Kiến nghị lập trung tâm môi giới kết hôn để bảo vệ cô dâu Việt ở xứ người

Thứ ba, 11/12/2012, 16:56
Bộ Tư pháp đang chủ trì sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) năm 2000. Các nhà làm luật đang cân nhắc cho phép thành lập thí điểm các trung tâm môi giới kết hôn, mô hình được đánh giá là giải pháp hữu hiệu nhất để góp phần bảo vệ cô dâu Việt ở xứ người.

 

Người dân và cán bộ địa phương thắp nhang cho 3 mẹ con chị Võ Thị Minh Phương, khi tro cốt từ Hàn Quốc được đưa về tới quê nhà xã Hòa An (Phụng Hiệp, Hậu Giang) ngày 30-11. Ảnh: Duy Khương
Người dân và cán bộ địa phương thắp nhang cho 3 mẹ con chị Võ Thị Minh Phương, khi tro cốt từ Hàn Quốc được đưa về tới quê nhà xã Hòa An (Phụng Hiệp, Hậu Giang) ngày 30-11. 

 Quy định quá dễ dãi

“Có trường hợp chú rể gửi ảnh về Việt Nam trông rất đẹp trai, nhưng khi cô dâu Việt bay sang đó, đón ở sân bay là một chú rể ngồi xe lăn nghẹo đầu, rớt dãi chảy lòng ròng, ôm hoa ra nói: “Tôi là chồng của cô!”. Cô dâu Việt có muốn quay về thì cũng không thể vì đã là vợ người ta” - bà Hà Thị Thanh Vân, Phó trưởng Ban Chính sách - Luật pháp (Hội LHPN Việt Nam) xót xa cho một trường hợp cô dâu Việt trót lấy chồng ngoại.

Bà Vân cho rằng pháp luật của Việt Nam về hôn nhân có yếu tố nước ngoài đang rất dễ dãi, chưa bảo vệ được cô dâu Việt. 

Cuối tháng 11-2012, cô dâu Võ Thị Minh Phương (28 tuổi, quê ở Hậu Giang), lấy chồng Hàn Quốc, đã ôm 2 con nhảy lầu tự tử. Chị Phương để lại bức thư tuyệt mệnh, nói mình tự tử do bị chồng hành hạ. Năm 2009, cô dâu Trần Thị Lan (22 tuổi, quê Cần Thơ) cũng nhảy lầu tự tử khi vừa lấy chồng Hàn Quốc được một tháng.

Theo thống kê, trong năm 2011 có hơn 7.000 cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc. Đến nay, đã có hàng vạn cô dâu Việt đang sinh sống tại nước này.

 

 Theo bà Vân, một trong những kẽ hở của luật là không quy định về độ tuổi chênh lệch giữa hai người đăng ký kết hôn.

 Do đó, có những trường hợp cô dâu Việt lấy chồng nước ngoài, qua môi giới thiếu thông tin dẫn đến có trường hợp chú rể 80 tuổi, cô dâu 20 tuổi hoặc tuổi con rể lại lớn hơn tuổi cha mẹ vợ.

Đây là những cuộc hôn nhân không phù hợp phong tục tập quán, lối sống của người Việt, nhưng cơ quan có thẩm quyền không có cơ sở để từ chối.

Luật HNGĐ năm 2000 và các văn bản hướng dẫn luật cũng không quy định thẩm quyền của cơ quan nhà nước được quyền từ chối, không ghi chú kết hôn đối với những trường hợp đã kết hôn ở nước ngoài.

Theo luật của Hàn Quốc, việc đăng ký kết hôn tại nước này rất mở, chỉ cần chú rể người Hàn Quốc làm thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền mà không cần sự có mặt của cô dâu nước ngoài.

Do đó, nhiều đôi trong hôn nhân Hàn - Việt chưa có điều kiện gặp gỡ, tìm hiểu đã đi đến quyết định kết hôn.

Để giảm thiểu chi phí đi lại, cô dâu Việt chỉ cần gửi hồ sơ (Giấy xác nhận độc thân, bản sao khai sinh...) sang Hàn Quốc để kê khai việc kết hôn là được nhập tên vào sổ hộ khẩu gia đình người chồng tại Hàn Quốc.

Sau đó, họ làm thủ tục ghi chú kết hôn tại Sở Tư pháp và thực hiện các thủ tục để xuất cảnh sang Hàn Quốc. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều cô dâu Việt lấy chồng “nhầm” và bị đối xử tệ bạc ở xứ người...

Đề xuất thí điểm 2 trung tâm

Bà Hà Thị Thanh Vân cũng rất bức xúc về hoạt động kinh doanh môi giới kết hôn nhằm mục đích trục lợi của một số tổ chức, cá nhân diễn ra dưới nhiều hình thức trá hình.

Bà Vân cho rằng, nhiều trường hợp môi giới kết hôn đã hạ thấp phẩm hạnh của người phụ nữ Việt Nam, xâm phạm nghiêm trọng thuần phong, mỹ tục của dân tộc, thông qua việc thi tuyển, xem mặt

. “Cần có những chế tài mạnh để xử lý nghiêm những trường hợp môi giới kết hôn nhằm mục đích trục lợi, hạ thấp phẩm hạnh người phụ nữ” - bà Vân đề nghị.

Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp, đơn vị tham gia sửa đổi Luật HNGĐ), cho biết, phụ nữ lấy chồng nước ngoài đã trở thành một “nghề” ở một số địa phương của Việt Nam.

Trong số những trường hợp hạnh phúc, được phía nhà chồng yêu quý, tôn trọng, cũng có nhiều trường hợp không hạnh phúc. Thậm chí, đã xảy ra những vụ cô dâu Việt bị hành hạ, đánh đập dã man, bị chính người chồng giết hại.

“Sửa Luật HNGĐ lần này sẽ đặt vấn đề bảo vệ cô dâu Việt. Để giảm thiểu các rủi ro, vấn đề đặt ra là có cho phép môi giới kết hôn hay không?” - ông Huệ nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hoà cho rằng, luật pháp đang cấm môi giới kết hôn, nhưng hiện tượng này vẫn hoạt động chui.

Nhiều đường dây môi giới, tuyển chọn cô dâu Việt vẫn hoạt động trong khi Nhà nước không quản lý được.

Phần lớn những người phụ nữ Việt Nam trước khi ra nước ngoài sống cùng chồng đều chưa được tư vấn đầy đủ, thiếu những hiểu biết cần thiết về pháp luật, ngôn ngữ, phong tục tập quán của nước sở tại, dẫn đến những hậu quả đau lòng như đã xảy ra.

“Quan điểm cá nhân tôi là cho phép thành lập thí điểm 2 trung tâm môi giới kết hôn, một ở trong Nam, một ngoài Bắc. Các trung tâm này ra đời sẽ liên kết với các tổ chức ở nước ngoài, giúp đỡ người Việt Nam ở nước ngoài, hạn chế hoạt động môi giới chui, kết hôn bất hợp pháp”, ông Hoà đề xuất. 

Theo Tienphong 

Các tin cũ hơn