Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trả lời phỏng vấn xung quanh việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay.
- Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay đang có hiện tượng lệch pha cung cầu thị trường bất động sản. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng. |
- Chúng ta đang khắc phục lệch pha cung cầu bất động sản trong thời gian vừa qua. Việc khủng hoảng là do phát triển không theo đúng kế hoạch, dẫn đến dư thừa những sản phẩm cao cấp nhưng thiếu nhiều những sản phẩm bình dân. Khoảng 80% người dân cần sản phẩm bình dân thì lại không có, còn sản phẩm nhà ở cao cấp lại thừa ra.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta chỉ thấy quảng cáo nhà ở cao cấp, chứ không thấy quảng cáo nhà ở cho người bình dân, nhà ở rẻ tiền. Đó là sự lệch pha của thị trường bất động sản trong thời gian vừa qua.
- Ông đánh giá như thế nào về các giải pháp cứu thị trường bất động sản ở Việt Nam hiện nay?
- Chính phủ đã đưa ra được những giải pháp rất cụ thể để tháo gỡ khó khăn trên cơ sở giải quyết lệch pha cung cầu. Quan điểm rất quan trọng là phải gắn việc tháo gỡ khó khăn với việc thực hiện chiến lược nhà ở, đề ra mục tiêu để con người cần được cải thiện nhà ở với nhiều đối tượng khác nhau.
Vì vậy, bất động sản phải hướng đến những đối tượng khác nhau, các đối tượng khác nhau thì phải có các sản phẩm bất động sản khác nhau, thay vì trước đây chỉ có một loại bất động sản cao cấp là chính. Các đơn vị chức năng đang xem xét lại tất cả các dự án xem dự án nào dừng, dụ án nào phải điều chỉnh chuyển từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội....
Thời gian qua các doanh nghiệp đã cấu trúc lại sản phẩm bất động sản, ngay cả các sản phẩm cao cấp cũng cấu trúc lại để các sản phẩm đó giá rẻ hơn, nhiều dự án đã chuyển sang quy mô nhỏ hơn... Chính vì thế các sản phẩm bất động sản đã đến với người dân, đến đúng với người tiêu dùng có nhu cầu, khả năng thanh toán. Thị trường bất động sản hiện nay đang ấm lên, đó là phản ứng của những chính sách, những giải pháp đã đưa ra.
Hiện nay đang có hiện tượng lệch pha cung cầu thị trường bất động sản. |
- Đến nay tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng như thế nào, thưa ông?
Khoảng 80% người dân cần sản phẩm bình dân thì lại không có, còn sản phẩm nhà ở cao cấp lại thừa ra. Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng |
Điều đó có nghĩa là khi có sản phẩm bất động sản nhà ở xã hội càng nhiều lên, nhà ở thương mại quy mô nhỏ dưới 15 triệu đồng/m2 càng nhiều thì việc giải ngân càng nhanh.
Việc giải ngân phụ thuộc trước hết vào doanh nghiệp làm nhà ở xã hội có nhiều hay không. Bên cạnh đó, việc giải ngân phụ thuộc vào sản phẩm bất động sản, mà đó chính là những nhà ở xã hội có đủ hay không? Những nước có thu nhập bình quân tới 50.000 USD/năm thì họ vẫn cần những gói tín dụng với lãi suất thấp. Hiện nay, gói 30.000 tỷ đồng đang giải ngân thì tốc độ ngày càng nhanh. Chúng ta đang thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội mà luật lần này là cụ thể hóa.
- Thưa Bộ trưởng, có một số ý kiến lo ngại, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định dành quỹ đất 20% tại các khu đô thị để làm nhà ở xã hội sẽ làm cho đô thị mang màu sắc giàu - nghèo lẫn lộn?
- Nhiều nước đã thực hiện mô hình này rồi. Ví dụ như Pháp yêu cầu dành 30% quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, để người dân có thu nhập trung bình được hưởng hạ tầng này, tạo sự bình đẳng, tiến bộ, công bằng trong xã hội.
Người giàu, người nghèo phân biệt nhau ở nội thất bên trong và diện tích sử dụng. Khi ở chung, người giàu hỗ trợ người nghèo, người nghèo học tập người giàu và sẽ giúp hạn chế tệ nạn xã hội.
Mô hình nhà ở xã hội đan xen với nhà thương mại đã rất thành công. Điển hình như khu Đặng Xá (Gia Lâm - Hà Nội) và không hề có mâu thuẫn gì. Tuy nhiên, nói vậy cũng không phải khu vực nào cũng buộc phải bố trí nhà thương mại cùng nhà ở xã hội.
Có những khu nhà ở xã hội riêng, đồng bộ với những dịch vụ thuận lợi. Mục tiêu là giúp người thu nhập thấp được hưởng dịch vụ, hạ tầng tiện ích nhưng giá vẫn rẻ, tiết kiệm được chi phí, nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Không ít chuyên gia kinh tế cho rằng, phát triển nhà ở xã hội cùng một lúc chúng ta thực hiện được “mục tiêu kép”, người dân nghèo có nhà ở, các ngành sản xuất liên quan đến bất động sản cũng phát triển kéo theo tăng trưởng kinh tế ?
- Phát triển nhà ở xã hội bằng cách không thu tiền sử dụng đất cũng là một hình thức đầu tư của Nhà nước, điều này là thực tế. Đầu tư cho nhà ở xã hội không chỉ lợi về mặt kinh tế mà còn có lợi cả về mặt xã hội. Nó vừa giúp người dân có nhà ở mà còn tạo ra sự phát triển kinh tế.
Đây là một kênh đầu tư và chính là đầu tư xây dựng. Thay vì đầu tư các loại hình khác thì đầu tư cho nhà ở xã hội cũng gián tiếp tạo ra sự tăng trưởng kinh tế do kích thích được các lĩnh vực liên quan khác như nội thất, vật liệu xây dựng, thép, điện... cùng phát triển.
Ở các nước phát triển, khi khủng hoảng kinh tế, tăng trưởng thấp, người ta phải hỗ trợ tăng cầu bằng cách đầu tư nhà ở xã hội để vừa tạo việc làm mới, vừa đảm bảo an sinh xã hội. Đầu tư nhà ở cũng là đầu tư phát triển. Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) với những quan điểm hết sức mới nhằm để chống tham nhũng, để giữ tiền cho Nhà nước, cho nhân dân. Nhà nước bỏ tiền ra thì phải quản lý chặt, chứ không thể ném tiền qua cửa sổ được.
Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật là người nhiều tiền không bao giờ mua nhà ở xã hội. Nhưng những người đã vào ở các khu nhà ở xã hội đều là người thực sự có nhu cầu.
Quả thực, với tất cả cán bộ công chức, viên chức, người lao động, nếu không người thân, bạn bè, hỗ trợ, chắc chắn khó có thể mua được nhà thương mại trong thời gian ngắn. Theo tôi biết, hiện có khoảng 80% người có nhu cầu mua nhà vẫn cần mua loại nhà thu nhập thấp.
Xin cảm ơn ông!
Theo VTCNews