Năm 2008, Quốc hội khóa XII đã có Nghị quyết số 19/NQ-QH ngày 3/6/2008 về việc thí điểm cho cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Sau đó một năm, Chính phủ đã có Nghị định số 51/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 19 của Quốc hội. Từ đó đến nay đã hơn 6 năm, kể cả Việt kiều chỉ có gần 200 trường hợp được giải quyết. Kết quả này quá thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều bà con Việt kiều và người nước ngoài muốn mua và sở hữu nhà tại Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả quá thấp trên đây là do điều kiện để cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam còn khắt khe, chưa thông thoáng và cũng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ảnh minh họa
Quốc hội khóa XIII đã dự kiến sẽ thảo luận và thông qua dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8. Trong đó, có các chế định cho phép Việt kiều được mua và sở hữu nhà như người trong nước; Mở rộng điều kiện thông thoáng hơn cho cá nhân nước ngoài nếu có nhu cầu có thể mua và sở hữu nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khi được phép nhập cảnh vào Việt Nam, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) còn có quy định cá nhân nước ngoài không được mua và sở hữu quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư; Trường hợp trong một đơn vị hành chính cấp phường mà có nhiều nhà chung cư thì Chính phủ quy định số lượng căn hộ được mua và sở hữu; nếu là nhà ở riêng lẻ (biệt thự, nhà liền kề) trên một đơn vị hành chính cấp phường thì cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu không quá 250 căn nhà, nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài sống và hội nhập với cộng đồng dân cư trong nước; Cá nhân nước ngoài phải thực hiện thanh toán tiền mua nhà ở thông qua TCTD đang hoạt động tại Việt Nam để phòng tránh trường hợp rửa tiền.
Với các chế định trên đã tạo điều kiện thông thoáng cho cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế, nhưng vẫn đảm bảo vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia.
Việc mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ xây dựng hình ảnh nước ta như là một quốc gia tương đồng với các nước, chính là một hình thức xuất khẩu tại chỗ (thay vì xuất khẩu nguyên liệu cát đá, xi măng, thép giá trị thấp, việc bán nhà ở cho người nước ngoài sẽ tạo thêm ngoại tệ cho đất nước) làm gia tăng giá trị tổng tài sản quốc gia, tạo điều kiện phát triển các ngành nghề như vật liệu xây dựng, thiết bị, trang trí nội thất… và tạo việc làm cho người lao động, tăng tổng cầu cho thị trường BĐS trong dài hạn.
Bởi vì, nước ta hiện nay cũng chưa hẳn đã là một điểm đến hấp dẫn đối với cá nhân nước ngoài để mua và sở hữu nhà, nếu chúng ta không nâng cấp, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, phát triển đầy đủ các loại hình dịch vụ, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, mua sắm, du lịch và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho khu vực tư nhân trong nước để thu hút càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn tại Việt Nam.
Nhưng, một vấn đề rất lớn đặt ra là làm thế nào để việc mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam không làm giảm đi hoặc không làm mất cơ hội mua và sở hữu nhà ở của tuyệt đại đa số người Việt Nam đang có thu nhập trung bình và thu nhập thấp trong nước. Do vậy, Luật Nhà ở (sửa đổi) cần quy định cá nhân nước ngoài chỉ được mua nhà ở cao cấp (có thể xác định mức giá trên 21 triệu đồng/m2, tương đương trên 1.000 USD/m2) để không cạnh tranh trực tiếp với người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp trong nước.
Theo TBNH