Chấp nhận thay đổi hay rời cuộc chơi?

Thứ năm, 27/12/2012, 10:59
Tình hình kinh doanh khó khăn, không ít chủ đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã phải cơ cấu lại sản phẩm để có thể bán được hàng.

Một quyết định bất ngờ vừa được Công ty cổ phần Đầu tư Archi công bố liên quan đến dự án khu nghỉ dưỡng Nine Ivory ECo Resort & Country Club tại huyện Ba Vì, Hà Nội.

Theo đó, Công ty đã mở bán 24 căn biệt thự Ivory Bungalow của dự án này với giá khởi điểm chỉ 1,3 tỉ đồng. Đây mới chỉ là tiền đất, còn nếu muốn sở hữu biệt thự hoàn thiện, người mua sẽ phải bỏ thêm 900 triệu đồng để xây dựng. Tuy nhiên, họ sẽ không phải trả tiền xây dựng nếu đồng ý cho chủ đầu tư thuê lại biệt thự trong vòng 5 năm, nhưng vẫn được nhận sổ đỏ trong vòng 6 tháng và có thể nghỉ miễn phí 50 ngày/năm trong thời gian đó.

Bất ngờ ở chỗ là tại lễ mở bán cách đây 5 tháng, những căn biệt thự Ivory Bungalow này không có trong quy hoạch của Nine Ivory Eco Resort & Country Club. Lúc đó, chỉ có loại biệt thự Ivory Villas giá trên 5 tỉ đồng/căn và 9 căn dinh thự Ivory Mansion giá 30 tỉ đồng/căn.

bất động sản nghỉ dưởng
 Dự án Khu nghỉ dưỡng Nine Ivory Eco Resort & Country Club tại huyện Ba Vì, Hà Nội.

Cơ cấu lại sản phẩm

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Archi, thừa nhận: “Đúng là những căn biệt thự Ivory Bungalow không có trong thiết kế ban đầu của Dự án. Mặc dù giai đoạn I của Dự án chúng tôi đã bán rất tốt, với 24 trong tổng số 27 căn Ivory Villas đã có chủ, nhưng do tình hình thị trường bất động sản ngày càng xấu đi, nếu cứ giữ nguyên thiết kế ban đầu thì sẽ khó bán thêm được căn biệt thự nào”.

Vì thế, một số căn biệt thự Ivory Villas 3 phòng ngủ đã được điều chỉnh thành biệt thự Ivory Bungalow 2 phòng ngủ và giá bán cũng rẻ hơn một nửa so với trước đây. “Lúc này, rất khó kiếm được khách hàng bỏ ra 5-6 tỉ đồng để mua biệt thự nghỉ dưỡng. Nhưng đối với loại sản phẩm 1-2 tỉ đồng, chúng tôi vẫn thấy có người mua. Do đó, chúng tôi quyết định điều chỉnh quy hoạch của dự án Nine Ivory”, ông Trung nói.

Ngoài việc chia nhỏ biệt thự, Công ty cũng thay đổi thiết kế để khách du lịch có thể thuê độc lập từng phòng thay vì phải thuê nguyên căn biệt thự 3 phòng ngủ.

Không riêng gì Archi mà nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng tung hàng ra bán gần đây cũng chỉ có giá từ 2-3 tỉ đồng/căn, thay vì loại sản phẩm trên 5 tỉ đồng/căn như trước đây. Thậm chí, nhà liền kề và biệt thự của dự án Mercure Sapa Resort & Spa do Công ty Cổ phần Trường Giang Sapa chào bán cách đây hơn 1 tháng có giá chỉ 1,7-1,9 tỉ đồng/căn.

Những điều chỉnh về sản phẩm và giá bán này được xem là hết sức cần thiết để tồn tại trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm.

Theo bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của Savills Việt Nam, đứng trước tình hình kinh tế khó khăn, tất yếu sẽ có doanh nghiệp buộc phải rời bỏ thị trường. Còn nếu muốn trụ lại, doanh nghiệp đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cũng phải cơ cấu lại sản phẩm.

“Muốn tồn tại được trong điều kiện hiện nay, cần phải tính kỹ nhu cầu của người sử dụng cuối cùng thì mới có thể thành công”, bà nói thêm.

Hết thời bất động sản nghỉ dưỡng?

2008-2010 là thời kỳ thị trường bất động sản nghỉ dưỡng làm ăn khấm khá nhất. Lúc đó, những dự án được tung ra như Hyatt Regency Residences và Ocean Villas ở Đà Nẵng đã bán rất chạy, dù giá thấp nhất cũng gần 4 tỉ đồng/căn hộ, còn biệt thự thì từ 9-30 tỉ đồng/căn.

Thế nhưng, từ năm 2011, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã chững lại và đến năm 2012, tình hình trở nên tồi tệ hơn. Không có nhiều giao dịch thành công trên các thị trường sơ cấp và thứ cấp. Và chỉ có một số rất ít dự án được chào bán ở những nơi nổi tiếng về du lịch như Sapa, Phú Quốc, nhưng tình hình kinh doanh cũng không mấy sáng sủa.

Không ít dự án nghỉ dưỡng đã phải ngừng triển khai hoặc triển khai cầm chừng. Chẳng hạn, dự án Six Senses Saigon River tại Đồng Nai do Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Hai Dung làm chủ đầu tư chỉ bán được vài căn biệt thự và buộc phải dừng xây dựng vì thiếu vốn.

Tình hình kinh doanh của Dự án The Song tại Đà Nẵng của Công ty Meridian Đà Nẵng cũng không khả quan hơn nên chủ đầu tư chỉ xây dựng mấy khung nhà biệt thự rồi để dự án bất động trong thời gian dài. Dự án Dragon Pia tại Nha Trang của Công ty Cổ phần Sông Đà - Thăng Long cũng đang nằm đắp chiếu.

Bà Hằng cho rằng đặc thù của thị trường này là nghỉ dưỡng và vốn đầu tư cho dự án khá lớn nên không phải là cuộc chơi của những nhà đầu tư không chuyên. Ngay cả đến những nhà đầu tư thành công về nhà ở đô thị cũng còn gặp nhiều khó khăn khi tham gia thị trường này. Doanh nghiệp có kinh nghiệm về kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng như Ninh Vân Bay (công ty mẹ của Công ty Hai Dung) cũng đã thất bại khi xây biệt thự nghỉ dưỡng để bán.

Khi tình hình đầu tư, phát triển dự án cũng như mối quan tâm của người mua giảm sút, một câu hỏi được đặt ra: Liệu thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã thoái trào? Cả ông Trung lẫn bà Hằng đều bác bỏ khả năng này. Theo ông Trung, cái khó của phân khúc nghỉ dưỡng hiện nay nằm trong cái khó chung của thị trường bất động sản và của nền kinh tế.

Bà Hằng thì nhận xét: “Chưa thể nói thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã bước vào giai đoạn thoái trào, bởi nó vẫn đang trong chu kỳ đầu của quá trình phát triển khi so sánh sự phát triển của loại hình này với các thị trường du lịch khác ở châu Á như Phuket, Bali. Hơn nữa, tiềm năng phát triển của ngành du lịch Việt Nam vẫn còn rất lớn”.

Ông Ravi Chandran, Tổng Giám đốc Công ty Laguna Lăng Cô, cũng đánh giá cao triển vọng phát triển của thị trường bất động sản du lịch Việt Nam trong dài hạn. Vì thế, trong lúc nhiều dự án khác tạm dừng, nhờ có nguồn vốn sẵn có lên đến 200 triệu USD, Laguna Lăng Cô vẫn triển khai xây dựng và vừa mở bán giai đoạn I với 31 biệt thự và khoảng 200 căn hộ. Theo dự kiến, Laguna Lăng Cô sẽ được chào bán vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4.2013.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn