Nhật Bản sẽ xây dựng nhà máy chế biến cá ngừ đại dương tại Bình Định

Thứ ba, 28/10/2014, 08:10
Cùng với xây dựng một nhà máy chế biến cá ngừ đóng hộp tại Bình Định, các doanh nghiệp Nhật Bản cam kết tiếp tục hỗ trợ tỉnh này nâng cao chất lượng cá ngừ để xuất khẩu trực tiếp sang Nhật, tiến tới xây dựng thương hiệu cá ngừ Bình Định - Việt Nam tại Nhật Bản.

Ngày 27/10, trở về sau chuyến xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho Pháp luật TP.HCM biết Công ty Sản xuất - kinh doanh thực phẩm Hokugan (TP Naha, Nhật Bản) và UBND tỉnh Bình Định đã bàn bạc, thống nhất xây dựng một nhà máy chế biến thủy sản tại tỉnh này.

Theo đó, dự kiến nhà máy của công ty Hokugan xây dựng trên diện tích 5 ha, hoạt động chủ lực là chế biến cá ngừ đại dương, với các sản phẩm đóng hộp.

Cuối tháng 8/2014, đại diện công ty Hokugan đã đi thị sát và xác định địa điểm để xây dựng nhà máy tại Bình Định. Theo kế hoạch, ngày 30/10 tới, công ty sẽ cùng các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định tiếp tục xem xét, quyết định địa điểm xây dựng tại huyện Phù Cát hoặc huyện Hoài Nhơn; đồng thời tiến hành khảo sát chất lượng cá ngừ được đánh bắt ngay tại hiện trường, thẩm định nguyên liệu để xác định hình thức chế biến phù hợp.

Các chuyên gia thủy sản Nhật Bản kiểm tra chất lượng cá ngừ tại Công ty CP Thủy sản Bình Định trước khi xuất sang Nhật.

Hiện Công ty Sản xuất - kinh doanh thực phẩm Hokugan chưa thông tin mức vốn đầu tư, công suất nhà máy, song công ty cam kết sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất nước đá để cung cấp đá lạnh miễn phí cho tàu thuyền của ngư dân khi ra khơi để góp phần nâng chất lượng cá ngừ.

Cũng trong chuyến công tác trên của lãnh đạo tỉnh Bình Định, các doanh nghiệp thủy sản Nhật Bản cam kết tiếp tục hỗ trợ ngư dân tỉnh này nâng cao chất lượng cá ngừ để xuất khẩu trực tiếp sang Nhật.

Trong tháng 11 tới, các chuyên gia thủy sản Nhật Bản sẽ sang Bình Định tập huấn, chuyển giao kỹ thuật đánh bắt, bảo quản cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật để bắt đầu chính thức áp dụng từ đầu vụ đánh bắt tới (tháng 12/1014). Để nâng sản lượng đánh bắt theo đề nghị của các ngư dân Bình Định, các chuyên gia Nhật Bản sẽ tăng số dây câu trong mỗi bộ câu Nhật từ một lên ba hoặc bốn dây câu.

Tại các cuộc làm việc, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đề nghị tỉnh Bình Định chưa vội mở rộng mô hình đội tàu đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật mà trước mắt tập trung đầu tư cho đội tàu hiện có, để ngư dân thật thành thục về kỹ thuật đánh bắt, bảo quản.

Hiện đã có hai doanh nghiệp tại Bình Định tham gia mô hình này bằng việc hợp đồng với ngư dân để bao tiêu sản phẩm, xuất sang Nhật và hợp tác đầu tư đóng tàu dịch vụ hậu cần, phục vụ cho đội tàu đánh bắt. “Các doanh nghiệp Nhật cho rằng nên tập trung đầu tư khoảng 10 tàu để cá ngừ đạt chất lượng thật cao, nâng tỉ lệ xuất khẩu trực tiếp, sau đó mới mở rộng mô hình đánh bắt theo công nghệ mới. Khi chất lượng cá ngừ cao, tất yếu sẽ có thương hiệu tốt, giá cao. Đó cũng là quy trình để xây dựng thương hiệu cá ngừ Bình Định- Việt Nam tại thị trường Nhật Bản. Về sản lượng, các doanh nghiệp Nhật cũng cam kết nhập không hạn chế, miễn đạt yêu cầu về chất lượng”, ông Lộc cho biết thêm.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, các bước xúc tiến, cam kết trên nhằm đảm bảo cho cá ngừ đại dương tỉnh này tiếp tục được đưa vào bán trong các trung tâm đấu giá, chuỗi cửa hàng hải sản thuộc các đối tác của Công ty Kato Hitoshi General Office Co., Ltd (Nhật Bản)- đối tác của Công ty CP Thủy sản Bình Định.

Theo PLO

Các tin cũ hơn