|
Thị trường đất nền vùng ven TP.HCM là “tâm điểm” chú ý của giới đầu tư địa ốc, dư luận trong thời gian qua. Một số công ty nghiên cứu thị trường như CBRE và Savills đều ghi nhận mức tăng giá cao của phân khúc này dao động từ 20% đến 60% tùy từng khu vực so với năm ngoái, thậm chí CBRE còn cho rằng giá chào bán có nơi còn đạt mức đỉnh hồi 2007.
“Cơn sốt” đất này đã nhanh chóng lan rộng khắp vùng ven TP.HCM. Theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, việc giá đất mà tăng tới 60% trong thời gian ngắn khi một số thông tin lên quận hoặc có dự án hạ tầng cầu đường quy mô lớn đi qua, thì đó là hiện tượng “sốt ảo”.
Khi được hỏi về hiện tượng “sốt đất” vùng ven TP.HCM vừa qua liệu có phải là ảo do những siêu dự án trên giấy góp phần tạo nên hay không? Phân tích kỹ hơn về hiện tượng này, chuyên gia bất động sản độc lập Phan Công Chánh, cho rằng không hẳn là do các siêu dự án mà yếu tố "Thông Tin" mới là cốt lõi.
Chẳng hạn ở Hóc Môn, Củ Chi là những nơi đang xuất hiện thông tin về các siêu dự án. Ở Cần Giờ, Nhơn Trạch thì lại đang xuất hiện về thay đổi hạ tầng, cụ thể là xây cầu. Còn ở Quận 9 thì có sự thay đổi lớn về cả hạ tầng và quy hoạch. Nên theo ông Chánh thì các nhà đầu tư cần phân tích kỹ lưỡng về thông tin trước khi “xuống tiền” mua đất ở một khu vực nào đó.
“Chúng ta cần phân biệt rõ: giá đất không tăng nóng giống nhau ở các khu vực khác nhau. Có nơi tăng ảo, nhưng có nơi tăng thật.” chuyên gia Phan Công Chánh nói.
“Thị trường đang chững lại để nghe ngóng thông tin. Rất khó để đưa ra dự báo chính xác nhưng cá nhân tôi cho rằng không loại trừ sẽ có những đợt sóng mới vào cuối năm." Chuyên gia Phan Công Chánh (bên phải) |
Cũng theo vị chuyên gia này thì không hẳn bất cứ nơi nào ở TP.HCM giá đất đều tăng ảo mà một số nơi giá tăng là do nhu cầu thật, giao dịch là thật. Đây đều là những nơi có hạ tầng tốt, mật độ dân số cao đồng thời những lô đất có pháp lý hoàn chỉnh.
Trong bối cảnh “cơn sốt” nhà đất tại TP.HCM có nguy cơ lan rộng và tăng ảo ở nhiều khu vực. Mới đây, lãnh đạo UBND TP.HCM đã có buổi họp bàn và đưa ra 4 nguyên nhân tạo nên hiện tượng sốt đất. Một là do cơ sở hạ tầng một số khu vực phát triển đồng bộ, hai là thông tin trên truyền thông về dự án cụ thể ở Cần Giờ và Củ Chi, ba là thông tin về điều chỉnh lại những quy hoạch bất cập, và bốn là do sự tác động của những trường hợp đầu cơ, thổi phồng nhằm trục lợi bất chính.
Tại cuộc họp giữa lãnh đạo UBND TP.HCM và các sở ngành liên quan ngày 18/5 mới đây, thông tin quan trọng mà lãnh đạo TP.HCM đưa ra là “bác” chủ trương 3 huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè sẽ lên quận. Trong tương lai gần, UBND TP.HCM chưa xem xét đến việc sáp nhập, chia tách quận. Đồng thời, có động thái ngăn chặn hoạt động của giới đầu nậu.
Vì thế, việc “sốt nóng” đất nền TP.HCM gần đây đã bắt đầu hạ nhiệt ở một số nơi. Không còn cảnh tượng chèo kéo khách hàng, “bơm thổi” giá của một bộ phận cò đất. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này đại đa số giới địa ốc quan tâm đó là thị trường sẽ ra sao từ nay đến cuối năm?
Chuyên gia Phan Công Chánh nhận định “ thị trường đang chững lại để nghe ngóng thông tin. Rất khó để đưa ra dự báo chính xác nhưng cá nhân tôi cho rằng không loại trừ sẽ có những đợt sóng mới vào cuối năm. Giá tăng đến mức độ nào còn do thị trường, thông tin về quy hoạch, hạ tầng, siêu dự án và yếu tố điều chỉnh của chính sách.”
Còn theo ông Lê Hoàng Châu, những lô đất có sổ đỏ, có giấy phép xây dựng ở những khu vực thuận lợi giao thông và có nhiều tiện ích vẫn tiếp tục giữ giá như hiện nay và có xu hướng tăng trong những tháng tới.
Đồng quan điểm trên, ông Ngô Quang Phúc, Phó TGĐ Himlam Land cho rằng, nhà đất có pháp lý rõ ràng giá sẽ vẫn ổn định và có khả năng sẽ tăng.
Theo Nhịp sống kinh tế