Mê hồn trận những loại "thần dược" phòng the đang làm điên đảo giới mày râu. Nhiều người chỉ nghe tin đồn về "thần dược" pín hải cẩu có thể lấy lại "bản lĩnh đàn ông" nên "săn" bằng mọi giá.
Thời gian qua, nhiều người rỉ tai nhau về một loại "thần dược" quý hiếm - pín hải cẩu có tác dụng cường dương, chữa suy nhược sinh dục, kéo dài thời gian quan hệ vợ chồng... Các quý ông rỉ tai nhau, loại pín hải cẩu ở vùng Bắc Mỹ là tốt nhất, “hàng xách tay” thì chất lượng càng "xịn".
Thế nhưng, tại Việt Nam, pín hải cẩu được rao bán rầm rộ trên "chợ online". Nghe nói về công dụng "tức thì" của loại "thần dược" này, cánh mày râu rộ lên cơn sốt mua pín hải cẩu về ngâm rượu để lấy lại "bản lĩnh đàn ông".
Tình cờ, tôi gặp một người đàn ông tên Đoàn ở phố Nguyên Hồng, Hà Nội. Anh này khoe, vừa được cậu bạn tặng cho một cặp pín hải cẩu xách tay "made in Canada". Đoàn khoe mẽ: "Pín hải cẩu thì... miễn chê. Tôi đã từng uống loại "thần dược" này và thấy công dụng rất hữu hiệu.
Tuy nhiên, pín hải cẩu cực kì quý hiếm, "săn" được không đơn giản, vì chủ yếu là hàng xách tay. Theo lời anh Đoàn, pín hải cẩu giá rất đắt, dao động từ 600 - 800 USD/cái, thậm chí loại "hảo hạng" từ Bắc Mỹ có giá 1.000- 1.200 USD/cái.
Nhiều loại ngẩu pín hải cẩu giả được bày bán ở Phú Quốc.
Tận mắt "mục sở thị" cặp pín hải cẩu mà anh Đoàn mới được tặng, tôi quan sát thấy "thần dược" này trông giống một cái rễ cây to hay một củ sâm chứ không có gì đặc biệt. Tôi thắc mắc, "sao pín hải cẩu như củ sâm vậy?". Ngay lập tức Đoàn "giải mã" bằng một câu ngắn gọn: "Pín hải cẩu nhìn gai góc chứ không "mượt, mềm" như sâm?!". Quả thật, với người "ngoại đạo" như tôi thì dù "thần dược" có nhìn thấy ngay trước mắt cũng không biết đâu là giả, đâu là thật.
Anh Nguyễn Mạnh Phi, giám đốc một công ty bất động sản ở Bắc Ninh cho biết, nghe nhiều người rỉ tai về công dụng tuyệt hảo của pín hải cẩu, trong chuyến công tác tại Mỹ gần đây, anh đã được một người bản địa dẫn đi mua pín hải cẩu. Giá một cái ngót nghét 1.300 USD.
Anh Phi bảo rằng: "Mua "hàng xịn" phải nhờ dân bản địa, nếu không mất tiền thật chỉ mua pín... bò mà thôi". Theo hướng dẫn, anh Phi mang pín về tán nhỏ và ngâm với rượu, mỗi ngày uống hai chén. Tôi gặng hỏi: "Công dụng có như quảng cáo?". Anh Phi chỉ cười cười: "Đắt phải xắt ra miếng chứ!”?
Hiện không ít những "đại gia" đất Hà thành, Sài thành... "sính" loại "thần dược" pín hải cẩu này. Họ săn lùng với bất kỳ giá nào, thậm chí đặt hàng từ Canada, Mỹ, New Zealand, Hồng Kông... Tuy nhiên cũng theo tìm hiểu của PV, loại "thần dược" được quảng cáo là quý hiếm và đắt đỏ này lại có thể dễ dàng mua được ở trong nước, trên các gian hàng online.
Mua thần dược được... rễ cây
"Ăn theo" các thú chơi của dân "trọc phú", nhiều người kinh doanh cũng mượn tiếng "thần dược" kiếm "bộn" tiền. Họ dùng rễ cây, pín bò để "bịp" quý ông "trọc phú" với những lời tiếp thị, quảng cáo bùi tai, ngọt ngào.
Chị Nguyễn Thị Lương (Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, tháng 10 vừa qua, chị và mấy người bạn có chuyến du lịch tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Trong chuyến du lịch đó, chị đã ghé qua thị trấn An Thới - "thủ phủ" của các loại sinh vật biển quý hiếm, đặc biệt là pín hải cẩu. Nghe người bán quảng cáo, pín hải cẩu rất hiếm, trị được chứng nhức mỏi, đau lưng và quan trọng nhất là tăng cường "bản lĩnh đàn ông", chị Lương đã mua một cặp về ngâm rượu cho chồng uống.
Cũng theo lời người bán giới thiệu, một pín hải cẩu ngâm trong 1,5 lít rượu trắng, khoảng 15 ngày sau uống, cho "công hiệu thần sầu".
Theo lời chị Lương, nghe nói về công dụng "thần sầu" của pín hải cẩu, trong khi giá lại khá "bèo" từ 180.000 đồng -240.000 đồng/1 cái, nên nhiều người đã mua về sử dụng. "Tôi cũng không biết thực hư công dụng của loại pín hải cẩu như thế nào nhưng nghe chủ hàng quảng cáo bùi tai và giá không đắt nên tôi cũng mua thử mang về xem sao", chị Lương cho biết. Sau khi mua về, chị Lương mang ngâm rượu một cái, còn lại chị vẫn cất kỹ trong tủ.
