(Ảnh minh họa) |
(Ảnh: Hải Nguyễn) |
Và sau đó, UBND TP. Hà Nội đã phải thông báo về quyết định điều chỉnh giờ học của học sinh trên địa bàn. Theo đó, sau một tuần thực hiện đổi giờ, UBND đã nhận được nhiều phản hồi của Sở GD&ĐT, người dân về giờ kết thúc ca chiều của khối THPT vào 19h là quá muộn.
UBND thành phố quyết định điều chỉnh thời gian kết thúc xuống 18h theo kiến nghị của Sở GD&ĐT, tức là vẫn muộn hơn so với thời điểm trước ngày 1/2 nửa tiếng. Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết từ ngày 13/2 các trường học sẽ thực hiện theo hướng dẫn mới của Sở GD-ĐT Hà Nội. Theo đó, các trường học tại 12 quận, huyện vẫn phải duy trì việc điều chỉnh giờ vào học, tan học khác nhau giữa các bậc học, nhưng sẽ thực hiện linh hoạt hơn, một số điểm bất hợp lý đã được điều chỉnh…
Quy định chó mèo “chính chủ”
Theo Quyết định 2891/QĐ-BNN-TY của Bộ NN&PTNT vừa được phê duyệt về kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại năm 2012, kèm theo đó là bản kế hoạch với những nội dung và hành động cụ thể. Tới đây, UBND cấp xã, phường phải lập sổ theo dõi số lượng chó mèo nuôi, số hộ có nuôi chó mèo trên địa bàn xã. Chi cục Thú y và Trạm Thú ý sẽ phải có sổ theo dõi số lượng chó nuôi, số hộ nuôi chó trên địa bàn tỉnh và huyện.
Theo lý giải của Bộ NN&PTNT, mục tiêu của việc yêu cầu chủ hộ đăng ký, UBND các cấp cấp sổ vật nuôi là để nâng cao chất lượng giám sát, nâng cao ý thức của người dân trước tác hại mà chó, mèo thả rông gây ra. Cụ thể, mục tiêu mà ngành nông nghiệp hướng tới là sẽ có 80% đàn chó nuôi được quản lý, được tiêm phòng vaccine. Giảm số ca tử vong do bệnh dại xuống còn 30% so với số tử vong trung bình của năm trước.
(Ảnh minh họa) |
Cũng theo quyết định này, UBND các cấp chỉ đạo thành lập đội chuyên bắt giữ chó mèo thả rông ở các khu đô thị, nơi đông đúc dân cư hoặc chó mèo nghi bị mắc bệnh dại. Số chó mèo bị bắt giữ này giao Trạm thú y nuôi, theo dõi sức khỏe và chờ chủ gia súc đến nhận. Việc tiêu hủy chó chỉ thực hiện trong trường hợp không có người đến nhận sau 72 giờ.
Tuy nhiên, nhiều người đã tỏ ra lúng túng và cho rằng quy định mới gây phiền phức và không khả thi.
Nghị định về “xe chính chủ”
Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định: “Phạt từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng đối với chủ xe môtô, xe máy vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định; phạt từ 8-10 triệu đối với chủ xe ô tô vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”.
Đây là nội dung đang gây nhiều tranh cãi và khiến nhiều người từng mua và đang sử dụng xe môtô, xe máy, ôtô đã qua sử dụng lo lắng.
Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2012, chiều 29/11, Bộ trưởng Vũ Đức Đam – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã cho biết: “Về Nghị định 71/2012/NĐ-CP, chủ trương đưa vào các quy định pháp luật việc đăng ký chính chủ và chuyển quyền sở hữu đối với phương tiện giao thông không phải vấn đề mới. Từ những năm cuối thế kỷ 20 đã có quy định về vấn đề này".
(Ảnh: An Nhi) |
Theo ông Đam, trước việc tổ chức thực hiện có gây ra những phản ứng khác nhau, tại phiên họp hôm nay, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ GTVT đánh giá và có ý kiến kiến nghị. Và Bộ Tư pháp đã báo cáo Chính phủ việc quy định xử phạt hành vi này là cần thiết.
