Quận, huyện đang “tiếp tay” cho các trường lạm thu?!

Thứ năm, 06/12/2012, 09:10
Thừa nhận tình trạng “lạm thu” trong các trường mầm non và trung học phổ thông diễn ra phổ biến, Phó chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, có những nơi làm rất tốt, khi xảy ra vi phạm đã trả lại tiền ngay. Nhưng nhiều nơi dù đã có văn bản yêu cầu, họ cũng không thực hiện vì quận, huyện quản lý.
Vấn đề lạm thu tại các trường học bậc mầm non, tiểu học, trung học phổ thông và tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan đã được đưa ra mổ xẻ tại phiên chất vấn Hội đồng Nhân dân Hà Nội chiều 5/12.

Tại phiên họp, trả lời các chất vấn của các đại biểu, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc- người được giao nhiệm vụ phụ trách mảng giáo dục của thành phố thừa nhận, trên địa bàn thành phố có tình trạng "lạm thu" diễn ra phổ biến và kéo dài.

Cụ thể, có một số trường thu những khoản không có trong quy định như hỗ trợ tiểu học, tiền học phẩm, tiền ghế chào cờ, tiền photo đề thi, giấy thi. Nghiêm trọng hơn, hầu hết các trường thu một số khoản chưa rõ ràng, có biểu hiện trùng lặp.

Ví dụ thu tiền môn học tự chọn (tin học) đối với bậc THCS, THPT, trong lúc theo báo cáo của Sở Giáo dục - đào tạo khoản này đã được ngân sách đảm bảo; thu tiền môn học tự chọn hoặc tăng cường ở bậc tiểu học, thực tế khoản này đã thu theo mô hình 2 buổi/ngày. Một số trường không xác định rõ tiền điện chạy máy điều hòa nhiệt độ của các lớp học với tiền điện sinh hoạt chung của trường…

 
lthu.jpg - 61.49 KB
Theo Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc thì tình trạng lạm thu chủ yếu xảy ra ở bậc mầm non, tiểu học, trung học của Hà Nội.

Bà Phó chủ tịch thành phố cho biết, kết luận thanh tra của Bộ GD&ĐT cũng đã nêu ra một số trường thu đã một số khoản ngoài quy định. Năm trước có khoảng 50 trường xảy ra tình trạng lạ thu thì năm nay còn 31 trường. Sau khi kiểm tra, UBND thành phố đã chỉ đạo ngành giáo dục trả lại ngay tiền cho phụ huynh.

Người phụ trách mảng giáo dục của Hà Nội cho biết, tình trạng lạm thu qua kiểm tra chủ yếu vi phạm xảy ra ở các trường mần mon, tiểu học, trung học cơ sở. Để xảy ra tình trạng này trước hết hiệu trưởng các trường có vi phạm phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, các trường mầm non, tiểu học, THCS, trách nhiệm thuộc về phòng giáo dục - đào tạo, UBND các quận huyện, thị xã; riêng các trường THPT và các trường do Sở Giáo dục - đào tạo quản lý trực tiếp, sở phải chịu trách nhiệm.

“Chúng ta phải phát huy triệt để vai trò quản lý. Có những nơi làm rất tốt, khi xảy ra vi phạm đã trả lại tiền ngay. Nhưng nhiều nơi dù đã có văn bản yêu cầu nhưng họ cũng không thực hiện vì quận, huyện quản lý”, bà Phó chủ tịch UBND Hà Nội nói.

Trước chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Thạnh về việc phụ huynh học sinh không bức xúc về học phí mà bức xúc vì bị lạm thu, ngành giáo dục có giải pháp gì cho vấn đề này?, bà Phó chủ tịch thành phố cho biết, khi triển khai đã yêu cầu các đơn vị thực hiện theo quy trình các khoản thu. Qua đó các trường phải lên kế hoạch, và xin ý kiến trước khi thực hiện, sau khi thu phải công khai quyết toán. Nhưng các trường lại triển khai không đúng quy định, cứ làm xong rồi mới xin ý kiến.

Trước thực tế đó, bà Ngọc khuyến cáo các bậc phụ huynh cần tìm hiểu văn bản để thực hiện cho tốt, đồng thời phản ánh chính xác, kịp thời những sai phạm để các cấp có thẩm quyền xử lý.

Dạy thêm chủ yếu diễn ra ở các trường tiểu học

 
lthu1.jpg - 28.51 KB
Đại biểu Hội đồng Nhân dân Hà Nội chất vấn lãnh đạo Hà Nội trong phiên họp ngày 5/12. Ảnh: VNE

Trả lời một số chất vấn của các đại biểu về tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, bà Phó chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, qua khảo sát của Ban Văn hoá xã hội và báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, việc dạy thêm chỉ diễn ra ở một số trường tiểu học.

Tuy nhiên, thẩm quyền cấp giấy phép dạy thêm và học thêm thuộc UBND các quận, huyện cho nên các quận huyện phải giám sát để tiếp tục chỉ đạo việc này.

“Sau đây thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, nếu hiệu trưởng nào vi phạm thì đề nghị quận, huyện xem xét xử lý đúng quy định”, bà Phó chủ tịch khẳng định.

Đề cập đến chất lượng dạy và học trên địa bàn thành phố, bà Ngọc cho biết, Hà Nội đang thu học phí với mức thấp nhất cả nước theo khung đã được quy định. Vì thế, học sinh Hà Nội đang được ưu tiên nhất cả nước.

Sau khi đưa ra những con số cụ thể cho việc thu học phí, bà Phó chủ tịch cho biết, với điều kiện hiện nay, mức chi phí cho học tập không bằng 5% thu nhập của gia đình. Từ những điều kiện thuận lợi trên, bà tự tin khẳng định, Hà Nội là địa phương đầu tư cho giáo dục nhiều nhất trong cả nước và có chất lượng giáo dục đứng đầu cả nước về dạy và học.

 
Theo Vnmedia

Các tin cũ hơn