>> Viện phí mới phải bằng 80% khung giá quy định
>> Tăng viện phí và câu chuyện quản lý tinh gọn
>> Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện công khai viện phí mới
>> Viện phí mỗi nơi một kiểu
Bác Nguyễn Văn Bé Tư, 60 tuổi, quê ở Vĩnh Long ký tên nộp tiền tại quầy thu ngân, khu BHYT ngoại trú tại bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Ảnh: Thanh Hảo
|
Tuy nhiên, dưới góc độ tài chính y tế, việc tăng mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) dường như là điều bất khả kháng vì mức thu chi quỹ BHYT hiện nay có dấu hiệu mất cân đối trầm trọng.
Chưa thấy trách nhiệm của bảo hiểm xã hội
Mới quý 1 năm nay mà ở một vài địa phương lớn, quỹ BHYT đã có nguy cơ vỡ. Điển hình là TP.HCM, giữa tháng này bảo hiểm xã hội (BHXH) phải gửi văn bản đến các bệnh viện cảnh báo sẽ ngưng cấp kinh phí tạm ứng cho các chi phí vượt quỹ khám chữa bệnh vượt trần đối với những đơn vị không có biện pháp kiểm soát.
Đó là TP.HCM chưa áp dụng mức viện phí mới, chứ nếu áp dụng mức này thì thời gian tới chắc chắn áp lực chi sẽ càng đè nặng lên quỹ khám chữa bệnh.
Thật ra đề xuất tăng mức đóng BHYT không phải là điều bất ngờ, bởi nó đã được đề cập trong dự thảo đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân 2012 – 2015 và 2020 do bộ Y tế và BHXH Việt Nam thực hiện. Theo đó, mức đóng BHYT từ năm 2013 bằng 5% mức tiền lương, tiền công, trong khi mức hiện nay là 4,5%.
Tăng 0,5% trong khi mức lương tối thiểu vừa tăng lên 1.050.000 đồng có thể không phải là nhiều, nhưng trong bối cảnh mọi thứ trong cuộc sống đều tăng thì rõ ràng bất kỳ đề xuất tăng giá nào cũng làm cho người lao động thêm mệt mỏi.
Có thể nói lý do mà BHXH đưa ra nhằm đề xuất tăng mức đóng BHYT khá hợp lý: lạm dụng quỹ BHYT còn phổ biến, chi phí thuốc và chẩn đoán cận lâm sàng quá cao và đặc biệt là giá viện phí mới tăng cao. Thế nhưng trong khi nêu ra những điều hợp lý trên, thì bất hợp lý ở đây là BHXH lại không nêu được trách nhiệm nào của ngành trong việc quản lý chưa tốt quỹ BHYT.
Chẳng hạn nếu nói đến lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng quỹ BHYT, vậy vai trò của giám định viên BHYT ở đâu khi để tình trạng này tái diễn bấy lâu nay mà không có cách nào ngăn chặn hữu hiệu?
Bên cạnh đó, trao đổi với người viết, một thành viên ban giám đốc bệnh viện Trưng Vương, nơi bội chi 20 tỉ đồng quỹ BHYT trong quý 1/2012, nêu nghi vấn tình trạng bác sĩ liên kết với hãng dược kê toa biệt dược cho bệnh nhân để hưởng lợi.
Tương tự, có tình trạng bệnh nhân đi khám nhiều cơ sở y tế để lấy thuốc mà BHYT không kiểm soát được. Những điều này BHXH chắc chắn đều biết, nhưng công cụ nào để kiểm soát hiệu quả thì chưa được nói đến.
Cần áp dụng những thành công nước ngoài
Xét nghiệm trước phẫu thuật là không cần thiết?
Một nghiên cứu trên tờ New England Journal of Medicine năm 2000 cho thấy, những xét nghiệm thường quy trước phẫu thuật không làm tăng đáng kể tính an toàn của những cuộc phẫu thuật đục thuỷ tinh thể. |
Tuy nhiên, cái gốc của việc không kiểm soát được chi phí BHYT vẫn là chuyện BHXH nước ta chậm trễ áp dụng những cách thức hoạt động mà BHYT nước ngoài đã thực hiện thành công.
Điển hình là phương thức thanh toán theo giá dịch vụ của BHYT nước ta hiện nay không còn được bao nhiêu nước áp dụng vì vừa lãng phí vừa kém hiệu quả.
Nếu còn thanh toán theo cách này, nơi cung cấp dịch vụ BHYT là bệnh viện có thể hướng đến những dịch vụ có giá cao và ít quan tâm đến những dịch vụ có giá thấp.
Bên cạnh đó, thanh toán theo giá dịch vụ cũng sẽ không khuyến khích được việc tiết kiệm, giảm chi phí không cần thiết trong xét nghiệm và chẩn đoán cho bệnh nhân.
Để giải quyết tình trạng trên, nhiều nước đã áp dụng phương thức chi trả theo định suất. Theo đó, cơ sở cung cấp dịch vụ y tế được trả một khoản tiền theo hợp đồng cho mỗi người dân đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại cơ sở đó, bất chấp loại và khối lượng dịch vụ được cung cấp.
Tại Thái Lan, phương thức chi trả này đã phát huy hiệu quả trong việc kiểm soát chi phí và nâng chất lượng khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT.
Sự chậm trễ áp dụng những mô hình thành công mà BHYT nước ngoài đã đúc kết được chỉ làm lãng phí thêm nguồn lực xã hội, tạo ưu thế cho các nhóm lợi ích, và đặc biệt là đè nặng thêm lo toan cho cuộc sống của người lao động.
Theo SGTT