Chuyện bi hài ở lớp học “vượt cạn” cho bà bầu

Thứ năm, 13/12/2012, 15:04
Khệ nệ vác bụng bầu vượt mặt, những chị em chuẩn bị lần đầu làm mẹ sẵn sàng bỏ ra những ngày nghỉ để học cách "vượt cạn" an toàn.

Trốn mẹ đẻ, chồng đi học vượt cạn cùng vợ

Trong vai trò "hộ tống" người chị họ chuẩn bị sinh em bé lần đầu, tôi chen chân giữa những bà bầu với đầy đủ tâm trạng vui mừng xen lẫn lo lắng tham dự lớp học tiền sản tại bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Những "điểm sáng" nhất mà chúng tôi nhìn thấy ở các lớp học lại là các ông chồng, ông bố tương lai.

Họ được các bác sỹ ưu ái, quan tâm hướng dẫn khá nhiều tại mỗi buổi học. Những gương mặt ngượng nghịu của các đức lang quân buổi đầu đến buổi thứ hai được thay bằng sự lúng túng khi thực hiện các thao tác mát-xa cho vợ, tập tắm cho trẻ sơ sinh.

Anh Ngô Quốc Hoàng, phụ trách lớp học tiền sản tại Kidsplaza, cho biết: "Hầu hết các bà mẹ trẻ đến lớp học đều có chồng đi cùng. Với các lớp học như thế này ở nước ngoài, các ông bố tương lai còn được các bác sỹ cho "đeo bầu" giống như một phụ nữ mang bầu thật, để họ ít nhiều hiểu được nỗi vất vả của chị em. Ở lớp học của chúng tôi, các ông bố cũng sẽ được thử nghiệm cảm giác chăm một đứa trẻ sơ sinh như thế nào".

Những chú búp bê có kích thước giống như một em bé sơ sinh được mang ra cho các ông chồng thực hành. Nhìn dáng vẻ lóng ngóng của các ông bố trẻ, sau một hồi "đánh vật" với em bé mô hình, chiếc chậu đựng nước bắn tung tóe. Những tiếng cười rộn lên kèm theo lời thanh minh của những ông bố vụng về "khó hơn tôi tưởng!".

Chị Trần Ngọc Hường (Giải Phóng, Hà Nội), một học viên tại lớp học chia sẻ: "Chồng tôi là con trai duy nhất trong 5 người con. Từ nhỏ, anh đã được bố mẹ chiều, nâng niu như cục vàng. Ở nhà, mẹ chồng tôi không cho con trai làm bất cứ việc gì. Chưa sinh, mẹ tôi đã "nhắc" khéo là con trai bà từ nhỏ chưa phải đụng vào một cái áo, cái quần nào.

Khi tôi vừa có ý định rủ chồng đi học lớp tiền sản, mẹ chàng đã dội gáo nước lạnh: "Ngày xưa tôi có cần học đâu mà vẫn đẻ, vẫn nuôi được 5 người con đấy thôi". Thành ra, mấy buổi đi học mà hai vợ chồng tôi như đi "ăn vụng" cùng nhau. Tuy nhiên, khi đến lớp học thấy chồng tích cực thực hành các thao tác bác sỹ hướng dẫn như mát-xa, tắm bé... không giống người chồng hàng ngày mà mẹ tôi vẫn rèn. Tôi thấy được an ủi rất nhiều".

 vuot can
 Các bà mẹ trẻ thực hiện các bài tập theo sự hướng dẫn của bác sỹ. (Nguồn ảnh: Kidsplaza)

Hầu hết các học viên ở các lớp này thường chia sẻ mang thai và làm mẹ là một quá trình đầy thú vị nhưng cũng không ít người lo âu, lúng túng. Đặc biệt là với những người lần đầu tiên làm cha, làm mẹ. Chính vì thế, học viên đăng ký các lớp này chủ yếu là những phụ nữ công sở, lần đầu có thai. Họ thường bàn tán rằng "đau đẻ là khủng khiếp nhất, chẳng có điều gì đau đớn hơn sinh con".

Chỉ nghe vậy nhiều cô đã ôm vô số lo lắng. Những điều này hoàn toàn không tốt cho các bà mẹ sắp sinh. Không chỉ trang bị kiến thức sinh nở và chăm sóc em bé mà quan trọng hơn ở lớp học này, vợ chồng tôi có cơ hội để chia sẻ nỗi vất vả cùng nhau, hiểu, thông cảm để hạnh phúc và chăm sóc con nhỏ tốt nhất.

Thành khán giả bất đắc dĩ cho quảng cáo

Theo tìm hiểu của PV, ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đã Nẵng, TP.HCM... các bệnh viện lớn đều tổ chức các lớp học tiền sản cho các thai phụ chuẩn bị vào tháng lâm bồn. Hầu hết các bệnh viện đều tổ chức các buổi lên lớp cho các chị em vào các ngày thứ 7, chủ nhật.

Hầu hết các lớp học miễn phí ở nhiều nơi hiện nay đều có sự kết hợp của các hãng cung cấp các sản phẩm, đồ dùng cho trẻ sơ sinh và bà bầu. Trong những phút giải lao, các nhân viên tiếp thị, quảng cáo các hãng sữa, hãng bỉm ngay lập tức được tận dụng tranh thủ giới thiệu đến các ông bố bà mẹ.

Không chỉ khoa sản của các bệnh viện, các công ty, hệ thống các cửa hàng bán đồ cho trẻ sơ sinh cũng tranh thủ hỗ trợ khách hàng. Thậm chí, ở nhiều lớp học tiền sản, chị em đi học còn được nhận quà miễn phí.

Colorful shop còn đưa ra những đảm bảo như lớp học không quá 15 đến 20 người. Kèm theo đó, mỗi học viên đến tham dự lớp học đều được nhận một gói bỉm, một khăn thấm sữa, một gói kem mát-xa, 1 VCD tập thể dục dành cho mẹ sau sinh... Tất cả đều là hàng dùng thử.

Chị Hoàng Thị Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Tôi vui mừng bao nhiêu vì sự nhiệt tình của giảng viên và của chồng khi tham dự lớp học thì lại chán vì các hãng bỉm, sữa dành cho bà bầu... tiếp thị hơi nhiều. Không ít buổi học giống như một buổi đi nghe quảng cáo. Đặc biệt, các nhân viên này "chăm sóc" chúng tôi kỹ quá".

Sau khi các học viên tham dự lớp học, cứ đều đặn mỗi tuần, các nhân viên tiếp thị các hãng lại gọi điện cho các bà mẹ để giới thiệu về chất lượng sản phẩm của họ. Dù gần như chắc chắn là sẽ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu nhưng chị Lan vẫn phải mua một hộp sữa cho trẻ sơ sinh từ cô nhân viên tiếp thị vì cô này nhiệt tình quá!.

Theo kinh nghiệm của các chị từng đi học ở các lớp này, nếu muốn thoải mái và tham gia ở các lớp học "sạch" quảng cáo, các chị em có thể tìm đến một số khoa sản của các bệnh viện như đại học Y dược TP.HCM, các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản với mức học phí 100.000 đồng/người.

Không sữa, không bỉm, không thức ăn dặm... chỉ có tiếng cười thoải mái và những câu chuyện được chia sẻ từ chính những người chuẩn bị vượt cạn.

Theo số liệu công bố tại một hội thảo quốc gia vừa diễn ra vào đầu tháng 12 vừa qua, do bộ Y tế phối hợp với phái đoàn Liên hiệp châu Âu tổ chức, cả nước xảy ra 128 ca tai biến sản khoa. Còn theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca tai biến sản khoa ở Việt Nam trong gần 1 năm qua phải lên tới 500-600 ca.

Về nguyên nhân có sự "vênh" nhau về số ca tai biến, theo Bộ trưởng bộ Y tế, có lý do bắt nguồn từ thiếu nhân lực chuyên môn làm về thống kê y tế, phương pháp điều tra, nghiên cứu và thu thập số liệu chưa chuẩn, không thống nhất. Theo khuyến cáo của các bác sỹ sản khoa thì các chị em, đặc biệt là những người lần đầu sinh nở nên chuẩn bị cho mình các kỹ năng, kiến thức cơ bản để vượt cạn an toàn. 

 

     Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn