Phát triển khoa học công nghệ để tạo sự khác biệt cho TP.HCM

Thứ tư, 05/12/2012, 17:28
“Trong tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước bắt buộc ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin. Đây là 2 chương trình quan trọng, phải có. Khi xếp loại DN nhà nước, sẽ chấm điểm thấp, hạ điểm lãnh đạo… nếu DN đó không có hoạt động ứng dụng 2 lĩnh vực này”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà nhấn mạnh tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP.

>> Khu công nghệ cao TP.HCM: có thêm hai nhà đầu tư mới
>> Đề nghị cho Khu công nghệ cao được xã hội hóa
>> Sẽ có làng khoa học công nghệ Việt kiều
>> Kêu gọi đầu tư khu công nghệ cao Việt -Sing

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển Khoa học công nghệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tại phiên thảo luận của kỳ họp lần 7, HĐND TP.HCM khóa VIII.

 
Hoạt động KHCN còn yếu kém
 
Tại phiên họp sáng 5/12, các đại biểu đánh giá cáo việc đưa chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học ra thảo luận.

Đại biểu Huỳnh Công Hùng (Q.Thủ Đức) cho rằng, để đạt được mục tiêu tổng hợp của thành phố năm 2013 thì cần đầu tư thỏa đáng cho hoạt động khoa học công nghệ (KHCN), tăng lượng chất xám…

Lãnh đạo thành phố cần có những biện pháp nỗ lực để phát huy đội ngũ hoạt động của các nhà khoa học hiện vẫn còn trầm lắng, chưa trở thành yếu tố phát triển KT-XH.

Ông Hùng cho rằng, hoạt động KHCN trầm lắng bởi bị cơ chế quản lý quá rườm rà, quản lý nguồn tài chính chưa hợp lý… đã gây khó khăn hoặc ngáng đường các nhà khoa học.

 
Đại biểu Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: “Về nghiên cứu khoa học, chúng tôi hết sức quan tâm, chia sẻ đối với sự lo lắng của các đại biểu.

Về chi ngân sách, theo quy định của Bộ Tài chính việc bố trí KHCN gồm chi đầu tư và chi thường xuyên chiếm tối thiểu 2% trong tổng chi ngân sách.

Năm 2012, TP dự toán chi 188 tỷ đồng nhưng quyết toán chỉ có 125 tỷ đồng. Cái mà TP cần là các công trình nghiên cứu chất lượng nhưng hiện ứng dụng đề tài, dự án nghiệm thu chỉ được 30-35%”.

 
Đại biểu Phan Minh Tân - Giám đốc Sở KHCN TP.HCM - cho biết, hiện rất nhiều nhà khoa học không muốn làm đề tài vì “Làm đề tài đã khó mà thủ tục quyết toán còn khó hơn nữa”.

Những nghiên cứu về khoa học xã hội (KHXH) của TP rất trầm lắng. Cần huy động các trường như ĐH KHXH&NV tham gia nhiều hơn để hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội khởi sắc.
 
Trong 6 chương trình đột phá của TPHCM, yếu tố KHCN bị bỏ quên?

Trong 6 chương trình đột phá của TP.HCM, yếu tố KHCN bị "bỏ quên"?
 
Theo ông Tân, hiện tiềm lực KHCN của TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung còn rất hạn chế. Nguyên nhân chủ quan là tiềm lực về con người, về cơ sở vật chất phục vụ cho nghiên cứu còn hạn chế. Nguy cơ tụt hậu về tiềm lực này là rất rõ.

Hiện chúng ta thiếu người nghiên cứu chứ không thiếu vấn đề để nghiên cứu. Những người chuyên tâm làm nghiên cứu khoa học còn ít.
 
Một nguyên nhân nữa mà ông Tân cũng thừa nhận là năng lực quản lý của Sở KHCN cũng chưa được cải thiện đáng kể. Cơ chế giám sát, kiểm tra chưa chặt chẽ nên tỉ lệ các đề tài trễ hạn nhiều. Hiện đầu tư cho KHCN chưa huy động được xã hội mà chủ yếu từ ngân sách nên rất hạn chế.
 
Theo chỉ đạo của TP, trong năm 2012, tất cả các doanh nghiệp nhà nước phải thành lập Quỹ phát triển KHCN nhưng hiện thành phố mới chỉ có 25 doanh nghiệp báo cáo có loại quỹ này, trong đó có 18 doanh nghiệp nhà nước và 7 doanh nghiệp tư nhân.

Quy định của Bộ Tài chính về chi tiêu quỹ này rất nghiêm ngặt. Dù tiền doanh nghiệp nhưng chi tiêu như là ngân sách. Doanh nghiệp lập quỹ, có tiền nhưng không dám chi.

“Phải chăng chính sách, cơ chế của chúng ta quá nghiêm ngặt, quản lý không khác gì đầu tư xây dựng cơ bản. Cần làm sao giải phóng nguồn lực này”, ông Tân đề nghị.

