Chỉ tiêu thu ngân sách năm 2013: Trung ương “ấn”, TP.HCM “xoay”

Thứ năm, 06/12/2012, 11:50
Dự báo kinh tế năm 2013 tiếp tục khó khăn, làm sao có thể thu được ngân sách tăng hơn 20% so với ước thực hiện năm 2012 mà trung ương giao cho TP.HCM?
 
10.jpg - 69.44 KB

Bà Đào Thị Hương Lan, giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, phát biểu tại phiên họp HĐND sáng 5/12 
 
Đó là băn khoăn của nhiều đại biểu HĐND TP.HCM tại phiên thảo luận sáng 5/12. Băn khoăn này càng có cơ sở khi năm 2012 TP thu không đạt chỉ tiêu đã giao, còn thiếu trên 17.000 tỉ đồng.
 
TP.HCM bị “ấn” chỉ tiêu
 
Đại biểu Tô Thị Bích Châu hỏi: chỉ tiêu thu nội địa của năm 2013 tăng lên là dựa trên cơ sở nào trong khi năm nay thu không đạt? Thu từ xuất nhập khẩu cũng giao chỉ tiêu tăng lên nhưng thu năm 2012 bị giảm đến 10.000 tỉ đồng?
 
Tương tự, đại biểu Huỳnh Công Hùng thắc mắc chỉ tiêu thu năm 2013 vẫn cao, nếu thu không đủ thì tình hình chi đầu tư phát triển sẽ gặp khó, lại phải tiếp tục đi vay và phát hành trái phiếu. “Nếu không có cơ chế mới thì hạ tầng kỹ thuật sẽ tiếp tục đầu tư ăn đong” - ông Hùng nói.
 
Chiều 5/12, HĐND TP bầu bổ sung ông Tất Thành Cang - giám đốc Sở GTVT - làm ủy viên UBND TP với tỉ lệ 81,9% số phiếu.
Giải trình những câu hỏi nóng bỏng nói trên, đại biểu Đào Thị Hương Lan - giám đốc Sở Tài chính TP - cho biết việc giao dự toán thu ngân sách TP đều do Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua.

Theo bà Lan, nói một cách dân dã là trung ương “ấn” cho TP và không có quyền có ý kiến gì về mức thu hết. TP cũng không chủ động được chỉ tiêu thu này.
 
Bà Lan đơn cử năm 2012 mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, phải thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, nhưng Bộ Tài chính vẫn giao TP thu tăng đến hơn 33% so với ước thực hiện năm 2011.
 
Bà Lan cho biết năm 2013 trung ương vẫn tiếp tục giao chỉ tiêu thu ngân sách theo hướng tăng. Cụ thể, năm 2013 TP.HCM phải xoay xở thu nội địa đạt hơn 134.000 tỉ đồng (tăng 20% so với ước thực hiện năm 2012) và thu từ xuất nhập khẩu đạt hơn 80.000 tỉ đồng (tăng hơn 14%).
 
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm về khả năng và giải pháp thu ngân sách năm 2013, cục trưởng Cục Thuế TP Nguyễn Đình Tấn nói chỉ tiêu thu trên 134.000 tỉ đồng là khó khăn. Tuy nhiên, quan điểm của ông Tấn là cần nuôi dưỡng các nguồn thu.
 
Ông đề xuất tiếp tục xem xét giảm, giãn thuế. Cụ thể là tiếp tục đề xuất giảm thuế cho các hộ kinh doanh nhà trọ. Lâu dài hơn, TP cần kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 20% để giúp doanh nghiệp tích lũy. Ngoài ra cần kiến nghị Chính phủ cho phân kỳ nộp thuế đối với những doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn...
 
Tụt hậu khoa học và công nghệ
 
Giải trình các ý kiến đề nghị đầu tư thỏa đáng và đảm bảo hiệu quả nguồn đầu tư cho khoa học và công nghệ, giám đốc Sở Khoa học - công nghệ TP Phan Minh Tân nhìn nhận năng lực quản lý chưa được cải thiện, kiểm tra chưa chặt chẽ nên tỉ lệ đề tài trễ hạn còn nhiều. Lĩnh vực khoa học xã hội còn trầm lắng...
 
"Khi trung ương giao cho TP thì chỉ có việc phải chấp hành và tìm các biện pháp làm sao cố gắng thực hiện được chỉ tiêu đó trong phạm vi khả năng cố gắng hết sức có thể.

Nhưng chúng tôi đã nhận định thu ngân sách năm 2013 sẽ hết sức khó khăn"

 
Đại biểu Đào Thị Hương Lan  (giám đốc Sở Tài chính TP.HCM)
“Nguy cơ tụt hậu về khoa học và công nghệ là rất rõ. Xin nói thẳng là hiện nay chúng ta thiếu người nghiên cứu, chứ không phải thiếu vấn đề để nghiên cứu. Những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp còn rất thiếu, người chuyên tâm làm khoa học rất ít” - ông Tân nói.
 
Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm, nếu đặt vấn đề hiện nay thiếu người làm nghiên cứu khoa học liệu có hợp lý với thực tế của TP hay không? Theo bà, đội ngũ trí thức, khoa học ở TP rất lớn. Cần có lý giải đánh giá này như thế nào?

“Chúng ta thiếu người làm khoa học hay thiếu cơ chế khuyến khích? Thiếu cơ chế để sản phẩm nghiên cứu có đầu ra, đi vào thực tiễn?” - bà Tâm đặt câu hỏi.

