Làng La Xuyên thuộc xã Yên Ninh, H.Ý Yên, tỉnh Nam Định. Mang danh là làng nhưng nhịp sống đô thị hóa đã hiện hữu ở đây với những siêu thị đồ gỗ rộng lớn, xe cộ tấp nập.
Tương truyền, La Xuyên trở thành trung tâm của nghề chạm gỗ từ thời Đinh - Lê. Theo thần phả, ông tổ làng nghề là Ninh Hữu Hưng, quê ở huyện Gia Viễn, Ninh Bình, là tướng của triều Đinh và Tiền Lê, phụ trách xây dựng kinh đô Hoa Lư.
Khi đến Yên Ninh, xưa gọi là Thiết Lâm (rừng lim) lập ấp, ông khuyến khích canh tác, phát triển làng nghề mộc, chạm khắc gỗ. Qua 10 thế kỷ, nghề chạm khắc nay còn ở các làng La Xuyên, Ninh Xá Thượng, Ninh Xá Hạ, Lũ Phong và Trịnh Xá thuộc xã Yên Ninh.
Bàn tay tài hoa của người La Xuyên đã xây dựng cung điện, đình chùa ở nhiều nơi trong cả nước, tuy nhiên công việc chính của họ là làm giường, tủ chè, bàn ghế... với những hình chạm khắc tinh xảo, chẳng hạn các ông Phúc - Lộc - Thọ, những cảnh Văn Vương cầu hiền, Bát tiên quá hải...
Thợ thủ công La Xuyên làm ghế mỹ nghệ - Ảnh H.T.H
Từ sáng sớm đến chiều tối, trong làng lúc nào cũng nhộn nhịp người xe, khắp nơi râm ran tiếng cưa, đục. La Xuyên có hơn 30 công ty, trên 1.000 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động, trong đó thợ chạm khắc chiếm tới 60%. Thu nhập bình quân khoảng 150.000 đồng/ngày, thợ giỏi có thể tới 300.000 đồng/ngày.
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Trí, 60 tuổi, làm thợ từ năm 18 tuổi, từng truyền nghề cho khoảng 40 học trò, cho biết, từ các cụ 70 tuổi tới các em nhỏ trong làng đều có thể tham gia sản xuất. Khoảng 5 năm gần đây, một số doanh nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia và một số nước Đông Âu, đây là một hướng đi mới cho làng nghề.
Anh Phạm Văn Vinh, Giám đốc doanh nghiệp gỗ mỹ nghệ Vĩnh Cửu cho biết, khách hàng thường đưa ảnh mẫu, hoặc nói ý tưởng, họa sĩ của doanh nghiệp sẽ thiết kế cho khách xem và chọn sau đó thợ thi công. Doanh nghiệp Vĩnh Cửu hiện có hơn 40 thợ là người làng, làm ra sản phẩm tiêu thụ khắp miền Bắc, xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha...
Tuy nhiên, theo anh Vinh, các doanh nghiệp và các hộ sản xuất trong làng còn khó khăn về vốn, đa số hiện đang phải vay với lãi suất 13%/năm, không có ưu đãi. Các doanh nghiệp ở đây cũng đang thiếu mặt bằng. Riêng Vĩnh Cửu hiện có 1.300 m2, chỉ đủ cho 30% khối lượng công việc, 70% phải làm ở nơi khác. May sao, Vĩnh Cửu và một số doanh nghiệp khác đã được tỉnh cho phép mở rộng tổng cộng hơn 10.000 m2 đất phục vụ sản xuất.
Tuy nhiên, nhu cầu mở rộng mặt bằng sản xuất ở đây vẫn còn rất lớn. Được biết, UBND tỉnh Nam Định đã cho phép chuyển đổi hơn 18.000 m2 đất trồng lúa để phát triển Cụm công nghiệp La Xuyên nhưng giá thuê đất tại đây còn cao, đi lại chưa thuận tiện nên các doanh nghiệp làng nghề chưa mặn mà.
Cũng như nhiều làng nghề khác, La Xuyên đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường. Tuy có bãi rác nhưng một số hộ vẫn xả mùn cưa xuống ao, mương khiến một số nơi lúa không thể sống được. Mùn cưa còn làm tắc cống rãnh, vào mùa mưa có khi gây ngập lụt làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.