 
TP.HCM chi mạnh tay cho nghiên cứu ứng dụng tốt
 
Theo lãnh đạo Sở KHCN, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp trên địa bàn rất chậm. Phần lớn doanh nghiệp chưa đầu tư cho KHCN. Khủng hoảng kinh tế hiện nay cũng có nguyên nhân do doanh nghiệp chưa chú trọng phát triển bền vững, đầu tư KHCN nên năng lực cạnh tranh yếu.

Tuy nhiên, khi TP xây dựng chương trình phát triển KTXH nói chung, không có chương trình nào nói về KHCN. Thậm chí, 6 chương trình đột phát của TP hiện nay nhưng bóng dáng của KHCN cũng rất mờ nhạt. Sở KHCN nhiều khi không được tham gia để thực hiện cách chương trình này.

 
Ông Tân đề nghị nên nhìn nhận đầu tư cho KHCN là đầu tư có rủi ro và phải chấp nhận rủi ro đó.

“Số đề tài không thực hiện được, thực hiện nhưng không ứng dụng nằm trong rủi ro đó. Nghiên cứu khoa học là làm những điều chưa làm được nên dù đầu tư nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn. Cần nhìn nhận, có đầu tư tập trung hơn, xây dựng công trình trọng điểm để làm sao KHCN trở thành động lực phát triển TP”, ông Tân nói.
 
Sau khi lắng nghe ý kiến của lãnh đạo sở KHCN, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm băn khoăn: “Thiếu người làm nghiên cứu khoa học có phù hợp với TP.HCM không? Vì đội ngũ này đang quy tụ rất lớn tại TP.HCM mà. Cần có lý giải cho hợp lý. Thiếu người hay thiếu cơ chế khuyến khích người làm khoa học, khuyến khích sản phẩm được nghiên cứu đó có đầu ra, ứng dụng”.
 
Chủ tịch HĐND TP đề nghị lãnh đạo các Sở, Ngành cần nhận thức lại vì sao doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học thấp.

“Chúng ta đã làm hết chức năng, vai trò, động viên và có cơ chế với các doanh nghiệp như thế nào, hay tạo động lực gì để các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học?. Tôi tin rằng, một khi doanh nghiệp thấy được lợi ích, thì họ sẽ mạnh dạn đầu tư cho hoạt động này”, Chủ tịch HĐND nhấn mạnh.

 
TPHCM sẽ phát triển KHCN để tạo sự khác biệt

TP.HCM sẽ phát triển KHCN để tạo sự khác biệt
 
Phát biểu tại buổi thảo luận với tư cách là đại biểu HĐND đồng thời là Phó Chủ tịch UBND TP, ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động KHCN đối với sự phát triển KT-XH.

Ông Hà cho biết, TP đã chi rất nhiều cho hạ tầng công nghệ. Hoạt động của Khu công nghệ Phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ cao được đánh giá tốt nhất cả nước. TP.HCM đang xúc tiến xây dựng chuỗi công nghệ phần mềm Quang Trung trong cả nước.

 
Quan điểm của lãnh đạo TP là không hạn chế chi cho KHCN. TP quan tâm có thể chi nhiều hơn 2% nhưng vấn đề là làm sao chi có hiệu quả. Đặt hàng của chính quyền TP cho các nhà khoa học như làm mô hình giải quyết bài toán giao thông, bài toán ngập lụt, nếu tốt thì có thể chi hàng tỉ USD cũng chấp nhận.

Hiện TP có chủ trương mua sản phẩm KHCN, hoặc các bài báo NCKH là mua kết quả cuối cùng của hoạt động này để giúp các nhà khoa học chỉ tập trung vào nghiên cứu. Phải thương mại hóa sản phẩm KHCN thì hoạt động này mới hiệu quả. Tránh tình trạng nghiên cứu xong để sản phẩm cất trong tủ.

 
Hiện TP.HCM đang tập trung, huy động các nhà khoa học để phát triển cách nhành vi mạch, điện tử. Ngành này được ví von như là cái cốt lõi, hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Thay vì lâu nay chúng ta chỉ là người gia công, lắp ráp thì nay còn biết làm ra cái lõi, cái não của sản phẩm.
 
Để TP.HCM khác nơi khác trong cả nước, sắp tới, trong chiến lược tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, TP.HCM bắt buộc doanh nghiệp phải có phần ứng dụng KHCN, CNTT.

Hiện, TP.HCM đã căn cứ vào các chỉ tiêu KHCN, CNTT để chấm điểm, xếp loại doanh nghiệp nhà nước. Nếu doanh nghiệp nào hoạt động này còn yếu thì sẽ bị chấm điểm thấp, hạ điểm lãnh đạo…

 
Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà cũng đề nghị cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nghiên cứu Khoa học xã hội.

“Các vấn đề xã hội hết sức quan trọng nhưng hiện có ít nghiên cứu. Xã hội xuống cấp nếu không có những nghiên cứu bài bản… nên cần tăng cường nghiên cứu lĩnh vực này để hài hòa cuộc sống”, Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.


Theo Dantri

Các tin cũ hơn