Khi tăng viện phí, nhiều người bệnh vẫn phải trả thêm phần chênh lệch do sử dụng dịch vụ trên máy xã hội hóa (máy của tư nhân liên kết với bệnh viện để đặt vào).
Ngoài ra, việc nở rộ các khu vực xã hội hóa dưới tên gọi “khám chữa bệnh theo yêu cầu” hiện nay là để đáp ứng đa dạng các nhu cầu của người bệnh.
“Bắt người có tiền nằm ghép thì không hợp lý. Trong hoàn cảnh quá tải, nếu người bệnh có điều kiện hơn thì phải đáp ứng nhu cầu cho người bệnh. Hiện nay, khu vực xã hội hóa này cũng quá tải, không có đủ giường vì giá dịch vụ của chúng ta so với nước ngoài là khiêm tốn”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.
Thu phần chênh lệch: Đúng so với quy định
Chiều 18/9, Bộ Y tế đã tổ chức họp báo về “Hội nghị WHO khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63”, đồng thời báo cáo một số thông tin ban đầu về việc triển khai thực hiện việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế.
Bệnh nhân chờ chụp CT-Scanner tại BV Bạch Mai. Bệnh viện này hiện có
7 máy CT-Scanner được đầu tư dưới hình thức xã hội hóa
Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế cho phép các bệnh viện thực hiện một số hoạt động dịch vụ để đáp ứng nhu cầu xã hội. Do đó, các bệnh viện đều có khoa khám bệnh theo yêu cầu.
Giá thu của các khu vực này có cao hơn giá thu của các khu vực khám chữa bệnh khác do được tính đúng, tính đủ.
Tuy nhiên, mức giá này được cho là minh bạch vì theo Bộ trưởng Tiến thì các đơn vị khi thực hiện xã hội hóa đều phải có báo cáo với Bộ, các bệnh viện địa phương đều phải báo cáo tỉnh. Nguồn thu của khu vực này cũng được hạch toán, kiểm toán riêng và nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, các bệnh viện hiện nay do thiếu trầm trọng nguồn lực tài chính để mua sắm trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh nên đã thực hiện liên doanh, liên kết với các đơn vị cung ứng trang thiết bị, từ đó thỏa thuận với các đơn vị để xác định mức thu.
So với giá trong thông tư 04 được BHYT thanh toán thì mức giá thỏa thuận này được tính đúng, tính đủ (cả 7 yếu tố cấu thành giá viện phí) nên có cao hơn giá được BHYT thanh toán.
“Do vậy, người bệnh sử dụng dịch vụ trên máy xã hội hóa phải trả thêm phần chênh lệch này và việc các bệnh viện thu phần chênh lệch trên là phù hợp với các quy định của pháp luật”, ông Liên cho hay.
Tăng giá viện phí: Kiểm soát chặt chất lượng dịch vụ
Theo Bộ trưởng Tiến, sau khi điều chỉnh giá viện phí, Bộ đã chỉ đạo các bệnh viện rất sát sao, đặc biệt là khâu cải tạo khu vực khám chữa bệnh, giảm thời gian chờ đợi, thay đổi thái độ ứng xử. Những công việc này theo đánh giá của bà Tiến là được thực hiện nghiêm túc, nhưng muốn nhìn thấy sự thay đổi cần phải có thời gian “vì sửa cái nhà phải mất vài ba tháng”.
Đánh giá hiệu quả của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, Bộ Y tế cho biết ngoài việc được thụ hưởng dịch vụ với chất lượng cao hơn thì quyền lợi người bệnh cũng tăng theo. Lý do là vì trước đây do mức giá thấp, một số bệnh viện yêu cầu người bệnh đóng thêm tiền hoặc người bệnh phải tự mua thuốc, vật tư để thực hiện dịch vụ. Tuy nhiên, khi điều chỉnh giá viện phí, tình trạng này đã chấm dứt.
Đây cũng chính là “tiền đề” để tăng sức hút của BHYT đối với người dân, bởi khi chất lượng dịch vụ tăng lên, quyền lợi của người có thẻ BHYT được đảm bảo, người có thẻ BHYT sẽ được lợi ích của mình khi tham gia khám chữa bệnh BHYT.
Trên thực tế, mỗi người tham gia BHYT đóng khoảng hơn 500.000 đồng/năm nhưng khi đi khám chữa bệnh được thanh toán 80% chi phí, nhiều trường hợp có chi phí lên đến cả trăm triệu đồng.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Nếu có điểm nào bất hợp lý sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Bệnh viện nào cung cấp dịch vụ chất lượng không tương xứng với giá mới sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp.