Điều kiện để cấp 23.000 tỷ đồng đầu tiên xây sân bay Long Thành

Thứ ba, 30/05/2017, 10:03
Chính phủ trình xin Quốc hội quyết chi số tiền 23.000 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng để thi công dự án sân bay Quốc tế Long Thành. Thẩm tra nội dung này, UB Kinh tế của Quốc hội yêu cầu trình luôn nội dung tách dự án giải phóng mặt bằng cùng với thông báo khả thi của dự án vì nếu quyết 23.000 tỷ mà báo cáo khả thi không được thông qua, số tiền “xuống vốn” thành dở dang, lãng phí…

Chiều muộn hôm qua, 29/5, UB Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể để thẩm tra tờ trình của Chính phủ về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thành phần để thực hiện trước phục vụ cho việc sớm triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây là một nội dung được chuẩn bị cấp kỳ để kịp cho phiên thảo luận về vấn đề tại kỳ họp Quốc hội lần này.

Trước đó, tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội trước khi kỳ họp thứ 3 khai mạc ít ngày, vấn đề này đã được trình ra với một hồ sơ còn thiếu rất nhiều.

Cuộc họp thẩm tra nội dung tách việc giải phóng mặt bằng làm sân bay Long Thành thành một tiểu dự án được thực hiện vào chiều muộn, ngay sau khi Quốc hội kết thúc phiên họp chiều.

Trình bày tờ trình trước UB Kinh tế, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, có 3 nguyên nhân chính khiến Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét một Nghị quyết về việc tách giải phóng mặt bằng (GPMB) riêng.

Thứ nhất, về cơ sở pháp lý, theo Nghị quyết 94 của Quốc hội khóa 13 về chủ trương đầu tư Long Thành, Thủ tướng chỉ có thể quyết định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần và tổ chức thực hiện độc lập khi Báo cáo nghiên cứu khả thi đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, theo tiến độ dự kiến, sẽ được trình vào năm 2019, nên phải chờ Quốc hội cho một nghị quyết riêng.

Thứ 2, về tiến độ, như đã đề cập, UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng phải mất ít nhất 3 năm để hoàn thành GPMB, mà 2019 mới trình báo cáo khả thi sẽ không đảm bảo việc đưa giai đoạn 1 vào khai thác năm 2025 và cũng khiến đội vốn đầu tư, vì thời giá lúc đó khác.

Thứ 3, liên quan đến đời sống người dân, quy hoạch cho dự án này đã làm từ 2005, và hơn 10 năm qua, người dân không thể chuyển nhượng, xây dựng... trên đất đai của mình.

“Nếu Quốc hội đồng ý cho tách thì tỉnh Đồng Nai sẽ tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng song song với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Nếu không được tách thì dự án có thể phải kéo dài khoảng 2- 3 năm, chưa kể kinh phí giải phóng mặt bằng sẽ tăng thêm, đời sống của dân vùng dự án sẽ gặp thêm nhiều khó khăn” – Thứ trưởng Thọ trình bày.

Chính phủ cho biết, tổng kinh phí khái toán cho công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án khoảng 23.000 tỷ đồng (trong đó có 5.030 tỷ để xây dựng khu tái định cư). Tổng diện tích đất dự kiến thu hồi cho dự án là hơn 5.600 ha. Tổng số hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất là 4.730 hộ, cá nhân với khoảng 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức (bao gồm các tổ chức tôn giáo, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, trường học, trạm y tế và doanh nghiệp).

Câu hỏi “đầu tiên”

Thảo luận về vấn đề này, câu hỏi lớn nhất được đặt ra là “tiền đâu để xuống vốn cho việc này”?

Phó Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn phân tích, Chính phủ là muốn tách GPMB ra một dự án riêng nhưng quy mô lớn hơn 10.000 tỷ đồng thì phải được xem xét phê duyệt theo tinh thần của các dự án quan trọng quốc gia, nghĩa là phải chuẩn bị hồ sơ (có đánh giá tác động, có phương án vốn...) để trình ra Quốc hội theo quy định của Luật Đầu tư công.

