Hà Nội sẽ mở chiến dịch diệt chuột, ngăn ngừa vi rút Hanta (?)

Thứ sáu, 30/11/2012, 10:35
Trước mối lo nguy hại có thể gây sốt xuất huyết, kèm theo suy thận do nhiễm vi rút Hanta khi bị chuột cắn, Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ tăng cường giám sát, xét nghiệm thậm chí có thể mở chiến dịch diệt chuột trên toàn thành phố nếu thấy cần thiết.
Trả lời báo chí về các loại dịch bệnh bùng phát trong thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, qua xét nghiệm trên địa bàn Hà Nội, loại vi rút Hanta âm tính với cơ thể người, nhưng không thể chủ quan vì loại vi rút này có nguy cơ gây hội chứng sốt xuất huyết kèm suy thận.

Trước đó tại TPHCM đã phát hiện trường hợp nhiễm vi rút Hanta. Viện Paster TPHCM đã bắt 25 con chuột làm xét nghiệm đã phát hiện ba trường hợp dương tính với vi rút Hanta.  
 
TPHCM đã phát hiện trường hợp nhiễm vi rút Hanta. Ảnh TT

Tại Hà Nội đến nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm vi rút Hanta, nhưng trước đây kết quả nghiên cứu của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phối hợp với ĐH Hokaido – Nhật Bản trên quần thể chuột bắt tại chợ Trương Định và Bến xe Giáp Bát đã phát hiện 16,3% mẫu huyết thanh chuột có kháng thể kháng vi rút Hanta.

Tuy nhiên kết quả xét nghiệm mẫu huyết thanh ở 73 người đã cho kết quả âm tính. Ông Hạnh đưa ra cảnh báo một số vùng giáp ranh với Hà Nội tập trung nhiều chuột tiềm ẩn nguy cơ phát tán loại vi rút này. Sở Y tế sẽ tăng cường giám sát, tổ chức xét nghiệm đối với những trường hợp bị chuột cắn.

 
Trước đó, sau khi phát hiện trường hợp nhiễm vi rút Hanta từ chuột, TPHCM đã lên kế hoạch diệt chuột tổng thể trên toàn thành phố. Ông Hạnh cho biết đây cũng là một giải pháp ngăn ngừa hiệu quả, Hà Nội sẽ nghiên cứu và sẽ phát động diệt chuột trên toàn thành phố nếu thấy thực sự cần thiết.

Cảnh báo người dân không quá hoang mang nhưng cũng đừng chủ quan, để người dân yên tâm hơn, một lần nữa ông Hạnh khẳng định trên địa bàn Hà Nội hiện vi rút này âm tính với cơ thể người.  

 
Bên cạnh loại vi rút này, Sở Y tế Hà Nội cũng đưa ra cảnh báo một số loại dịch bệnh, điển hình là bệnh tay chân miệng – căn bệnh đang có diễn biến rất phức tạp ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Campuchia...

Tại Việt Nam, theo thông báo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, hiện cả nước đã ghi nhận gần 138 nghìn trường hợp mắc, trong đó có 44 trường hợp bị tử vong. Số bệnh nhân mắc bệnh chủ yếu tập trung ở miền Nam và toàn bộ số bệnh nhân tử vong đều tập trung ở khu vực này.

Ở miền Bắc, số bệnh nhân mắc tay chân miệng khoảng 40 nghìn trường hợp, nhưng chưa có trường hợp nào bị tử vong. Cũng theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội, mặc dù năm 2012 số bệnh nhân mắc tăng lên nhưng không xuất hiện ổ dịch lớn.

 
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ mắc sốt xuất huyết Dengue. Năm 2012 này, nguy cơ mắt dịch sốt xuất huyết tăng 2,5 lần so với năm ngoái, và tiếp tục có diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước với trên 75 nghìn trường hợp mắc với 61 trường hợp tử vong.
 
"Thời gian tới sẽ phải giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nắm bắt diễn biến dịch bệnh trên gia súc, gia cầm để xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để. Ngoài chủ động phòng chống các dịch bệnh mùa Đông – Xuân, Sở Y tế và các đơn vị sẽ theo dõi chặt chẽ thông tin về các dịch bệnh mới để có biện pháp ứng phó hiệu quả trước diễn biến bất thường của dịch bệnh" – ông Hạnh nói.
 
Theo Infonet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn