Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu tại buổi Đối thoại 11.
Tới dự buổi đối thoại có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Huỳnh Phong Tranh – Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Antony Stokes – đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam cũng đại diện các Bộ, ban ngành của Chính phủ, đại diện cơ quan Đảng, Quốc hội, cơ quan Tư pháp Trung ương cùng đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Trong bài phát biểu khai mạc buổi Đối thoại, ông Nguyễn Đình Phách – Chánh Văn Phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN cho biết, trước khi cuộc Đối thoại diễn ra, trong tháng 10 và tháng 11/2012, các cơ quan đồng chủ trì đã phối hợp với các địa phương tổ chức thành công 3 Hội thảo trước đối thoại theo khu vực Bắc, Trung, Nam có sự tham gia của đại diện 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đồng thời, ông Nguyễn Đình Phách cũng nhấn mạnh rằng: Các Hội thảo trước đối thoại là cơ hội tốt để các tỉnh, thành phố trao đổi về vấn đề của chính mình, học tập kinh nghiệm tốt của địa phương ban, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và lắng nghe các bình luận, khuyến nghị của các chuyên gia, đối tác phát triển.
Qua Hội thảo, các cơ quan chức năng Trung ương cũng có thêm những thông tin thực tiễn phục vụ cho quá trình xây dựng chính sách và quản lý Nhà nước trong lĩnh vực mà cơ quan, bộ, ngành mình phụ trách.
Cũng tại buổi đối thoại, tiếp sau một loạt các kết quả điều tra phòng, chống tham nhũng được công bố trước đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính Phủ) đánh giá: Kể từ Đối thoại PCTN lần thứ 10 đến nay, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng, nỗ lực của các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể, cơ quan báo chí và nhất là vai trò quan trọng của nhân dân, công tác PCTN ở Việt Nam tiếp tục có những tiến triển tích cực.
Theo đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Quyết tâm chính trị của Việt Nam trong PCTN tiếp tục được khẳng định qua sơ kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng. Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có Kết luận về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác PCTN và thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu.
Ngoài ra, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN và nhiều luật khác có liên quan đến công tác PCTN như Luật phòng, chống rửa tiền, Luật giám định tư pháp, Luật xử lý vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung Luật quản lý thuế, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật luật sư, Luật xuất bản...
Đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế tham dự buổi Đối thoại.
Một thông tin cũng được các đại biểu tham dự buổi Đối thoại đặc biệt quan tâm là kết quả điều tra xã hội học về thực hiện chức năng giám sát của Hội đồng Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh trong công tác PCTN.
Cuộc điều tra xã hội học được tiến hành từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2012 và triển khai ở 42 tỉnh và thành phố với 328 đại biểu Hội đồng Nhân dân và 174 đại biểu Mặt trận Tổ quốc, trong đó phỏng vấn sâu 24 đại biểu Hội đồng Nhân dân, đại biểu Mặt trận Tổ quốc.
Cuộc điều tra cho thấy: Đã có 85% đại biểu Hội đồng Nhân dân tham gia hoạt động “xem xét báo cáo của các cơ quan có thẩm quyền cung cấp liên quan đến công tác PCTN” và 77,2% số đại biểu tham gia hoạt động “xem xét văn bản qui phạm pháp luật của UBND cùng cấp, nghị quyết của Hội đồng Nhân dân cấp dưới trực tiếp liên quan đến công tác PCTN”.
Hoạt động giám sát bước đầu đã thu được một số kết quả cụ thể như sau: Có 53,6% đại biểu Hội đồng Nhân dân đã kiến nghị là đưa nội dung liên quan đến hoạt động PCTN vào chương trình giám sát hàng năm, có 75% đại biểu Hội đồng Nhân dân nhận được đơn thư, điện thoại hoặc yêu cầu khiếu nại của cử tri liên quan đến tham nhũng, v.v.
Còn đối với đối tượng khảo sát là Mặt trận Tổ quốc thì cuộc điều tra cho thấy, có 71,9% đại biểu Mặt trận Tổ quốc đã tham dự các cuộc nói chuyện đề cập đến vấn đề tham nhũng và phòng chống tham nhũng so với 61,7% đại biểu Hội đồng Nhân dân. Dựa trên kết quả tổng hợp các báo cáo của 13 cơ quan Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh cho thấy kết quả giám sát nhiệm kỳ hiện nay cao hơn nhiệm kỳ trước.
Đó có thể xem là những bước chuyển biến rất tích cực trong công tác PCTN ở nước ta và đây cũng là quan điểm của bà Victoria Kwakwa – Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khi cho rằng: Công tác PCTN ở Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển dịch theo hướng đi sâu vào thực tiễn, giải quyết các vấn đề từ thực tiễn, tính công khai, minh bạch cũng đã được tăng cường.
Tuy nhiên, bà Victoria Kwakwa cũng nhấn mạnh rằng: Kết quả của công tác PCTN ở Việt Nam lại còn rất hạn chế. Từ đó, bà đặt ra 2 câu hỏi: Thứ nhất, có thể đẩy nhanh việc xây dựng Dự thảo Luật công bố thông tin và quá trình nghiên cứu xây dựng, bổ sung Luật Đấu thầu hay không? Và liệu các Luật này có đi vào được cuộc sống, phát huy vai trò và tác dụng hay không?
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cũng cho rằng, tuy công tác PCTN ở Việt Nam đã có chuyển biến tích cực nhưng tính chất và mức độ nghiêm trọng của các vụ việc tham nhũng lại không hề giảm. Điều này được vị đại diện Đại sứ quan Úc dẫn chứng bằng một kết quả điều tra xã hội học mới đây của Thanh tra Chính phủ khi có tới 45% số đối tượng khảo sát được hỏi cho rằng tham nhũng đang trở lên ngày càng nghiêm trọng.
Cùng bày tỏ quan điểm chia sẻ tại buổi Đối thoại, nhiều ý kiến của các đại biểu quốc tế cũng cho rằng, có nên tiếp tục tập trung xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác PCTN nữa hay không khi mà hệ thống các luật PCTN ở Việt Nam hiện đã khá hoàn chỉnh. Và theo vào đó, Việt Nam nên tập trung đi triển khai, áp dụng các Luật đó vào thực tiễn.
Ngoài ra, để hiệu quả của các buổi Đối thoại được tốt hơn, có ý nghĩa thực tế hơn, cũng có ý kiến cho rằng, trong lần Đối thoại tiếp theo cần có thêm thành phần là đại diện của khu vực tư nhân (tức là người dân và khối doanh nghiệp tư nhân).
Trả lời những thắc mắc của các đại biểu Quốc tế tham dự buổi Đối thoại, Phó Tổng Thanh tra Chính Phủ Trần Đức Lượng khẳng định: Chính phủ Việt Nam đã và đang quyết tâm cao nhất trong công tác PCTN. Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam vẫn duy trì quan điểm là vừa xây dựng, hoàn thiện các văn bản luật và vừa quyết liệt triển khai các nội dung vào thực tế.
Được biết, theo báo cáo Thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương trong 5 năm qua (2007-2012) và một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, trong 5 năm, cả nước có 678 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó xử lý hình sự 101 trường hợp, xử lý kỷ luật 577 trường hợp.
Một số tỉnh, thành phố xử lý nhiều người đứng đầu là Quảng Nam (77 người), Bình Thuận (46 người), Bắc Giang (41 người), Đăk Lăk (38 người), Cao Bằng (31 người)...
Cũng trong 5 năm, toàn ngành thanh tra và các cấp, các ngành đã triển khai 62.994 cuộc thanh tra, kiểm tra; đã kết thúc 52.671 cuộc. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trên các lĩnh vực; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.619 tập thể, 11.973 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 464 vụ việc.
Về công tác điều tra, truy tố, xét xử, trong 5 năm, đã khởi tố 1.458 vụ án tham nhũng với 3.151 bị can; truy tố 1.603 vụ, 3.889 bị can; xét xử 1.455 vụ, 3.387 bị cáo. Qua điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng đã thu hồi về ngân sách nhà nước 1.061,6 tỷ đồng, 218,8 ha đất.
Phát biểu tại buổi Đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Ngày nay, tham nhũng đã trở thành thách thức toàn cầu, không phân biệt khu vực địa lý, chế độ chính trị hay trình độ phát triển.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, với đặc trưng nổi bật là sự chuyển dịch nhanh chóng của các dòng vốn, hàng hóa, dịch vụ và con người giữa các quốc gia đã làm phát sinh những tham nhũng mới, ngày càng tinh vi, phức tạp có xu hướng liên hệ với tội phạm có tổ chức và tội phạm rửa tiền. Vì thế, đấu tranh với tham nhũng là một cuộc chiến lâu dài và cần có sự hợp tác của tất cả các quốc gia.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển luôn ủng hộ và giành cho Việt Nam sự giúp đỡ hiệu quả trong công tác PCTN.
Theo Petrotimes