Băn khoăn nguồn tiền giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành

Thứ sáu, 02/06/2017, 09:31
Chúng ta đã tính sân bay này sau 2025 là xong giai đoạn 1, thì QH yêu cầu phải sớm hơn để giải quyết tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất.

Phối cảnh nhà ga cách điệu theo hình hoa sen đã được Tổ tư vấn do Bộ GTVT thành lập lựa chọn để trình lên Chính phủ cho thiết kế sân bay Long Thành

Đa số đại biểu Quốc hội ủng hộ chủ trương tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, song vẫn băn khoăn về nguồn tiền lên đến 23.000 tỉ đồng để sớm thực hiện.

Chiều 1.6, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, theo đề nghị của Chính phủ, nhằm đảm bảo tiến độ dự án.

Đúng “quy trình” sẽ chậm tiến độ
Trình bày báo cáo thẩm tra vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết đa số ý kiến tán thành với kiến nghị trên. "Vì đặc thù công tác giải phóng mặt bằng thường phát sinh khó khăn, vướng mắc, phức tạp trong quá trình thực hiện và mất nhiều thời gian, tăng chi phí nếu quá trình thực hiện kéo dài. Nếu chờ đến khi QH thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án (dự kiến năm 2019), Thủ tướng quyết định đầu tư dự án, sau đó mới thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thì nhiều khả năng sẽ chậm tiến độ so với nghị quyết của QH đề ra khoảng 2 - 3 năm", ông Thanh trình bày.
Tuy nhiên, ông Thanh cho hay cũng có ý kiến băn khoăn việc triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng sẽ gây ra những hệ lụy nếu trường hợp QH không thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đây cũng nỗi lo của đại biểu (ĐB) Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) khi thảo luận tại tổ.
Ông Quang cho rằng phải có sự gắn kết giữa việc bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư với việc triển khai dự án. “Nếu tách ra xong rồi không làm là một sự lãng phí. Bài học điện hạt nhân Ninh Thuận, chi hơn 2.000 tỉ xong rồi chúng ta dừng là ví dụ, trong khi dự án này là 23.000 tỉ đồng", ĐB Quang nói.
Bên cạnh đó, ĐB Quang cũng lưu ý việc xác định tiến độ triển khai dự án, tránh tình trạng có đất nhưng không triển khai hoặc không biết đến bao giờ triển khai được. “Chúng ta cần hơn 16 tỉ USD để đầu tư, bây giờ QH có đồng ý bỏ ra 23.000 tỉ đồng (1 tỉ USD), thì cũng còn 15 tỉ USD chưa biết vốn ở đâu. Cái quyết định để dự án có khả thi hay không là lưu lượng người và hàng hóa. Giải phóng mặt bằng xong rồi, thấy lưu lượng người và hàng chưa đủ, ta chờ thêm vài năm, thì có thể dự án không còn khả thi nữa", ông Quang nhấn mạnh và tiếp tục nhắc lại câu chuyện điện hạt nhân Ninh Thuận để cảnh báo: khi QH thông qua chủ trương thì tổng mức đầu tư có 14 tỉ USD, sau này lên đến 23 tỉ USD trong khi công suất vẫn là 4.000 MW nên không còn khả thi.
Nỗi ám ảnh Tân Sơn Nhất
Tương tự, ĐB Phạm Phú Quốc (TP.HCM) cũng lưu ý, khi QH thông qua chủ trương đầu tư thì giải phóng mặt bằng tính theo đơn giá năm 2014 chỉ là 12.000 tỉ đồng, nay đã lên tới 23.000 tỉ là vừa lệch nhau về thời điểm và con số nên phải giải thích rõ, minh bạch để mọi người thấy được chuẩn mực.
"Bên cạnh đó, dự án trên 10.000 tỉ là dự án quan trọng phải trình ra trước QH. Do tách dự án thành phần nhanh nên con số 23.000 tỉ QH cũng phải giao Chính phủ thẩm tra lại tại sao lại là 23.000 tỉ mà không phải 22.000 hay 24.000 tỉ? Con số này cũng phải được cơ quan chức năng thẩm định lại vì chưa có phản biện", ĐB Quốc bày tỏ.
Cũng lo ngại về vốn đầu tư nhưng ở một khía cạnh khác, ĐB Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho hay hiện toàn bộ chi phí giải tỏa, đền bù, tái định cư lên tới 23.000 tỉ nhưng vốn đầu tư trung hạn đến 2020 chỉ có 5.000 tỉ thì nguồn tiền từ đâu chưa rõ. Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết Ủy ban Thường vụ QH cũng đã nghe về dự án này và cũng rất băn khoăn.
"QH đã bàn rất kỹ và quyết định là phải thu hồi đất 1 lần. Rõ ràng là năm 2017 - 2018 chưa làm được báo cáo khả thi cho dự án giai đoạn 1, sớm nhất cũng phải đầu năm 2019, như vậy thì rất chậm. Vốn đầu tư trung hạn đã quyết 5 năm 2016 - 2020, đã dành 5.000 tỉ đầu tư cho giải phóng mặt bằng Long Thành mà đến 2020 mới triển khai vốn thì đất nước chậm phát triển mà lãng phí rất lớn. Nên tôi cho rằng quyết là phải tách", ĐB Uông Chu Lưu nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, với một dự án trọng điểm quốc gia mà sau 2 năm từ ngày QH đồng ý chủ trương nhưng vẫn chưa có báo cáo khả thi là chậm. Vì vậy mới phải tách dự án thành phần ra làm trước để không làm ảnh hưởng đến tiến độ giai đoạn 1.
"Khi lập báo cáo tiền khả thi, tiền bồi thường chỉ có 12.000 tỉ, tới thời gian QH thông qua đã tăng lên 18.000 tỉ, cho đến hiện nay tăng lên 23.000 tỉ. Con số 23.000 tỉ này là do có bao gồm thêm hơn 600ha đất cho tái định cư mà thực ra thêm đất này là phải trình QH rồi”, Chủ tịch QH nói. Theo Chủ tịch QH, khi chứng kiến cảnh hành khách phải kéo hành lý chạy bộ vì sợ trễ giờ bay bởi sân bay Tân Sơn Nhất tắc đường là thấy thê thảm.
"Chúng ta đã tính sân bay này sau 2025 là xong giai đoạn 1, thì QH yêu cầu phải sớm hơn để giải quyết tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất. Bây giờ đã quá tải trước mắt chúng ta. Từ trước Tết trở lại đây, Tân Sơn Nhất là nỗi ám ảnh của người đi máy bay", Chủ tịch QH nhắc nhở.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn