Dự án Đà Lạt Tuyền Lâm của Sacom vẫn đang thua lỗ |
Ban đầu kế hoạch đầu tư vào công viên Đầm Sen chỉ là một khoản đầu tư tài chính khi Phú Thọ Tourist (ông chủ 100% công viên Đầm Sen) tiến hành IPO hồi cuối 2015, đến nay thì Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển SACOM lại chọn hướng đi là một nhà đầu tư chiến lược, bởi động thái lấn sân mạnh sang BĐS du lịch của Sacom khi ngành cốt lõi của họ đang suy yếu.
Hướng đi mới, nhiều chông gai
Sacom được xem là đơn vị có thế mạnh trong lĩnh vực cáp và vật liệu viễn thông sau khi được cổ phần hóa năm 1998. Những năm gần đây doanh thu của Sacom luôn tăng mạnh và đạt hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận lại giảm rõ rệt từ 2013 đến 2015.
Nhảy vào BĐS từ năm 2008 khi Sacom thành lập Công ty cổ phần địa ốc Sacom (Samland) để đầu tư một dự án ở Tp.HCM, năm 2009 tiếp tục lập ra Công ty cổ phần Sacom – Tuyền Lâm để đầu tư vào dự án Resort bên hồ Tuyền Lâm tại Đà Lạt.
Tuy nhiên, lĩnh vực BĐS không phải dễ dàng gì với công ty ngoài ngành như Sacom. Cho đến nay, dự án Tuyền Lâm Đà Lạt mới đi vào hoạt động và kinh doanh cũng đang thua lỗ. Trong khi, để có nguồn vốn thâu tóm công viên Đầm Sen thì Sacom đã thoái vốn tại Taihan-sacom thu về hơn 58 tỷ lợi nhuận, bán hàng ở một số dự án Sacom-chíp sáng, Hiệp Phú, thu tiền từ Giai Việt…ước chừng khoảng 430 tỷ và một số nguồn thu khác.
Dòng tiền này cũng khá tương đồng với kế hoạch chi khoảng 424 tỷ đồng của Sacom vào Phú Thọ Tourist trong năm 2016. Đây là nước cờ lớn của Sacom trong năm nay nhưng cũng khá mạo hiểm của đơn vị này.
Nhìn vào mảng bất động sản của Sacom những năm gần đây, cho thấy hiệu quả không được như kỳ vọng. Một dự án có nhiều điểm kinh doanh tương đồng với công viên Đầm Sen là resort Tuyền Lâm Đà Lạt chưa có hiệu quả, do mới hoạt động khách sạn hồi tháng 11/2015.
Trong khi đó, một số dự án BĐS khác cũng chưa phát huy hết công suất dù đã hoàn thành như Sacom-chíp sáng tỷ lệ lấp đầy mới đạt 23% và dự kiến doanh thu đem về năm nay chỉ khoảng 118 tỷ; Dự án Giai Việt dự kiến có doanh thu khoảng 175 tỷ từ việc bàn giao 120 căn hộ…Kế hoạch lợi nhuận mảng BĐS năm 2016 của Sacom chỉ chiếm khoảng 30% tổng lợi nhuận 120 tỷ.
Nước cờ lớn, tham vọng lớn…nhưng tiềm lực của Sacom thì sao?
Khu du lịch Đầm Sen sẽ là dự án đầy tham vọng của Sacom trong tương lai. Không chỉ có “tiền tươi thóc thật” của khu du lịch giải trí này đem lại, mà theo chia sẻ lãnh đạo Sacom thì nắm được Phú Thọ Tourist, đơn vị này hoàn toàn có thể gia tăng chuỗi giá trị du lịch của mình, cũng như khai thác chiến lược lâu dài khi công viên Đầm Sen được quy hoạch thành khu du lịch không khác gì Singapore hay Hồng Kông với quy mô lên tới 30ha.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sau khi thâu tóm xong thì SACOM sẽ dùng nguồn tài chính nào để thực hiện ước mơ lớn. Nói như lãnh đạo Samco thì kế hoạch của công ty là sẽ dùng dòng tiền từ dự án Giai Việt, bán hàng ở dự án Sacom-Chíp sáng, thoái vốn ở dự án Taihan-Sacom…để có dòng tiền đầu tư, nhưng theo Sacom thì nguồn tiền đầu tư chính vẫn là từ đi vay.
Sacom vẫn còn rất nhiều dự án BĐS khác đang trong quá trình triển khai như Samland Airport đang xây móng, samland Riverside chưa động thổ, Tân Vạn (Bình Dương) mới chấp thuận…nên Sacom vẫn phải chuẩn bị nguồn lực lớn để đầu tư các dự án.
Ngoài thâu tóm Đầm Sen, Sacom còn góp 30% vốn tương đương khoảng 285 tỷ đồng Dự án Khách sạn Thể thao Sài Gòn tại 215C Lý Thường Kiệt, Phường 15, Quận 11, TP.HCM; Dự án Đầm Sen Tower dự kiến được thực hiện vào năm 2018 với số vốn đầu tư 250 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo tiết lộ của lãnh đạo Sacom, việc thâu tóm Phú Thọ Tourist của công ty này kể từ đợt IPO hồi cuối năm 2015. Đến nay thì tỷ lệ nắm giữ tại Phú Thọ Tourist là 29% tương đương số tiền đổ vào công ty này là 424 tỷ đồng. Ngoài ra một “đối tác” đồng hành cùng với Sacom cũng đang sở hữu 14% tại Phú Thọ Tourist. Như vậy tổng sở hữu của SAM và đối tác này tại đây đang là 43% và sẽ tiến tới sở hữu 51% để nắm quyền chi phối.
Theo Trí Thức Trẻ