tích đất chưa được 2m2 với giá 1,2 tỷ để được ra mặt đường. Dù từng là hàng xóm của nhau như bà vẫn rất ấm ức vì chủ cũ thách giá quá cao nhưng không mua thì không được, chẳng nhẽ lại cứ để một bức tường lù lù chắn mặt tiền nhà mình như vậy?! Nhiều nhà ở tuyến đường này cũng đã phải ngậm ngùi bỏ ra một số tiền rất lớn chỉ để sở hữu những bức tường, những mảnh đất “cắm dùi” ấy.
Tại “con đường đắt nhất hành tinh” Ô Chợ Dừa Hoàng Cầu theo khảo sát của phóng viên thì có đến 3 bức tường như thế. Tuy không thể gặp được những người chủ của các bức tường trên nhưng theo hàng xóm cạnh đó cho biết, những bức tường này do chưa được mua lại nên vẫn tồn tại đến bây giờ. Theo ông Phú chủ quán phở gia truyền Phú Gia cho biết những mảnh đất này có giá không dưới 1 tỷ.
Một bức tường nham nhở khác ở tuyến đường này |
Sở dĩ các chủ bức tường trên có thể nói những mức giá trên trời như vậy là do họ đã được đền bù nhà, chỉ còn lại bức tường thì “đắt bán chơi, rẻ để đó” bởi những nhà bên trong mới là những người phải khao khát vươn ra mặt đường. Nhiều nhà tuy chỉ còn vài mét vuông nhưng nhất quyết không bán, cố bám trụ mặt đường để kinh doanh. Do đó mới xuất hiện những nhà siêu mỏng, siêu méo ở những con đường mới như vậy.
Ngôi nhà này ước chừng nhỉnh hơn 2m2 nhưng đang được xây dựng để có thể kinh doanh, bám đường. |
Hệ quả của những bức tường, những nhà siêu mỏng, siêu méo chính là bức tranh xấu xí của các con đường Hà Nội. Thành phố Đà Nẵng đã từng rất thành công khi tiến hành quy hoạch mở rộng các tuyến đường. Theo đó, các tuyến đường đều được lấy rộng hơn so với kế hoạch sau đó phân lô đất để đấu giá, những nhà ở trong được mua với giá ưu tiên. Nhà nước vừa thu được thuế, vừa có thể dễ dàng quy hoạch được kiến trúc. Tại Hà Nội, những phố như Chùa Bộc cũng từng làm được quy hoạch như vậy. Câu hỏi được đặt ra là tại sao nhiều tuyến phố lại không thể làm được điều đó?!
Ở ngã tư tuyến đường "đắt nhất hành tinh", những ngôi nhà có hình thù kỳ dị vẫn đang được hoàn thiện. |
Theo VnMedia