Theo báo cáo vừa được DKRA Vietnam công bố, trong năm 2018, toàn thị trường TP.HCM cung cấp ra thị trường 12 dự án đất nền, với khoảng 3.736 nền. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 86%, tương đương 3.272 nền. Giá bán trên thị trường tăng trung bình 12-15% so với năm 2017.
Trong đó, khu Bắc dẫn đầu về nguồn cung và lượng tiêu thụ đất nền của TP.HCM. Cụ thể, khu vực chiếm đến 52% nguồn cung và 51% số nền đất bán được trong năm qua.
Không chỉ dẫn đầu về nguồn cung và lượng hấp thụ, một khảo sát từ hơn 200.000 tin đăng bán nhà đất trên trang Chợ Tốt Nhà cho thấy, phía Bắc còn có mức tăng trưởng giá nhà đất khá cao tính đến quý III/2018. Trong đó, quận 12 dẫn đầu về tốc độ tăng giá, với mức giá tăng từ 27,3 triệu đồng mỗi m2 lên 38,6 triệu đồng mỗi m2, tức vượt hơn 41% chỉ trong một năm. Nếu so với quý trước thì quận 12 cũng có tốc độ tăng trưởng cao nhất (12,5%) và trở thành quận đứng đầu về số lượng người mua quan tâm.
Trong đó, khu vực có giá đất tăng cao nhất là phường Tân Hưng Thuận với mức tăng gần 82%. Đứng thứ hai là phường Hiệp Thành, cao hơn gần 44% sau một năm. Các phường Thới An, Tân Chánh Hiệp, Thạnh Lộc và Thạnh Xuân cũng có tốc độ tăng giá bất động sản cao.
Nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng này, theo các chuyên gia, trước hết đến từ nguồn cầu tiếp tục tăng cao do gia tăng dân số cơ học vẫn tiếp diễn mạnh mẽ. Theo số liệu của UBND TP HCM, trong 20 năm qua, dân nhập cư vào TP HCM tăng trung bình 8% mỗi năm. Mật độ dân số đạt 4.000 người trên mỗi km2, trong đó mật độ dân số tại các quận là 13.600 người, cao gần 13 lần so với các huyện. Hơn nữa, đa phần người mua nhà vẫn giữ tâm lý thích sở hữu nhà mặt đất, vì cho rằng đây là loại tài sản có giá trị lâu dài, có nhiều tiềm năng tăng giá.
Trong khi đó, quỹ đất khu vực trung tâm đang ngày càng trở nên khan hiếm. Tình trạng đội giá đất ở các khu vực trung tâm đã đẩy làn sóng đầu tư nhà đất ra xa các khu vực vùng ven như Bình Chánh, Nhà Bè, quận 12.
Nhà đất quận 12 đang sở hữu nhiều tiềm năng tăng giá. Ảnh là phối cảnh khu biệt thự phố Pier IX, chủ đầu tư Sài Gòn 9. |
Nằm ở khu vực cửa ngõ Tây Bắc, quận 12 liền kề với các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp thuận tiện đi đến các quận trung tâm. Ngoài ra, đây cũng là khu vực cửa ngõ của thành phố với quốc lộ 22 đến tỉnh Tây Ninh và quốc lộ 1A đi về các tỉnh miền Tây.
Cùng với quận 1, quận 12 là một trong hai quận được thành phố lựa chọn tham gia thí điểm đề án "Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025". Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của bất động sản khu vực trong mắt người mua nhà, đặc biệt là giới đầu tư.
Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng giao thông khu vực ngày càng được cải thiện, tăng cường khả năng kết nối liên vùng. Trong đó, hai dự án được được quy hoạch, dự kiến tạo nên sức bật cho quận 12 là tuyến buýt đường sông và tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), giúp kết nối thông suốt từ khu Đông sang khu Tây cũng như từ khu Tây về nội thành.
Phối cảnh quy hoạch tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). |
Hiện nhiều chủ đầu tư lớn đã triển khai những chiến dịch dài hạn để đón đầu thị trường của quận 12. Trong đó, có dự án chung cư cao cấp của Hà Đô, dự án Senturia Vườn Lài của Tiến Phước hay Công ty Sài Gòn 9 với dự án biệt thự phố Sài Gòn Thới An cung cấp 155 căn biệt thự phố chất lượng và đầy đủ dịch vụ cho khách hàng.
Dựa trên khảo sát của CBRE, cuối năm 2018, toàn thị trường nhà phố và biệt thự xây sẵn tại TP.HCM chào đón thêm 1.251 căn từ 12 dự án, giảm 62% so với năm 2017. Đa số sản phẩm chào bán trong năm 2018 là nhà phố với 722 căn, chiếm 57,7% nguồn cung mới.
Phần lớn nguồn cung mới đến từ giai đoạn mở bán tiếp theo của các dự án đã được giới thiệu ra thị trường trước đó như Simcity giai đoạn 2 (quý IV/2018), Lovera Park giai đoạn 3 (quý I/2018), Dragon Village giai đoạn 1 và 2 (quý I và II/2018). Sự thiếu hụt lớn về nguồn cung mới đã đưa tỷ lệ tiêu thụ của thị trường lên mức cao, tạo cơ hội tăng giá cho thị trường nhà đất khu vực vùng ven TP.HCM nói chung và quận 12 nói riêng trong năm 2019.
Theo VNE