Đi du học để... cai nghiện

Thứ năm, 28/06/2012, 13:08
Mạnh Tuấn (Hải Dương) được bố mẹ cho sang Nhật du học với hy vọng cậu sẽ thoát khỏi trò cờ bạc, cá độ. Tuy nhiên, chỉ sau 6 tháng bên xứ người Tuấn còn mang về số nợ gần tỉ đồng.

Du học không vì kiến thức 
 
Sau kì tốt nghiệp THPT, đây là thời điểm nhiều gia đình tìm địa chỉ cho con đi du học để gây dựng tương lai sau này. Tuy nhiên, trong số những hồ sơ du học đó không ít những cậu ấm, cô chiêu thực chất là bị "tống" sang nước ngoài để cai nghiện, thậm chí là chữa "bệnh" chơi bời, quậy phá.
 
Trong khi ước mơ đến trường của nhiều đứa trẻ không được thực hiện thì có những gia đình lại bỏ tiền đưa sang nước ngoài để được "rảnh nợ". 
 
Anh Nguyễn Văn Lâm, chủ một khách sạn lớn trên phố cổ Hà Nội chỉ có duy nhất một cậu con trai. Từ nhỏ đã được gia đình chiều chuộng nên Thành (cậu quý tử của vợ chồng anh Lâm) đã sớm hư hỏng. Suốt ngày trốn học theo đám bạn lao vào các trò ăn chơi, quậy phá. Thậm chí, chiếc xế hộp của "cậu ấm" này thường xuyên gây tai nạn.
 
 
Nhiều gia đình tống con đi du học vì không thể dạy bảo nổi. (Ảnh minh họa)
 
 
Với những quái chiêu ăn chơi chác táng của con, bố mẹ Thành cảm thấy hoang mang, lo lắng. Lúc đầu chỉ là mắng mỏ, dọa nạt sau đến việc giam lỏng, cắt tiền chi tiêu nhưng anh Lâm vẫn không thể trị được đứa con trai. Nhiều lúc họ đã định buông xuôi, từ mặt đứa con bất trị.
 
Vợ chồng anh Lâm nghe bạn bè có con đi du học quảng cáo sang môi trường nước ngoài hiện đại, phát triển lại cách ly được đám bạn bè xấu nên con họ ngày càng trưởng thành.
 
Chính vì thế, anh Lâm quyết tâm tìm một trung tâm du học, dự định sẽ đưa Thành đi du học để chữa bệnh hư. Đến lúc này, anh không còn quan tâm tới con sẽ được học ngành gì, trường gì, nước nào, bao nhiêu tiền. Điều anh Lâm cần là nhanh chóng tống Thành ra khỏi Việt Nam, cách càng xa đám bạn xấu càng tốt.
 
"Vợ chồng tôi chỉ có mình nó nên cũng chẳng muốn cho đi xa. Nhưng bây giờ thi Đại học thì khả năng đỗ là 0%, ở nhà lại đàn đúm, chơi bời, lêu lổng chỉ hỏng người hơn nên đành chấp nhận. "Thôi thì cho nó sang nước ngoài mấy năm cho tính nết thay đổi  rồi về Việt Nam lập nghiệp cũng chưa muộn", anh Lâm tâm sự.
 
Không bất trị như Thành nhưng Hoa cũng nức tiếng là một nữ "đầu gấu" ở một trường THPT tại Hà Nội. Vì bố mẹ ly hôn và đều bận công việc nên Hoa thường xuyên phải ở một mình trong căn nhà rộng lớn.

Các cậu ấm, cô chiêu được cha mẹ cho đi du học không lo học chỉ lo chơi (Ảnh minh họa)

 
Một mình một "mặt trận", Hoa nghĩ gì làm nấy. Cô không chịu học hành, chỉ suốt ngày tụ tập với đám bạn "đầu gấu" đi nhậu nhẹt rồi gây gổ đánh nhau. Bố mẹ Hoa cũng đã chứng kiến và nghe nhiều phàn nàn về con gái nhưng chỉ mắng mỏ vài câu qua loa rồi lại tiếp tục mải mê với những công việc riêng.
 
Thời điểm Hoa thi tốt nghiệp THPT cũng là lúc bố Hoa chuẩn bị cưới vợ hai. Trách nhiệm nuôi dạy cô con gái chung được hai bên đùn đẩy cho nhau và quyết định cuối cùng là đưa Hoa đi du học.
 
Bỗng nhiên phải rời xa các chiến hữu nhưng nghĩ được xuất ngoại cô cũng vui vui. Hỏi về quyết định này, bố mẹ Hoa tỏ ra phấn khởi: "Ở nhà em nó cũng chỉ có một mình chẳng ai quan tâm. Sang bên đó nhiều cái mới lạ còn thú vị hơn. Lại còn thoải mái thích làm gì thì làm không bị bố mẹ suốt ngày la mắng đau đầu".
 
Mất tiền, mất con

Với tâm lý đưa con cái sang một đất nước xa lạ sẽ không có cơ hội để giao du, chơi bời với những thành phần xấu, các bậc phụ huynh có con hư thường tìm đến giải pháp du học như một cứu cánh. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu không thay đổi từ bản chất thì dù có ở môi trường nào, cái xấu cũng không thể thay đổi được.

Nhiều bậc phụ huynh "dở mếu, dở khóc" sau khi đón con đi du học về. Trường hợp của Dương, cựu du học sinh Pháp là một điển hình.

