Hàng loạt ý tưởng chống cướp giật Sài Gòn

Thứ ba, 11/12/2012, 10:07
Trước thực trạng manh động và liều lĩnh của cướp giật tại Sài Gòn, nhiều giải pháp đã được lãnh đạo địa phương và bạn đọc cả nước đề xuất như tái thành lập SBC, ra nghị quyết chống cướp giật, đưa tội phạm ra đảo...

Thay đổi luật

Đối chiếu với các bản án dành cho đối tượng cướp giật, hầu hết tội phạm thường chỉ bị bóc lịch từ 3-5 năm. Lao động, cải tạo tốt lại được ân xá thì thời gian ở tù chỉ còn 1-2 năm.

Nhiều độc giả cho rằng, chừng ấy thời gian không đủ để cải tạo, ra tù chúng lại vẫn lộng hành bằng nghề cũ.

cướp giật sài gòn
Băng cướp chặt tay, cướp xe SH gây bàng hoàng dư luận thời gian qua - (Ảnh: CA TP.HCM)

Bạn đọc nhận xét, cách phân loại mức độ tội phạm theo giá trị tài sản đã quá lạc hậu và thiếu căn cứ khoa học. Các loại tội phạm cướp giật cần bị xử theo hành vi, mức độ nguy hiểm đối với nạn nhân, ảnh hưởng đối với xã hội chứ không phải ở giá trị cướp giật nhiều hay ít.

Do đó mức phạt cần phải cao hơn nữa mới tạo ra tính răn đe.

Đề xuất nghị quyết chống cướp giật

Cho rằng nạn cướp giật tại Sài Gòn đang trở nên “tàn bạo và táo tợn”, trong buổi thảo luận tổ chiều 4/12 vừa qua, nhiều đại biểu HĐND TP.HCM đề nghị lấy năm 2013 là "Năm an toàn trật tự xã hội".

Đại biểu Lâm Đình Chiến (Q.8) nhận định, cướp giật đã trở thành câu chuyện thời sự cấp bách của thành phố, tội phạm lộng hành, bất chấp tính mạng của người dân, sẵn sàng chặt tay, chặt chân… người đi đường để cướp tài sản.

Trước vấn nạn này, ông Chiến đề xuất TP.HCM phải có nghị quyết chuyên đề về nạn cướp giật.

"Có nghị quyết để lãnh đạo tập trung toàn thành phố trấn áp tội phạm cướp giật, để người dân mỗi khi ra đường an tâm”, ông Chiến nói.

Ý kiến này đã được rất nhiều đại biểu tán thành.

Trước đó, Công an TP.HCM cũng đã lên danh sách và tham mưu cho Thành ủy TP.HCM thí điểm lập ban chỉ đạo phòng chống tội phạm.

"Cho ra đảo vĩnh viễn"

Dù là sống tại Đà Nẵng, song khi nhắc đến nạn cướp giật tại Sài Gòn, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh không khỏi bức xúc.

Ông Thanh liên hệ với vụ việc gần đây nhất khi một cô gái trẻ bị nhóm cướp chặt tay cướp xe máy giữa ban ngày tại TP.HCM. Vụ việc đã khiến ông bần thần cả buổi.

Nguyễn Bá Thanh
Ông Nguyễn Bá Thanh đề xuất nên cách ly tội phạm cướp giật ra khỏi cộng đồng - (Ảnh: Infonet)

Theo ông Thanh, tội cỡ đó chưa đến mức tử hình nhưng nếu là ông, ông sẽ kết án chung thân, kiếm hòn đảo cho ra vĩnh viễn ngoài đó, không nên lưu luyến gì hết!

"Tôi mà có quyền để làm thì tôi đảm bảo những loại đó đừng hòng lởn vởn ở xã hội này", ông Thanh nhấn mạnh.

"Cách ly khỏi xã hội, vẫn cho sống, vẫn cho đá bóng... nhưng đi chỗ khác chứ đừng ở chung, đi chỗ khác cho xã hội bình yên, trật tự. Quá đáng như thế mà xử mấy năm tù, rồi ân xá, đặc xá... để rồi lại quay ra gây hại cho xã hội!", Nguyễn Bá Thanh nói gay gắt.

Dựng lại hình tượng SBC bắt cướp

Còn nhớ, sau giải phóng, Sài Gòn liên tiếp xảy ra những vụ cướp táo tợn, buộc Công an TP.HCM phải lên phương án thành lập một lực lượng chống cướp giật tinh nhuệ gồm 6 đội săn bắt cướp (gọi tắt là SBC) với phương châm hoạt động: bí mật, cơ động, chủ động phòng ngừa, liên tục tấn công.

Sau này, hàng loạt tên tuổi đã trở thành thần tượng, niềm tự hào của nhiều người dân như Phan Thanh (tức Ba Tung), Dương Minh Ngọc (tức Sáu Ngọc), Lý Đại Bàng, Mai Văn Tấn...

"Đặc quyền" của các trinh sát SBC khi thi hành công vụ là: Được vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, ngược chiều, được bắn đối tượng phạm tối nếu sau hai phát cảnh cáo vẫn không đầu hàng hoặc có thể bắn chết luôn nếu đối tượng có vũ khí, hung hãn, ngoan cố.

cướp giật sài gòn
Tội phạm cướp giật ngang nhiên xông vào đám cưới cướp vàng gây xôn xao dư luận - Ảnh: VietNamNet

Cách đây gần 4 năm, xuất phát từ tình hình thực tế, Công an TP.HCM cũng đã thành lập Đội hình sự đặc nhiệm, thuộc phòng CSHS có phương thức hoạt động giống như SBC.

Dù đã ghi được một số chiến công, song theo nhận định rất khó để so sánh với hiệu quả của đội SBC trước đây. Mà nguyên nhân được nhận định là do chế độ đãi ngộ chưa tốt.

Do vậy, một cựu cảnh sát đề xuất cần phải xây dựng trở lại hình tượng những "người hùng" từ lực lượng công an chứ không phải là "hiệp sĩ đường phố" săn bắt cướp bằng niềm đam mê.

Khen thưởng người dân bắt cướp

Ngoài việc chủ động bảo vệ tài sản của mình, chính quyền cần có cơ chế khuyến khích người dân cùng phối hợp tham gia bắt cướp, tránh tâm lý e dè, thờ ơ.

Chia sẻ với VNN, độc giả ở địa chỉ thanhtam86@ cho rằng ngành công an nên trao thưởng và cấp bằng khen tại chỗ cho người dân chung tay bắt cướp. Có như vậy mới khuyến khích họ cùng tham gia chống cướp giật.

Gắn camera cho xe hơi

Từ thực tế, vụ 2 thanh niên chạy xe máy giật đồ của một cô gái đoạn gần cầu Sài Gòn được ghi lại do camera hành trình của một xe hơi phía sau, nhiều bạn đọc đề xuất ngành công an nên phối hợp với Bộ GTVT tiến hành lắp đại trà camera cho toàn bộ xe hơi.

"Công an không thể có mặt ở mọi lúc mọi nơi để truy tìm, khống chế cướp giật. Do vậy những hình ảnh do các xe hơi ghi lại có thể giúp công an dễ dàng hơn trong việc xác định, truy tìm tung tích tội phạm", bạn đọc Trần Vũ đề xuất.

 

Theo Vietnamnet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn