|
Vượt “chướng ngại vật”
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong quý I/2020, cả nước đã có trên 800 sàn phân phối bất động sản phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Con số này phản ánh một thực tế đầy khó khăn với các doanh nghiệp phân phối bất động sản, trái ngược hoàn toàn với cảnh mở mắt thấy sàn giao dịch mới ra đời hồi năm 2018.
Còn theo số liệu thống kê từ Bộ Xây dựng, trong quý I/2020 vừa qua, số lượng doanh nghiệp ngành bất động sản, xây lắp đăng ký mới giảm gần 12%; trong khi đó, doanh nghiệp tạm ngưng kinh doanh tăng đến 94% so với cùng kỳ năm 2019.
Những con số trên đã nói lên phần nào thực trạng của thị trường bất động sản, cũng như sức đề kháng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Từ năm 2019, đà suy giảm của thị trường bất động sản đã diễn ra khi nguồn cung bị chặn lại bởi thủ tục, kế đến dịch bệnh Covid-19 từ sau Tết Nguyên đán như giọt nước tràn ly. Báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản có sự sụt giảm kỷ lục về nguồn cung mới và sức cầu chung so với các quý trước đó. Trong đó, dịch Covid-19 được xác định là “thủ phạm” chính tạo nên sự sụt giảm này.
Theo phân tích của giới chuyên môn, sự khó khăn do tác động của dịch Covid-19 mang tính tạm thời và chỉ là một trong nhiều chướng ngại vật trên đường đua của thị trường bất động sản thời gian qua và sắp tới. Từ chướng ngại vật về thủ tục pháp lý đến câu chuyện về những “con sâu làm rầu nồi canh” đòi hỏi doanh nghiệp phải ngày càng chuyên nghiệp hơn trong việc đầu tư, bán hàng… trong giai đoạn người tiêu dùng ngày càng trở nên kỹ tính, thận trọng.
Nói như ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Danh Khôi, nếu ví thị trường bất động sản là một khu rừng, thì bản thân mỗi doanh nghiệp như một cái cây, tùy những loại cây khác nhau mà có sức đề kháng, chống chọi với thời tiết khác nhau. Song, khi nhiều loại cây mới mọc lên gặp phải vùng đất quá khô cằn hay giông bão, thì tất yếu khó trụ nổi.
“Chỉ có những cây có sức sống mãnh liệt, cổ thụ thì tồn tại, nhưng sẽ không nhiều”, ông Bảo so sánh, đồng thời đánh giá, thị trường bất động sản đã trải qua thời kỳ vàng son hơn 8 năm, từ năm 2012 đến nay và đây là giai đoạn thị trường bắt đầu có sự gạn lọc để chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mới.
Quả thực, theo ghi nhận của PV, mặc dù thị trường bất động sản được xem là mảnh đất màu mỡ trong suốt nhiều năm qua, song nhìn đi ngó lại trên thực tế, số lượng doanh nghiệp được đánh giá là có nguồn lực, sự chuyên nghiệp để trở thành những nhà phát triển bất động sản thực thụ không nhiều. Phần lớn số doanh nghiệp địa ốc hoạt động theo kiểu chụp giật, phát triển manh mún như những thân cây yếu ớt không đủ sức chịu đựng được những trận gió to, chứ chưa nói đến bão giông.
Tại TP.HCM, các doanh nghiệp được xem là các nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp hiện nay có thể kể đến như Vingroup, Hưng Thịnh, Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Danh Khôi, Him Lam, Thủ Đức House, Đất Xanh, Phúc Khang… Dù các doanh nghiệp này không tránh khỏi ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, song thay vì ngồi im, họ đã có những bước đi khá rõ ràng. Có doanh nghiệp đưa ra chiến lược duy trì nguồn lực chờ qua thời dịch bệnh, cũng có doanh nghiệp thực hiện chiến lược nắm bắt cơ hội trong khủng hoảng.
Ai sẽ làm chủ “cuộc đua”?
Sự khó khăn của thị trường bất động sản thời gian qua đối với nhiều doanh nghiệp bất động sản kém sức bền là một thách thức lớn. Trong khó khăn đó, không tránh khỏi sự tác động nhất định, song với nhiều doanh nghiệp địa ốc có tiềm lực tài chính, sự chuyên nghiệp trên thị trường thì những chướng ngại vật như dịch Covid 19 chỉ là khó khăn trong ngắn hạn, thậm chí đây là còn là cơ hội.
Theo thông tin phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản thu nhận được, thời gian qua, tận dụng thời cơ trong khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp có tiềm lực tài chính đã đẩy mạnh việc gia tăng quỹ đất.
