TP.HCM: Phạt người hối lộ để hạn chế vi phạm giao thông

Thứ ba, 01/05/2012, 07:57
Để hạn chế tình trạng vi phạm giao thông, tăng cường kỷ cương đối với người tham gia giao thông, Công an TPHCM vừa đề xuất biện pháp xử phạt những người có hành vi đưa hối lộ cho CSGT khi vi phạm. Đây là đề xuất được dư luận ủng hộ tuy nhiên phải bàn đến tính khả thi.


Tin liên quan

>>Đà Nẵng: CSGT nhận hối lộ sẽ bị đuổi khỏi ngành
>>Năm an toàn giao thông 2012: Không “đánh trống bỏ dùi”



Phạt là chính đáng

Ông Nguyễn Hùng (đường Phạm Hữu Lầu, quận 7, TPHCM) cho rằng: Cách xử phạt người đưa hối lộ khi vi phạm là hay và cần được thực hiện để trở thành thói quen tốt. Lắm lúc người thi hành công vụ không nhận nhưng chính những người vi phạm giấm giúi và năn nỉ họ lấy cho được việc.

Thật ra khi làm việc này là đã tiếp tay cho hối lộ, mà chỗ nào cũng hối lộ thì còn gì là văn minh và công bằng. Không chỉ trong giao thông mà ngành nào cũng vậy, mỗi người dân phải ý thức được việc làm đúng để không có hành vi đi ngõ sau, đút lót, đưa hối lộ.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc xử phạt phải có chính sách, chế độ tốt để người làm nhiệm vụ luôn được an tâm và làm việc theo lương tâm.


Bố trí lực lượng thanh tra bí mật

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban chuyên trách, Ban An toàn Giao thông TPHCM: Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Thành ủy, HĐND và UBND TPHCM đã có chỉ đạo sâu sát công tác trật tự an toàn giao thông.

Trong đó, đóng vai trò chủ lực là Ban An toàn giao thông thành phố, Công an thành phố, Sở Giao thông Vận tải, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thực hiện tăng cường chấn chỉnh lực lượng, rà soát, tăng cường giáo dục đạo đức, trách nhiệm của người công an làm nhiệm vụ, đặc biệt trong lực lượng thanh tra của Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố là những đơn vị chủ lực ra hiện trường.
 

Không đưa hối lộ thì sẽ không có người nhận hối lộ (Ảnh minh họa)
 

Ông Nguyễn Ngọc Tường cho hay: Chúng tôi hướng vào việc tuyên truyền vận động người dân không đưa hối lộ khi vi phạm an toàn giao thông. Không đưa hối lộ thì sẽ không có người nhận hối lộ.

Để giám sát việc này, cũng đã có phương án trang bị các loại phương tiện nghiệp vụ gồm: Camera, máy đo tốc độ, máy đo nồng độ cồn theo dõi tại các giao lộ, ngã tư vừa phục vụ an toàn giao thông, vừa theo dõi xử phạt vi phạm giao thông, đồng thời giám sát các đồng chí đang thực thi nhiệm vụ trên đường và trường hợp người dân đưa hối lộ khi vi phạm luật giao thông, tuy nhiên cũng hạn chế bởi theo dõi chỉ được địa điểm cố định.

Do đó, Công an thành phố chủ trương nếu người vi phạm đưa hối lộ thì CSGT có nhiệm vụ lập biên bản người đưa hối lộ, bên cạnh đó sẽ bố trí lực lượng thanh tra bí mật mặc thường phục để theo dõi, giám sát công việc này.

Ví dụ, trường hợp người vi phạm giao thông đưa hối lộ 500.000đ thì công an lập biên bản yêu cầu người đưa hối lộ ký nhận, sau đó chuyển về cơ quan công an thì chiến sĩ công an làm nhiệm vụ đó sẽ nhận được 1.000.000 đồng, tức là được thưởng gấp đôi.

Trong trường hợp người đưa hối lộ không chịu ký vào biên bản thì cảnh sát giao thông nhờ người dân đi trên đường chứng kiến ký làm chứng. Đây là hình thức giảm đi tình trạng nhận hối lộ và mãi lộ trên đường, là cách công khai danh chính đàng hoàng cảnh sát làm nhiệm vụ không nhận hối lộ. Đồng thời, cũng là biện pháp chấn chỉnh tư tưởng của người dân khi vi phạm luật là hối lộ tiền để giảm nhẹ tội.

 

"So với cùng kỳ năm trước, tình hình tai nạn, ùn tắc giao thông ở TPHCM đã chuyển biến rõ rệt, giảm về số vụ (gần 40%), số người chết (giảm gần 40%) và số người bị thương (giảm gần 57%). Trong ba tháng đầu năm chỉ xảy ra một vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút, giảm 13 vụ so với cùng kỳ năm trước".

Đại tá Ngô Minh Châu (Phó Giám đốc Công an TPHCM)


Theo Bee

Các tin cũ hơn