Tuy nhiên, “các bộ đều cho rằng, thực tế, có 2 điểm khi tổ chức thực hiện nhân dân chưa thông: Thứ nhất là việc xử phạt hành vi không chuyển đổi sở hữu được phổ biến thành truy cứu người điều khiển phương tiện có phải là chủ phương tiện hay không. Về vấn đề này, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an soạn thảo Thông tư để hướng dẫn thực hiện Nghị định này cho đúng bản chất sự việc.
Thứ hai, phí sang tên đổi chủ lần này cao quá, cộng với thủ tục, nên nhiều phương tiện, nhất là xe máy được sang tên nhiều lần, Chính phủ giao cho bộ Tài chính đánh giá lại, kiến nghị một mức phù hợp”.
Cũng tại cuộc họp báo Chính phủ lần này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khằng định: "Trong khi chờ Bộ Công an ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 71/2012/NĐ-CP, lực lượng Công an làm nhiệm vụ không được xử lý người sử dụng phương tiện theo quy định xe "chính chủ" của nghị định này"
Thu quỹ bảo trì đường bộ
Theo dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 18/2012/CP về việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ do Bộ GTVT xây dựng, xe máy sẽ phải đóng mức phí từ 80.000 - 180.000 đồng/năm, tùy theo dung tích xi-lanh. Mức phí đối với ô tô sẽ từ 180.000 – 1.440.000 đồng/xe/tháng, tối đa là 16.760.000 triệu đồng/năm.
Trước kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội về việc lùi thời điểm thu phí đến năm 2013, Bộ GTVT khẳng định việc xây dựng và ban hành Nghị định 18/2012/CP được thực hiện theo Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 và triển khai đúng trình tự, thủ tục quy định nên không có yếu tố bất ngờ. Vì vậy, việc thu phí bảo trì Đường bộ đối với ô tô, xe máy vẫn sẽ được bắt đầu từ ngày 1/6.
Tuy nhiên, sau đó, thời gian bắt đầu thu phí bảo trì đường bộ được lùi lại đến thời điểm 1/1/2013. Nhưng cho đến nay, vẫn có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề thu phí này. Cụ thể, nhiều người cho rằng phí này nên đưa vào giá xăng dầu chứ không phải thu theo đầu xe như quy định hiện nay thì sẽ đảm bảo công bằng hơn: ai đi nhiều thì phải đóng nhiều.
Chứng minh thư mới đề cả tên bố mẹ
Ngày 21/9, Bộ Công an tổ chức cấp chứng minh thư theo công nghệ mới tại Hà Nội. Hai quận Hoàng Mai, Tây Hồ và huyện Từ Liêm chính thức triển khai các thủ tục để cấp chứng minh thư theo mẫu mới có ghi cả họ tên bố mẹ.
Trên mỗi số chứng minh thư nhân dân mới có in mã vạch 2 chiều. Qua đây, khi dùng thiết bị đọc sẽ hiện lên một số thông tin, từ đó có thể xác định được chứng minh giả hay thật. Với thiết bị dùng sim của các mạng viễn thông di động thiết bị cho phép lấy vân tay trực tiếp để gửi về trung tâm Trung ương để đối chiếu, so sánh vân tay.
Mẫu chứng minh thư mới |
Ngoài ra, hệ thống này còn phục vụ các yêu cầu nghiệp vụ, yêu cầu của công tác quản lý nhà nước khác như tra cứu vân tay tại hiện trường, tra cứu truy tìm tung tích nạn nhân. Sử dụng công nghệ này sẽ giảm đáng kể đội ngũ thẩm định viên thẩm định vân tay, cán bộ phân loại vân tay.
Đây là dự án sản xuất, cấp và quản lý chứng minh thư nhân dân được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2004 với số vốn đầu tư gần 470 tỷ.
Dự án này xây dựng một hệ thống thu nhận và quản lý dữ liệu đăng ký chứng minh nhân dân trên mạng máy tính toàn quốc; sản xuất và cấp các thẻ chứng minh nhân dân mới trên hệ thống dây chuyền công nghệ hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế...
Có nhiều ý kiến cho rằng việc đề tên trong chứng minh thư là xâm phạm đời tư. Tuy nhiên, cân nhắc giữa nhiều yếu tố, Bộ Công an vẫn quyết định tiếp tục triển khai loại chứng minh thư mới này.