Mẹ bé cho biết: “Cách đây nửa tháng, rời khỏi trường bé ra về với vết bầm trên má, tối đến bé khóc vì đau và có biểu hiện ăn bị ói, sốt, tiêu chảy, tối ngủ hay hoảng loạn”. Lúc đầu chị nghĩ bé sốt mọc răng, nhưng khi kêu bé há miệng để kiểm tra thì không phải, chị nghi ngờ ở trường bé bị đánh.
Gọi điện thoại hỏi, cô giáo trông bé cho biết bé bị té. Sau khi bé khỏi bệnh, chị đưa đi học thì bé khóc, có biểu hiện sợ sệt lúc đến trường, sợ người lạ, nghe tiếng động mạnh bé hay giật mình và khóc. Chị thấy lạ vì bé là đứa trẻ ngoan, biết nghe lời, gặp người lạ đều khoanh tay “ạ”, đặc biệt rất thích đi học nhưng giờ lại đổi tính.
Tiếp tục tìm hiểu chị được biết do bé có thói quen hay ngủ với cô giáo vào buổi trưa, nếu không có cô giáo bé sẽ khóc. Thế nhưng một lần thầy hiệu trưởng đi kiểm tra thấy vậy không hài lòng, thầy không để cô giáo ngủ cùng nên bé khóc, thầy đánh bé bầm tím một bên má khiến bé sợ hãi và có những biểu hiện như hiện nay.
Hôm chúng tôi gặp lần đầu bé khóc rất nhiều, hoảng loạn, hỏi không trả lời, miệng luôn đòi về nhà, không chịu vào phòng khám, luôn bắt mẹ bế, không chịu chơi đồ chơi, người lạ đứng gần bé tỏ vẻ rất sợ. Phải sau hơn nửa giờ làm quen chúng tôi mới có thể làm bé yên tâm hơn nhưng vẫn luôn thể hiện sự đề phòng, vẫn đòi mẹ bế trên tay, khi chơi tỏ vẻ rất rụt rè.
Trẻ bị bạo hành sẽ gặp những sang chấn tâm lý ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại và có thể cả về sau. Trẻ lớn lên khó thiết lập và giữ gìn các mối quan hệ, thậm chí e dè, nhút nhát, thiếu niềm tin đối với người khác, hoặc có thể nóng nảy, có hành vi bạo lực với người khác. Chưa kể hình ảnh người thầy trong mắt trẻ có thể không còn đẹp nữa.
Theo tuoitre.vn