Bởi theo chị Lương, dạo quanh chợ pín hải cẩu ở Phú Quốc, chị mới nhận ra một điều, không phải người bán nào cũng giới thiệu là pín hải cẩu. Có người bán lại nâng tầm pín hải cẩu thành pín bò biển (còn gọi dugong hoặc nàng tiên cá, cực hiếm ở Phú Quốc).
Vì bò biển hiếm hơn hải cẩu nên giá trị pín nâng cao thêm vài trăm ngàn đồng/cái. Chị Lương thắc mắc, sao mấy cái pín bò biển này giống hệt pín hải cẩu chị vừa mua, chủ một cửa hàng liền trả lời: "Pín rởm đấy. Chỉ mỗi chỗ tôi mới bán pín thật?!".
Pín hải cẩu mà anh Đoàn (Hà Nội) được người bạn mua tặng ở Canada.
Chị Lương cho biết, chị đã mang chiếc pín hải cẩu chưa ngâm rượu đến một chuyên gia về hải sâm tên Kha trên phố Lãn Ông (Hà Nội) để "thẩm định". Tại đây, chị "ngã ngửa" khi biết đó chỉ là một loại rễ cây rừng đã được "đột lốt" pín hải cẩu.
Chủ hiệu thuốc Đông y tên Kha quả quyết rằng: "Pín hải cẩu, bò biển chỉ là chiêu lừa khách. Pín đó là pín con bò, chỉ vài chục ngàn đồng một cái, họ "lên đời" thành pín hải cẩu, bò biển rồi bán vài trăm ngàn đồng".
Theo ông Kha, pín bò được sấy khô, thêm màu mè cho có hình thù lạ mắt là đã thành pín hải cẩu. Riêng phần đầu pín tua tủa gai là do người bán dùng mấy rễ cây đẽo gọt cho tua tủa rồi treo bán, quảng cáo đó là pín hải cẩu!
Trên mạng, chỉ một cú nhấp chuột, nhan nhản thông tin rao bán pín hải cẩu xuất hiện. Những topic quảng cáo với những lời "rót mật vào tai". Trong vai một người có nhu cầu mua pín hải cẩu, tôi bấm máy đến số điện thoại 0912563xxx, người bán tự giới thiệu tên Diên còn mách bảo tỉ mỉ về công dụng của pín và khuyên nên ngâm một cặp pín trong một chai rượu thì công hiệu sẽ tăng gấp bội!?.
Chị Diên bảo rằng: "Hàng pín hải cẩu rất hiếm và khan. Cửa hàng chị mới nhập được 3 cặp, em mua về tặng sếp được lòng lắm". Tôi thắc mắc hỏi chị Diên: "Pín hải cẩu này của nước nào?". Chị Diên thản nhiên trả lời: "Ngư dân biển Phú Quốc đánh lưới được hải cẩu. Bình thường cửa hàng chị nhập hàng xách tay ở Canada, nhưng dạo này hàng khan lắm!".
Đem câu chuyện pín hải cẩu "mua dễ như mua rau" ở đảo Phú Quốc trao đổi với bác sỹ Hoàng Khánh Toàn, chủ nhiệm khoa Y học Cổ truyền, bệnh viện Quân đội 108, chúng tôi nhận được biết: Hiện nay, pín hải cẩu giả bị buôn bán rất nhiều, với giá đắt. Biển Việt Nam không có hải cẩu nên người dân phải hết sức cẩn thận khi mua loại pín này kẻo "tiền mất, tật mang".
Bác sỹ Toàn cũng cho biết, sở dĩ chuyện bày bán pín hải cẩu giả không bị cơ quan chức năng "dẹp" là khi ban ngành kiểm tra, người bán nói đó là pín bò, đến khi gặp du khách thì họ nói là pín hải cẩu, pín bò biển.
Theo tìm hiểu của PV, từ trước đến nay, họa hoằn lắm ngư dân Việt Nam mới bắt được hải cẩu từ vùng biển khác lạc đến. Năm 2008, viện Hải dương học (ở Nha Trang, Khánh Hòa) tiếp nhận một con hải cẩu nặng 5kg do ngư dân Quảng Ngãi đánh lưới bắt được trên biển. Trước đó, Viện này tiếp nhận 3 con hải cẩu do ngư dân bắt được. Số hải cẩu trên được xác định là hải cẩu Phoca Larga sống ở vùng biển Nhật Bản, bị nước biển cuốn trôi đến hải phận Việt Nam.
Bác sỹ Toàn phân tích: Dương vật và tinh hoàn của hải cẩu cũng như các động vật khác đều thuộc về tạng thận và được gọi là "ngoại thận" (để phân biệt với "nội thận", tức là quả thận có chức năng bài tiết nước tiểu).
Chức năng của tạng thận trong đông y rất phong phú, ngoài việc bài tiết nước tiểu, nó còn liên quan đến việc sinh tủy, sinh xương, đến sinh dục và một số chức năng nội tiết khác. Vì thế, khi biết về công dụng của pín hải cẩu, nhiều người bán hàng chỉ vì lợi nhuận mà đánh lừa người tiêu dùng.