 
Dương là con trai cả của một gia đình kinh doanh du lịch ở TP. Hải Phòng. Bố mẹ Dương bận bịu với việc kinh doanh suốt ngày nên ít quan tâm tới con. Họ luôn yên tâm vì từ bé Dương được thầy cô, hàng xóm, bạn bè khen là ngoan ngoãn, học giỏi.

Thế nhưng đầu năm lớp 12 cô giáo chủ nhiệm tìm đến tận nhà báo tin Dương đang nghiện ma túy, gia đình cần tìm cách giải quyết. Vậy là các chiến tích bỏ học, đánh nhau, tụ tập đi đêm của Dương được phơi bày.

 
Ngay sau đó, bố mẹ cậu  tìm mọi cách để cai nghiện nhưng Dương vẫn chứng nào tật ấy. Cứ cho ra ngoài là cậu lại chạy ngay đến các chiến hữu để "lên tiên" cùng thứ bột trắng. Cố giam lỏng đến sau ngày thi tốt nghiệp THPT, bố mẹ liền chạy ngay một suất học bổng cho Dương sang Pháp để vừa tiện việc học hành vừa cai nghiện.

Cho con đi du học có phải là liệu pháp tốt nhất hay không?

Ban đầu mới ra nước ngoài, Dương cũng yên phận sáng lên lớp chiều về phòng. Nhưng dần dà quen biết nhiều bạn đồng hương, lại không thoát nổi con đường cũ.
 
Với số tiền bố mẹ gửi sang hàng tháng, Dương lại nướng vào ma túy. Thoải mái hút chích mà không phải chịu sự quản lý của gia đình. Trong khi đó, bố mẹ cậu ở nhà vẫn cứ yên tâm con mình đã cai được "nàng tiên nâu". Chỉ đến khi tờ thông báo trục xuất cậu con quý tử khỏi nước Pháp vì sử dụng ma túy đến tay thì bố mẹ Dương mới ngã ngửa.
 
Trường hợp khác là Nguyễn Mạnh Tuấn (Hải Dương) được bố mẹ cho sang Nhật du học với hy vọng, môi trường học tập kỷ luật của đất nước này sẽ giúp Tuấn trưởng thành hơn. Cậu sẽ thoát khỏi cái thói hư đốt tiền vào những trò cờ bạc, cá độ bóng đá.
 
Tuy nhiên, chỉ sau 6 tháng bên xứ người, không những tiền bạc gửi sang đi tong mà Tuấn còn vác về số nợ gần tỉ đồng vì thua cá độ. Hỏi ra mới biết tuy sang nước ngoài lạ nước lạ cái nhưng cậu nhanh chóng bắt nhịp cũng các đàn anh người Việt.
 
Dưới sự dìu dắt đó, Tuấn lại lao vào các cuộc cá độ với số tiền cược "khủng khiếp".  Đến khi số nợ quá lớn, các đàn anh lật mặt bắt viết giấy và ép Tuấn phải gọi điện về cầu cứu bố mẹ gửi tiến "chuộc" về. Sau chạy vạy được được, bố mẹ cậu gửi sang, Tuấn được các đàn anh "tài trợ" vé máy bay để về. Vừa đặt chân đến sân bay, bố mẹ cậu phát hoảng vì Tuấn chỉ còn da bọc xương.
 
Nhiều du học sinh cũng cho biết tuy điều kiện sống và học tập ở những nước phát triển là rất tốt nhưng ai cũng cảm thấy rất cô đơn và nhớ nhà. Nếu bố mẹ không thường xuyên quan tâm động viên mà bản thân du học sinh đó đã có những "tiền án" thì càng dễ đi vào con đường hư hỏng.

Thậm chí, việc ảnh hưởng của lối sống Tây hóa mà những học sinh đi du học theo kiểu bị ép buộc ngày càng sống phóng túng, buông thả, bất cần đời. Khi về nước, họ càng khó thích ứng với cuộc sống quê nhà hơn.

 
Theo bà Lê Thị Tuý, Chuyên gia tư vấn của Trung tâm Tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc Việt Nam, với con cái, quản lý gần luôn tốt hơn quản lý từ xa. Việc bắt con đi du học không phải là một giải pháp giáo dục tốt, cũng không phải là phép màu để biến con hư thành con ngoan như các bậc phụ huynh vẫn lầm tưởng.
 
Bởi nó không xuất phát từ mong muốn và ý thức tự giác học tập của con mà chỉ là giải pháp "chữa cháy" tạm thời cho chính bản thân cha mẹ mà thôi. Sai lầm ở chỗ, khi cho con du học ngay cả bản thân họ cũng không xác định được mục tiêu của việc này là gì nên vẫn cứ ảo tưởng cứ đi du học là sẽ thành tài và môi trường giáo dục ngoại nào cũng ưu việt.
 
Phản tác dụng
 
Thầy Đào Hữu Toàn, giáo viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) bày tỏ: “Nếu các bậc phụ huynh coi việc đi du học như một việc để giáo dục con cái thì hoàn toàn sai lầm. Các em khi ở bên cạnh bố mẹ đã không làm chủ được trước những cám dỗ thì khi sang một môi trường mới lạ lẫm, không người thân quan tâm chăm sóc sẽ càng nguy hiểm hơn.
 
Đặc biệt là khi sang các nước phương Tây, lối sống quá thoáng sẽ làm cho các em càng được dịp thể hiện mình. Các bậc phụ huynh cần phải suy xét thật kĩ bởi vì du học thực sự là để học tập kiến thức chuyên ngành, kỹ năng sống chứ không phải để cai nghiện hay chữa bệnh hư hỏng”.
 
 
Theo Người Đưa tin

Các tin cũ hơn