Ấn Độ vừa lên án Triều Tiên, vừa thử tên lửa

Thứ năm, 13/12/2012, 11:09
Ấn Độ hôm nay lên án vụ phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên, nhưng cũng tiến hành thử nghiệm một trong những vũ khí đạn đạo riêng.
tên lửa ấn độ
Hình ảnh một vụ thử nghiệm tên lửa của Ấn Độ. Ảnh minh họa: AFP

"Ấn Độ bày tỏ sự lo ngại về vụ phóng tên lửa vi phạm Nghị quyết 1874 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ấn Độ kêu gọi Triều Tiên hạn chế những hành động tương tự", thông cáo của Bộ Ngoại giao nước này cho hay. "Hành động không có cơ sở này đã gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên".

Trong khi đó, sáng nay, các nhà khoa học quốc phòng của Ấn Độ cũng thử nghiệm thành công tên lửa tầm trung Agni I, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, từ một bãi phóng ở bờ biển phía đông nước này. Theo AFP, tên lửa, vốn đã được thử nghiệm nhiều lần trước đây, có phạm vi hoạt động 700 km, có khả năng đánh trúng các mục tiêu ở quốc gia thù địch Pakistan.

Ấn Độ từng là đối tượng của lệnh trừng phạt do Mỹ đứng đầu về chương trình hạt nhân sau vụ thử nguyên tử đầu tiên năm 1974. Lệnh trừng phạt được thắt chặt vào năm 1998, khi Ấn Độ tự tuyên bố là một quốc gia hạt nhân với 5 vụ thử vật liệu nổ hạt nhân.

New Delhi từ chối ký kết Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) và Chế độ Kiểm soát Công nghệ Tên lửa (MTCR) mà nước này xem là một là sự phân biệt đối xử, thiên vị các cường quốc hạt nhân hiện tại.

Sau những nỗ lực thực thi các hiệp ước quốc tế, năm 2008, Ấn Độ được các nước tạo điều kiện tiếp cận với các nguồn lực và công nghệ hạt nhân dân sự nước ngoài.

Hồi tháng 4, Ấn Độ đã bắn thử tên lửa Agni V lần đầu tiên. Tên lửa có tầm phóng hơn 5.000 km và có khả năng phóng ra đầu đạn hạt nhân một tấn.

Vụ thử không gây nhiều lo ngại hay lên án, khi nhiều nhà phân tích cho rằng Ấn Độ đã chứng tỏ mình là một quốc gia sử dụng hạt nhân và công nghệ tên lửa có trách nhiệm.

Triều Tiên cũng khẳng định mục đích phóng tên lửa của nước này hoàn toàn vì hòa bình, khoa học, nhằm đưa vệ tinh vào không gian. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh xem đây thực chất là một vụ thử tên lửa đạn đạo, tức là vi phạm lệnh cấm của Liên Hợp Quốc sau hai vụ thử hạt nhân năm 2006 và 2009.

Theo Vnexpress

Các tin cũ hơn