Chẳng hạn, mới đây, Tập đoàn Hưng Thịnh đã chi một khoản tiền lớn để gom hàng ngàn héc-ta đất tại Lâm Đồng. Trước đó, Tập đoàn này, thông qua hình thức M&A đã “thâu tóm” hàng loạt dự án tại Quy Nhơn, Bình Định. Trong đó, đáng chú ý có dự án tại Nhơn Hội có quy mô diện tích lên đến hơn 1.000 ha đã được Tập đoàn lên kế hoạch triển khai, dự kiến sẽ biến dự án này thành một khu phức hợp nhà ở, biệt thự, khách sạn du lịch và nghỉ dưỡng đẳng cấp.
Một đại gia bất động sản đáng chú ý khác gần đây phải kể đến là Tập đoàn Danh Khôi. Liên tục thời gian gần đây, thị trường chứng kiến Tập đoàn Danh Khôi âm thầm thực hiện khá nhiều thương vụ mua lại các dự án. Dù chưa công bố ra thị trường, song theo nguồn tin mà chúng tôi có được, Danh Khôi vừa chi hàng ngàn tỷ đồng để mua lại một dự án có vị trí kim cương bên dòng sông Hàn thơ mộng tại TP. Đà Nãng của một đối tác Nhật Bản. Trước đó, Danh Khôi đã mua đứt một dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu để phát triển thành dự án Khu đô thị Baria City, hay gần đây Tập đoàn Danh Khôi đã bắt tay với Phát Đạt để phát triển hàng loạt dự án có quy mô lên đến hàng trăm héc-ta tại Nhơn Hội, Bình Định với mục tiêu phát triển các dự án thành chuỗi dự án nhà ở, nghỉ dưỡng đẳng cấp.
Ngoài những doanh nghiệp nói trên, ghi nhận thực tế thị trường cho thấy, thời gian gần đây đã có khá nhiều doanh nghiệp mạnh về tài chính vung tiền mua lại khá nhiều lô đất. Đơn cử, trong báo kết quả tài chính hợp nhất quý I/2020 vừa được Tập đoàn Novaland công bố cho thấy, hoạt động M&A gia tăng quỹ đất của Tập đoàn trong quý I/2020 được ghi nhận tại khoản mục các khoản phải thu ngắn hạn đạt 9.349 tỷ đồng, tăng 59% so với thời điểm 31/12/2019.
Tương tự, nguồn tin từ Danh Việt Group cho biết, doanh nghiệp này đã đàm phán mua lại một dự án căn hộ tại Bình Dương có quy mô hơn 1.000 căn hộ.
Theo ông Trần Lê Thanh Hiển, Chủ tịch Danh Việt Group, khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay chỉ mang tính tạm thời, còn thực tế lâu dài, thị trường vẫn rất nhiều tiềm năng để phát triển.
“Tôi cho rằng, đây là thời điểm rất tốt để các doanh nghiệp tạo lập quỹ đất phát triển dự án, vấn đề là doanh nghiệp làm sao lượng định và cân đối được dòng tiền, không nên sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính, còn với các doanh nghiệp có nguồn lực, thì thời điểm này là cơ hội lớn”, ông Hiển nhận định.
Lúc này, thương hiệu của các chủ đầu tư, nhà phát triển, công ty dịch vụ môi giới có uy tín, có sản phẩm đã kiểm chứng, bề dày kinh nghiệm được khách hàng đặt niềm tin sẽ được hiểu là những thành viên làm chủ “cuộc chơi” của thị trường sắp tới. Ngoài việc gia tăng quỹ đất, sắp tới sẽ còn là một cuộc đua bùng nổ các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bất động sản. Đây là một trong những tiêu chí giúp khách hàng chọn lựa sản phẩm tốt và có độ an toàn cao.
“Đại dịch mở ra cuộc cạnh tranh về việc thiết lập ‘cách thức giao dịch mới’ trên thị trường. Cuộc cạnh tranh này dự đoán sẽ rất gay gắt, khốc liệt. Sự tham gia đa dạng từ các chủ đầu tư lớn cho tới các “startup mộng mơ” sẽ làm cho bức tranh cực kỳ sôi động trong năm 2020 - 2021. Và kết quả từ cuộc đua này, sẽ có những thương hiệu hoặc trở thành đế chế hoặc lóe lên rồi vụt tắt”, ông Phạm Lâm, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty DKRA Vietnam nhận định.
Theo Báo Đầu tư Bất động sản