Trong một khu mỏ do công ty Trung Quốc khai thác ở Philippines - Ảnh: Daily Inquirer |
Sở Tài nguyên và môi trường Philippines (DENR) mới đây đã lên tiếng báo động về nạn “chảy máu” tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là kim loại quý, của nước này sang Trung Quốc. Uớc tính hiện có khoảng 500.000 công ty khai thác mỏ có quy mô nhỏ đang hoạt động tại hơn 30 tỉnh ở Philippines mà phần lớn các công ty này đều “làm thuê” cho Trung Quốc.
Năm 1991, Philippines ban hành đạo luật cho phép người dân khai thác mỏ quy mô nhỏ. Các cá nhân, công ty có thể mua giấy phép hoạt động từ chính quyền các địa phương với mức giá cực bèo: 10.000 peso (241 USD).
Số tiền mua giấy phép môi trường cũng chỉ vỏn vẹn 350 USD. Quy định lỏng lẻo này đã bị các công ty Trung Quốc lợi dụng để cướp phá tài nguyên của Philippines với tổng giá trị ước tính lên tới 1.000 tỉ USD.
Vận chuyển lậu
Một công ty nước ngoài muốn xin giấy phép khai thác mỏ ở Philippines phải làm thủ tục mất 5-10 năm và với chi phí lớn. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đã qua mặt nhà chức trách Philippines bằng cách hợp tác, liên doanh với các công ty khai thác mỏ quy mô nhỏ ở Philippines.
Sau khi đối tác Philippines mua được giấy phép khai thác, các công ty Trung Quốc lập tức đổ bộ thiết bị, máy móc và nhân lực hùng hậu của mình vào các khu mỏ.
DENR thừa nhận trong thực tế các công ty Trung Quốc đã khai thác mỏ quy mô lớn được che giấu dưới tấm giấy phép “khai thác mỏ quy mô nhỏ” của đối tác Philippines. Số liệu của chính phủ cho thấy một số “công ty quy mô nhỏ” đã khai thác tới 50.000 tấn quặng kim loại mỗi tháng.
Trên giấy trắng mực đen, có khoảng 40 tập đoàn Trung Quốc đang đầu tư vào ngành khai khoáng ở Philippines. Tuy nhiên, như các quan chức ngành mỏ Philippines thừa nhận, con số thực tế còn cao hơn rất nhiều do các công ty Trung Quốc núp bóng đối tác Philippines.
Theo quy định, trong các hợp đồng khai thác chung, phía công ty Philippines được hưởng 60% lợi nhuận, đối tác nước ngoài 40%. Thế nhưng, các công ty nhỏ Philippines luôn phải chịu thiệt thòi. Bởi các công ty Trung Quốc chỉ khai báo một phần nhỏ lượng khoáng sản khai thác được, còn vận chuyển lậu toàn bộ phần còn lại về Trung Quốc qua đường Hong Kong.
Năm 2008, DENR ước tính các công ty Trung Quốc chuyển về nước khoảng 3 triệu tấn quặng khoáng sản mà không khai báo với chính quyền Philippines. Bằng cách này, phía công ty Trung Quốc đã trốn được hàng tỉ peso tiền thuế.
Ước tính 90% sản lượng vàng khai thác tại Philippines được vận chuyển lậu về Trung Quốc. Chẳng hạn, trong quý 1-2012 Ngân hàng trung ương Philippines chỉ mua được 618kg vàng từ các công ty địa phương (32,3 triệu USD), giảm rất mạnh so với mức 7.943kg so với cùng kỳ năm 2011. Con số 618kg chỉ chiếm 3% tổng lượng vàng khai thác được, 97% còn lại đã bị tuồn sang Trung Quốc khiến Philippines vừa mất tài nguyên vừa mất tiền thuế.
Phá hoại môi trường
Cục Khoa học địa lý và khai thác mỏ Philippines (MGB) thừa nhận có biết về tình trạng chảy máu tài nguyên sang Trung Quốc. Cách vận chuyển phổ biến là chất hàng lên tàu ở các hải cảng rồi rời Philippines. Tại các cảng này, quan chức và nhân viên hải quan dễ dàng nhắm mắt làm ngơ khi được đút lót.
Thời gian qua, dư luận và báo chí đã nhiều lần lên án các công ty Trung Quốc là đã khai thác quá mức dẫn đến suy thoái môi trường nghiêm trọng và gây nên nạn phá rừng, lở đất, nhiễm độc nguồn nước...
Nguồn tin từ ngành mỏ Philippines khẳng định các công ty Trung Quốc đã thoải mái sử dụng thủy ngân, cyanide và nhiều loại chất nổ có sức công phá lớn để khai thác mỏ. Những hành vi này hoàn toàn đi ngược lại các quy định khai thác mỏ của Philippines.
Các công ty Trung Quốc còn “lại quả” rất đậm cho quan chức các địa phương để họ ngó lơ các hành vi xâm hại môi trường. Ở tỉnh Zambales, nơi các công ty Trung Quốc như Wei-Wei, Jianxi, Tungsten, Nihao... đang tung hoành, đã xuất hiện tình trạng nước sông “đỏ như máu” tràn vào những cánh đồng lúa và hủy hoại mùa màng.
Khảo sát của một số tổ chức khoa học ở Philippines cho thấy nồng độ thủy ngân trong các con sông ở tỉnh Diwalwal và Mindanao là cao nhất trong những khu vực khai thác vàng trên thế giới.
Mới đây, các nhà khoa học Philippines khẳng định chính tình trạng khai thác mỏ bừa bãi và nạn phá rừng ở Philippines, đặc biệt là đảo Mindanao, đã khiến tác động của bão Bopha ở Philippines càng thêm nghiêm trọng.
Theo Tuoitre