 
Trả lời, Phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà khẳng định: “Vấn đề không phải chi bao nhiêu tiền, mà vấn đề là những khoản chi đó có hiệu quả hay không”.
 
Theo ông Hà, một trong những giải pháp là đẩy mạnh cơ chế “đặt hàng” nghiên cứu khoa học và công nghệ. Hiện nay TP đặt hàng nghiên cứu mô hình giải quyết bài toán giao thông hay bài toán ngập lụt ở TP.

“Tôi có nói là nếu làm đạt kết quả đặt hàng này, có thể phải chi hàng tỉ USD thì vẫn chấp nhận, vì đây là bài toán cực khó đối với TP lớn” - ông Hà nhấn mạnh.

 
Thông qua nhiều tờ trình quan trọng
 
Trong phần làm việc buổi chiều, HĐND TP đã thông qua các tờ trình: nghị quyết về bảng giá các loại đất năm 2013, tổng biên chế hành chính sự nghiệp năm 2013, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản ba năm 2013-2015 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước của TP, phân cấp quản lý thu và tỉ lệ phân chia các khoản thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế bảo vệ môi trường, chương trình giám sát của HĐND TP năm 2013...
 
HĐND TP cũng đã lấy ý kiến của đại biểu về đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND TP trong điều kiện thí điểm không tổ chức HĐND quận - huyện, phường tại TP.HCM. Đề án này sẽ được thảo luận thông qua vào kỳ họp chuyên đề của HĐND TP năm 2013.
 
Ray rứt!
 
Thiếu tướng Phan Anh Minh - phó giám đốc Công an TP.HCM (ảnh) - tâm sự như vậy bên lề kỳ họp HĐND TP.HCM sáng 5/12 về các vụ án nghiêm trọng có chiều hướng gia tăng.
 
Thiếu tướng Phan Anh Minh nói: “Trấn áp tội phạm, rà soát được tất cả đối tượng khả nghi là một bài toán phải giải.

Tôi biết là người dân bức xúc nhưng chưa phạm tội mà bắt thì đâu được.

Tôi ví dụ vụ chém người cướp của trên cầu Phú Mỹ mới đây, công an đã nghi vấn và theo đối tượng.

Nhưng nếu công an bám sát thì tiếng động cơ và ánh đèn đằng sau sẽ đánh động, đối tượng đương nhiên không bao giờ cướp, sẽ quay về. Nhưng bám không sát thì hậu quả là nạn nhân bị chém gần đứt tay. Đó là một chuyện mà chúng tôi rất ray rứt”.

 
* Tuổi Trẻ: Theo báo cáo của HĐND, số vụ phạm tội giảm nhưng vụ nghiêm trọng lại gia tăng. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?
 
- Đúng là số vụ nghiêm trọng có tăng, nhưng cũng có cả nguyên nhân do báo chí đăng nhiều hơn, các cá nhân tự đưa lên mạng cũng nhiều hơn.

Gần đây, một số xe hơi có trang bị camera hành trình, mấy năm trước không đưa lên Internet nhưng năm nay đưa nhiều, vì vậy mà dư luận bức xúc, quan tâm nhiều hơn.

 
* Tuổi Trẻ: Theo ông, dư luận đó có tốt không?
 
- Có cả tốt lẫn không tốt. Mặt không tốt là lẽ ra nên trình báo trước công an hơn là đưa lên Internet. Đưa lên thì chính đối tượng biết trước, việc truy xét khó khăn hơn. Nhưng về mặt để giúp người dân cảnh giác thì tốt hơn.
 
* Pháp Luật TP.HCM: Nhưng hình như tâm lý người dân thì đưa lên mạng sẽ khỏe hơn. Thay vì trình báo công an mất nhiều thời gian cho thủ tục?
 
- Chỗ này không nên ủng hộ, dù thật sự các quy định về tố tụng về thủ tục trình báo của mình rất phiền phức cho người trình báo.

Nhưng nếu chỉ suy nghĩ về sự phiền phức của mình, vì mình không có hi vọng gì thu hồi được tài sản bị chiếm đoạt, không trình báo thì không nên. Vì có nhiều vụ tổ hình sự đặc nhiệm bắt được đối tượng nhưng không giữ lại được nạn nhân nên không xử lý được, có vụ đối tượng khai nhận nhưng cũng không xử lý được.

Theo tôi, dùng từ ích kỷ thì hơi nặng, nhưng nếu không trình báo mà tự đưa lên mạng thì vì mình nhiều quá.

Chúng ta hô hào phải có hiệp sĩ đường phố, phải có nhiều người can thiệp nhưng chính người bị hại không có trách nhiệm, không thực hiện hết nghĩa vụ của mình. Ở góc độ nào đó đã dung túng cho hành vi phạm tội.

Hôm nay (6/12), kỳ họp sẽ tiếp tục với phiên chất vấn ba sở ngành: Sở Công thương, Công an TP và Sở Nội vụ.

Theo kế hoạch, giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Văn Lai sẽ trả lời xung quanh việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, giải quyết hàng tồn kho...

Phó giám đốc Công an TP.HCM Phan Anh Minh trả lời chất vấn xung quanh tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, việc tập trung đấu tranh trấn áp tội phạm trên địa bàn TP. Phó giám đốc Sở Nội vụ Lê Hoài Trung trả lời chất vấn xung quanh công tác cải cách hành chính ở TP.

 
Theo Tuoitre

Các tin cũ hơn