Hồ sơ Chính phủ trình ra, theo ông Toàn, còn mỏng và chưa thuyết minh được gần 80% vốn thiếu nằm ở đâu.

“Gần 80% vốn là 18.000 tỷ, lớn lắm. Đề nghị Chính phủ phải thuyết minh rõ 2 điểm, việc GPMB thực hiện trong bao lâu thì xong vì Nghị quyết 94 của Quốc hội đã đặt ra yêu cầu giải phóng 1 lần; 2 là phương án bố trí vốn như thế nào?”.

Đại biểu Phạm Quang Thanh (Hà Nội) nêu quan điểm: ““Chính phủ dự kiến nguồn bổ sung từ đấu giá và cho thuê đất thu hồi, ở bối cảnh bây giờ, tôi thấy không chắc chắn. Ngay Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thu hồi và đấu giá đất được hàng chục nghìn tỷ cũng là rất khó khăn, chưa nói ở Long Thành (Đồng Nai)”.

Lo xa hơn, ông Thanh cho rằng, dù quyết tâm chính trị là rất cao, nhưng sẽ ra sao nếu đã “xuống tiền” 23.000 tỷ đồng để GPMB nhưng đến 2019 Quốc hội không thông qua báo cáo khả thi của dự án, hoặc Quốc hội yêu cầu làm lại? Ông Thanh cho rằng, gần 500 đại biểu Quốc hội cần phải được xem báo cáo khả thi thì mới có thể quyết việc đầu tư từ món tiền đầu tiên này.

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị cơ quan soạn thảo giải thích về một số điều đại biểu cho rằng “không thể xảy ra trong thực tế” là 2 điểm tái định cư dự kiến có diện tích đúng bằng nhau mà một khu có hơn 3.000 hộ, khu khác chỉ có chưa đến 300 hộ.

Trả lời các câu hỏi đặt ra, đại diện UBND tỉnh Đồng Nai giải thích, nói là giải phóng mặt bằng một lần nhưng không phải 1 năm mà xong mà sẽ ưu tiên xây dựng sân bay trước. Từ nay đến 2020 cố gắng giải phóng 2.750 ha cho sân bay.

Yêu cầu trình báo cáo khả thi sớm 2 năm

Phát biểu chốt phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét, về sự cần thiết phải tách ra tiểu dự án giải phóng mặt bằng, nhiều ý kiến đồng tình cả. Nếu đợi đúng trình tự, phải đến 2019 mới có báo cáo khả thi, đền bù 3 năm nữa, thì 2022 – 2023 mới có đất sạch, mà mục tiêu đến 2025 sân bay phải xong giai đoạn 1, nên chắc đại biểu Quốc hội và UB Kinh tế sẽ đồng tình.

“Vấn đề quan trọng nhất là phải giải trình và phản biện thêm. Quốc hội cho chủ trương rồi, ta có thể chấp nhận không cần bước chủ trương nữa, Quốc hội chỉ yêu cầu là có bước báo cáo khả thi, phải xây dựng tất cả các yếu tố, tổng vốn bao nhiêu, chính sách, cơ chế thế nào và tiến hành ra sao để GPMB 1 lần thôi.

Quan trọng nhất, Quốc hội sẽ thảo luận chuyện lấy vốn ở đâu? Dù khái toán, nhưng Chính phủ cũng phải chắc vấn đề này, vì ban đầu Chính phủ chỉ báo cáo GPMB có hơn 12.000 tỷ, sau đó Đồng Nai báo cáo là 18.500 tỷ, giờ lại 23.000 tỷ. Số tiền này liệu có dừng ở đấy không hay còn hơn? Thứ nữa, ít nhất cũng phải giải trình cho Quốc hội là nguồn ở đâu? Bất cứ dự án nào khi đã quyết định đầu tư thì phải chỉ rõ vốn ở đâu - đó là quy định của Luật Đầu tư công” – Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Nêu điều kiện để Quốc hội cho tách dự án, theo ông Hiển là, Chính phủ phải trình ra Quốc hội báo cáo khả thi vào tháng 10/2017, và khi Quốc hội thông qua báo cáo khả thi thì Chính phủ mới quyết định đầu tư dự án thành phần này. Nghị quyết phải có điểm như vậy.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn