Trên các số trước, chúng tôi phản ánh nạn mãi lộ trên QL 20 đoạn qua địa phận tỉnh Lâm Đồng mà cánh tài xế xe tải đang phải cắn răng chịu đựng. Bởi họ biết rất rõ khi còn chạy xe tức còn “lụy” CSGT.
Các tài xế biết rất rõ số tiền phải đóng theo tải trọng của xe. Tuy nhiên, cũng có trường hợp CSGT hạ giá nếu tài xế chịu gom tiền đóng xe theo “đàn” và luôn muốn “mở rộng” nguồn thu!
Ngày 11-11, anh TL điều khiển chiếc xe tải chở chuyến hàng đầu tiên từ Đà Lạt về TP.HCM và ghé chốt CSGT huyện Di Linh tìm cách chung tiền.
Khi L. tiến vào nơi làm việc của chốt CSGT này và bày tỏ ý định chung tháng cho xe năm tấn, một thượng úy tên V. kéo ra ghế đá nói chuyện. Tại đây, sau khi hỏi kỹ L. về loại xe, mặt hàng, ông V. thăm dò: “Gửi ở đây mấy lần rồi?”. “Em gửi hoài chứ gì” - L. nói.
V. “trắc nghiệm” thêm: “Đã từng gửi cho xe nào?”. Sau khi nghe L. đọc đúng hai số xe đang chung tháng tại đây, ông V. nhận 300.000 đồng từ tay L. và căn dặn: “Ông ghi số điện thoại của tui lại (09339434…), mai mốt xuống gọi trước, không được vô chung lộn xộn kiểu này đâu nhá! Lưu số điện thoại rồi, mai mốt vào chung thì gọi trước nha ông nội!”.
Thượng úy V. ở CSGT huyện Di Linh nhận tiền tháng của tài xế xe tải. (Ảnh cắt từ clip) |
CSGT huyện Đạ Huoai tên C. nhận tiền và… cấn trừ vào tháng sau. (Ảnh cắt từ clip) |
Cũng chuyến đi này, L. được một người bạn ở Phương Lâm nhờ vào Đội CSGT Công an huyện Đạ Huoai chung tháng giúp. Theo L., xe của người bạn anh khi đến huyện này thường rơi vào buổi đêm nên không gặp CSGT để chung tiền. Người bạn phải nhờ anh đóng giúp vì sợ quá ngày, CSGT huyện này sẽ “tặng” biên bản vi phạm giao thông.
Vào trạm, L. tiến đến bàn làm việc có vách kính, L. đứng đọc luôn biển số xe tải của người bạn cho vị CSGT mang bảng tên C. nghe. Điều lạ là vị CSGT này không cần quan tâm đến người đối diện là ai, đến công an đứng đọc số xe làm gì, ông C. lấy bút hí hoáy ghi vào một cuốn sổ rồi hỏi L.: “Xe mình đi đường nào?”. L. nói: “Xe chở rau, đi từ Đà Lạt về”. Ông C. hỏi tiếp: “Ai kêu anh vào đây vậy?”. L. đáp: “Em vào đây hoài, sếp ơi”.
Khi thấy L. cầm tiền trong tay, ông C. hỏi: “Mọi ngày bỏ trong bì thư mà?”. “Hôm nay em quên phong bì rồi, sếp” - L. trả lời. Ngay lập tức, ông C. gọi L. đi vòng qua vách ngăn vào bên trong. Vừa nhận tiền từ L., ông C. không quên hỏi cắc cớ: “Sao quên phong bì được!”. C. cúi xuống gầm bàn đếm tiền và hỏi: “Còn hai xe kia đâu?”. “Xe kia chưa đến tháng, sếp ơi” - L. nói.
Xong việc, L. chào ông C. ra về. Khi ra tới cửa, L. điện thoại cho bạn, báo cho bạn là đã chung tiền xong. Khi nghe người bạn cho biết là “đã chung tiền hai hôm trước rồi”, L. quay lại gặp ông C. nói việc này. Tuy nhiên, khi thấy ông C. yên lặng, L. tặc lưỡi: “Thôi, em lỡ chung rồi, khỏi lấy lại mất công, sếp ghi giùm tháng sau nhé”. Nghe vậy, ông C. đồng ý ngay: “Ừ, vậy để tháng sau, tháng 12…”.
|
Theo PL TPHCM