Rắp tâm lấn chiếm bờ sông Sài Gòn, 13 ông chủ cùng 76 công trình quyết không tháo dỡ

Thứ tư, 24/04/2019, 10:05
Trong danh sách các dự án lấn bờ sông Sài Gòn có đến gần một nửa nhận quyết định cưỡng chế yêu cầu tháo dỡ nhưng nhiều năm qua vẫn không chịu tháo dỡ.

Sau thời gian thu thập tài liệu cùng những bằng chứng ghi nhận tại hiện trường, nhóm phóng viên Báo Người Lao Động đã có thể xác định được những ông chủ của 116 lô đất gây ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ sông Sài Gòn cùng hiện trạng xây dựng trên những lô đất vi phạm đó.

Coi thường pháp luật

Tài liệu thu thập được cho thấy trong 116 lô đất ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ sông Sài Gòn có đến 76 công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng của 13 doanh nghiệp.

Đứng đầu bảng danh sách lấn bờ sông Sài Gòn là dự án nhà ở của Công ty Liên doanh ven sông Sài Gòn (Riverside - khu A) với 13 công trình nhà ở chỉ cách mép nước 7,5m. Xếp thứ hai là Công ty TNHH Văn Minh có công trình nhà ở cách sông 10m; đáng nói công trình nhà ở vi phạm của công ty này đã bị ngành chức năng ra quyết định xử phạt yêu cầu tự tháo dỡ nhưng chủ đầu tư không chấp hành.

Sông Sài Gòn đoạn chảy qua quận 2, là nơi hành lang an toàn bị xâm phạm nhiều với không ít các dự án biến bờ sông thành… của riêng.

Tiếp đến, Công ty TNHH Hải Vương có 8 lô đất với 3 công trình cách sông từ 12-20m. Gần đó là 7 công trình biệt thự đang được Công ty TNHH XD Thế Minh triển khai với các căn nhà triệu đô cách bờ sông 15m.

Công ty Liên doanh TNHH Sài Gòn Riviera có một công trình nhà phụ trợ cách sông chỉ 20m, so với quy định vi phạm 30m. Công đoàn Công ty Thép Miền Nam (khu 3) có 5 công trình tạm vi phạm. Tiếp theo là Công ty TNHH TM-DV Chiến Thắng có 17 lô đất (trong đó có 17 công trình nhà ở) chỉ cách sông 20m; Công ty TNHH XD Bảo Tiến có 11 lô đất (trong đó có 11 công trình nhà ở) cách sông 26m; Công ty Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận có 11 lô đất chỉ cách mặt nước 20m; Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận có đến 9 lô đất xâm chiếm hành lang sông Sài Gòn; Công ty Xây dựng kinh doanh Kim Sơn có 1 lô cách sông khoảng 37,5m. Cuối cùng là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tân Bình có 4 lô đất (trong đó có 4 công trình nhà ở) cách sông 20m.

Đáng nói là trong danh sách các dự án lấn bờ sông Sài Gòn kể trên có gần một nửa đã nhận quyết định cưỡng chế yêu cầu tháo dỡ. Thế nhưng, kể từ thời điểm ban hành quyết định cho đến nay trải qua nhiều năm, không ít chủ đầu tư vẫn không thực hiện dù các căn biệt thự đã được sang tay qua nhiều đời chủ.

Cứ đà này sẽ... nát!

Theo Quyết định 150/2004 của UBND TP.HCM, các dự án phải cách sông, kênh, rạch từ 30-50m. Riêng khu vực quận 2, Bình Thạnh, quận 1 phải cách 50m.

Ông Trần Kim Trọng (48 tuổi, ngụ đường 41, phường Thảo Điền, quận 2) nhận xét chẳng ở đâu mà sông Sài Gòn bị lấn chiếm nhiều như ở đây. Bây giờ, muốn ra sông hưởng chút gió mát là đụng ngay các khu dân cư biệt lập, người ngoài như ông không vào được.

"Dân ở quận 3, quận 1 và cả quận 5 còn được hưởng gió mát từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, trong khi ở đây dù được bao bọc bởi sông Sài Gòn nhưng không tìm được gió từ sông. Hãy trả lại bờ sông cho chúng tôi!" - ông Trọng bức xúc và đề nghị.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, nhận định để xảy ra tình trạng trên, ngoài công tác quản lý "có vấn đề", còn có một phần nguyên nhân từ việc quy hoạch chung dọc sông Sài Gòn chưa được chú trọng. "Nếu cứ để xây dựng ồ ạt sẽ dẫn đến bức bí, ô nhiễm, ngập nước. Nếu không sớm khắc phục, trước sau gì cảnh quan sông Sài Gòn cũng bị phá nát" - TS Võ Kim Cương cảnh báo.

Trong khi đó, KTS Võ Kim Trung lại cho rằng những gì cơ quan chức năng khẳng định đều rất lý tưởng nhưng thực tế thực hiện và quản lý lại khác xa. Cụ thể, đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP khẳng định việc hình thành các đô thị ven sông góp phần cải tạo lại bờ sông, xây dựng các công viên. Theo đó, trên giấy, các chủ đầu tư cam kết có đầy đủ tiện ích và không gian sinh hoạt công cộng nhưng khi đưa vào sử dụng thì nó lại là không gian riêng.

"Nói thẳng, việc hành lang an toàn sông Sài Gòn bị xâm phạm với các công trình xây dựng, ngoài việc chắn gió, chiếm không gian công cộng còn làm mất đi vẻ đẹp vốn có của con sông" - KTS Võ Kim Trung nhấn mạnh và nhận xét thêm đô thị TP.HCM rất giống với thủ đô Bangkok (Thái Lan) khi cả hai đều có dòng sông uốn mình chảy qua. Thế nhưng, ở Bangkok, dọc sông là những công trình cổ, chùa, trung tâm hành chính và hàng loạt bến tàu, công viên công cộng, thi thoảng mới có vài tòa nhà nhưng phải xây dựng cao dần về phía sau, thậm chí, các tòa nhà khi xây dựng bắt buộc phải lấy ý kiến từ những người dân bị tác động bởi việc che cảnh quan trước khi triển khai dự án.

"Đã đến lúc TP phải nghiêm túc nhìn nhận những lỗ hổng, những thiếu sót trong việc quy hoạch, quản lý xây dựng dọc sông Sài Gòn, nếu không thì chẳng thể nào cứu được" - KTS Võ Kim Trung đề nghị.

"Lô cốt" án ngữ hết bờ sông

Ngày 23-4, chúng tôi một lần nữa trở lại sông Sài Gòn bằng đường bộ theo hướng từ huyện Hóc Môn xuôi về quận 7.

Ngoài việc chứng kiến nhà dân và nhiều dự án xây dựng lấn ra mép sông Sài Gòn tăng dần ở đoạn từ quận 12 kéo dài xuống quận 4 thì hình ảnh làm ai cũng phải "chướng mắt" đó là nhưng "lô cốt" án ngữ bờ sông xuất hiện nhiều ở phường Thảo Điền, quận 2.

Dù chạy 3 vòng xe máy nhưng không thể nào nhìn thấy được mặt sông, tất cả bị che bởi những bức tường bê-tông, lối vào có nhiều thanh barie. Mãi cho đến khi dùng thiết bị ghi hình trên cao (flycam) thì dòng sông Sài Gòn ở khu vực trên mới dần hiện ra với bờ sông là những bức tường bao của hàng trăm căn biệt thự. Thử tìm cách ra bờ sông, chúng tôi đi vào cổng chính của khu biệt thự Eden nhưng bị bảo vệ ngăn cản với lý do: "Đây là khu biệt lập".

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn