Vụ phóng tên lửa "đánh bóng" danh tiếng nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un

Thứ năm, 13/12/2012, 14:46
Việc Triều Tiên phóng thành công tên lửa đưa vệ tinh vào quỹ đạo Trái đất trước sự ngỡ ngàng của nhiều đối thủ đang khiến danh tiếng của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un "nổi như cồn".
kim jong un
Tuy mới lên nắm quyền và còn khá trẻ, song nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên đã thể hiện khá rõ bản lĩnh lãnh đạo của mình, đặc biệt trong việc Bình Nhưỡng tiến hành liên tiếp hai vụ phóng vệ tinh trong năm nay.

Trong vụ phóng được tiến hành sáng 12/12, Triều Tiên đã làm nên nhiều điều bất ngờ đối với cả đối thủ và đối tác.

Thứ nhất, vụ phóng được thực hiện vào thời điểm không ai ngờ tới vì chỉ mới trước đó vài tiếng, các nguồn tin tình báo cũng như vệ tinh của phương Tây đều xác nhận Triều Tiên đã cho tháo dỡ tên lửa 3 tầng để sửa chữa lỗi kỹ thuật được cho là đã khiến vụ phóng hồi tháng Tư thất bại.

Thứ hai, kết quả của vụ phóng thành công tới mức cả Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác cũng không thể ngờ tới. Tên lửa đạn đạo Unha-3 của Triều Tiên đã bay theo đúng quỹ đạo định sẵn, đưa được vệ tinh quan trắc Trái đất vào quỹ đạo trước khi rơi xuống vùng biển gần quần đảo Luzon của Philippines trên Thái Bình Dương.

Thứ ba, tất cả các hệ thống bắn chặn tên lửa của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều hoàn toàn không kịp phản ứng trước vụ phóng tên lửa, dù đã được triển khai tới các vị trí thiết yếu trước đó cả tuần.

Tất cả những điều này đang tạo thành lớp hào quang nâng cao danh tiếng cho nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un, người vừa lên nắm quyền cách đây không lâu và là thế hệ lãnh đạo thứ 3 ở Triều Tiên kể từ sau cuộc chiến tranh liên Triều.

“Đây là một cú huých đáng kể trong việc củng cố quyền cai trị của Kim Jong-un”, Cho Min, chuyên gia Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc nhận định.

Kim Jong-un lên nắm quyền sau khi cha ông là nhà lãnh đạo Kim Jong-Il mất ngày 17/12/2011. Vụ phóng tên lửa ngày 12/12 nhằm tưởng nhớ một năm ngày mất của cha ông. Trước đó, hồi tháng 4/2012, Triều Tiên cũng đã cho tiến hành một vụ phóng tên lửa kỷ niệm ngày sinh của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành, nhà sáng lập Triều Tiên và là ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nhưng bất thành.

Với một đất nước kiệt quệ về kinh tế và cô lập về ngoại giao như Triều Tiên, phát triển công nghệ đạn đạo được coi là sách lược cần thiết để bảo vệ sức mạnh của đất nước trước các đối thủ từ bên ngoài.

Vì vậy, việc Triều Tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo không chỉ giúp nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un có được quân bài nặng ký hơn khi ngồi vào bàn thương lượng với các đối thủ, mà còn giúp các nhà lãnh đạo Triều Tiên củng cố thêm niềm tin với người dân trong nước.

Hiện tại, hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên - đất nước mà theo dự đoán của LHQ là có tới 1/3 dân số bị thiếu ăn - đạt được bất kỳ tiến bộ nào trong việc mở cửa nền kinh tế trong năm qua.

Triều Tiên vẫn dựa chủ yếu vào xuất khẩu khoáng sản sang Trung Quốc và tiền gửi về của hàng chục nghìn người Triều Tiên đang lao động ở nước ngoài. Trong bối cảnh quy mô kinh tế èo uột với thu nhập mỗi đầu người chỉ đạt chưa tới 2.000 USD/năm, một trong những cách hiếm hoi để Triều Tiên có thể thu hút sự chú ý của thế giới là chú trọng vào mối đe dọa về quân sự.

Theo các chuyên gia về hạt nhân, hiện tại Triều Tiên có thể đã tiến được những bước rất xa trong việc phát triển đầu đạn hạt nhân và sản xuất đủ lượng plutoni cho việc chế tạo 6 quả bom hạt nhân. Ngoài ra, nhờ giàu trữ lượng urani tự nhiên, Triều Tiên cũng đang đẩy mạnh hoạt động làm giàu urani, mở ra con đường thứ hai để nước này chế tạo vũ khí hạt nhân.

Mặc dù Bình Nhưỡng thường tuyên bố rằng phát triển hạt nhân nằm trong chương trình hạt nhân dân sự, nhưng rõ ràng tham vọng hạt nhân (dù để bảo vệ đất nước hay nâng cao uy tín trước các đối thủ) không phải không có khi nước này vẫn hay khoe rằng mình là “một cường quốc vũ khí hạt nhân”.

Ngay sau vụ phóng bất ngờ sáng 12/12, Đại sứ Nhật Bản tại Liên hợp quốc đã kêu gọi Hội đồng Bảo an họp khẩn.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho rằng việc tiếp tục gia tăng các lệnh trừng phạt cứng rắn không phải là giải pháp đối với một Triều Tiên đã quá quen với các lệnh trừng phạt từ hàng chục năm nay, càng không phải là sự lựa chọn của Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của Triều Tiên trong khu vực và là nước nắm quyền phủ quyết trong cơ quan quyền lực nhất thế giới này.

Trong tuyên bố đưa ra ngay sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, dù cũng đã đưa ra một số lời khiển trách nhưng Bắc Kinh vẫn tỏ rõ sự ủng hộ đối với Bình Nhưỡng.

“Triều Tiên có quyền tiến hành thăm dò một cách hòa bình khoảng không gian ngoài quỹ đạo”, cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc – hãngXinhua – bình luận trong bản tin sáng nay.

Mặc dù Xinhua cũng nói thêm rằng “Bình Nhưỡng nên tuân thủ các nghị quyết của LHQ có liên quan tới vấn đề phóng tên lửa, như nghị quyết 1874 về việc yêu cầu Triều Tiên không được tiến hành các hoạt động sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo”, nhưng thực tế Bắc Kinh vẫn ủng hộ hành động của Triều Tiên, ủng hộ nhà lãnh đạo trẻ cứng rắn Kim Jong-un.

Có lẽ, cùng vì nắm được quan điểm ủng hộ này của Trung Quốc mà Triều Tiên đã quyết định đi một nước cờ cứng rắn.

Theo Dantri

Các tin cũ hơn