Đùn đẩy trách nhiệm
Báo Nông thôn ngày nay (NTNN) vừa nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Hòa (trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phản ánh về việc chồng bà là ông Lại Hoàng Thọ - nguyên Phó Giám đốc Công ty cổ phần Bánh kẹo Hải Châu (viết tắt là Công ty Hải Châu) kiêm Phó ban quản lý Dự án Bánh mềm cao cấp đã đem 5.000 euro được ông cho là tiền “hối lộ” nộp tới cơ quan chức năng và tố cáo những sai phạm trong việc thực hiện dự án nói trên.
Thế nhưng, từ đó cho tới nay đã hơn 5 năm, và thậm chí ngay cả khi ông Thọ đã đột ngột qua đời vì trọng bệnh, vẫn không có cơ quan hữu trách nào chịu nhận số tiền 5.000 euro – được cho là vật chứng của vụ hối lộ kia.
Ảnh minh họa |
Trao đổi với phóng viên, bà Hòa đưa ra một biên bản làm việc ngày 5/6/2012 giữa chồng bà - ông Lại Hoàng Thọ với đại diện Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng (Văn phòng BCĐ T.Ư PCTN), trong đó có ghi rõ:
Ông Thọ đã đến Văn phòng BCĐT.Ư cung cấp thông tin liên quan đến một số sai phạm tại dự án sản xuất bánh mềm của Công ty Hải Châu.
Theo đó, từ năm 2007 đến nay, ông Thọ đã nhiều lần gửi đơn tố cáo, đến gặp và làm việc với cán bộ của Văn phòng; tự nguyện khai báo về những sai phạm trong việc đầu tư, lắp đặt, chạy thử dây chuyền sản xuất bánh mềm tại Công ty Hải Châu và tình nguyện nộp lại số tiền 5.000euro mà theo ông Thọ là do ai đó đã lén bỏ vào sổ làm việc của ông (khoảng tháng 9.2003).
Ông Thọ khẳng định, đây là khoản tiền bất chính, khoản tiền hối lộ có liên quan đến những sai phạm tại dự án này và tự nguyện nộp lại số tiền cho cơ quan hữu trách...
Sau khi nhận được đơn của ông Thọ và làm việc với ông, cán bộ Văn phòng BCĐT.Ư PCTN đã hướng dẫn ông Thọ đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48, Bộ Công an), cụ thể là Phòng 2, để giao nộp tang vật.
Bà Hòa cho biết, ông Thọ đã rất nhiều lần gửi đơn đến Phòng 2 – C48 xin được nộp lại số tiền 5.000euro là tang vật của vụ hối lộ này, nhưng lạ thay, không có ai đứng ra nhận.
Sau khi ông Thọ đột ngột qua đời do lâm trọng bệnh (tháng 7/2012), bà Hòa tiếp tục gửi đơn tố cáo… một số điều tra viên của C48 liên quan đến việc “không làm thủ tục nhận 5.000euro”.
Bà Hòa bức xúc nói với phóng viên: Lúc gần mất, chồng tôi có nói với tôi rằng, vì nhiều lần đem nộp số tiền “vật chứng” này cho C48 mà không xong, ông đã tức mình đem đổi hết 5.000euro ra tiền Việt.
“Hiện tại số tiền trên, tôi vẫn đang gửi tại ngân hàng. Bất cứ khi nào cơ quan chức năng yêu cầu, tôi sẽ nộp lại đầy đủ” - bà Hòa quả quyết.
Đơn tố cáo đã được thụ lý
Liên quan đến khoản tiền 5.000euro mà ông Lại Hoàng Thọ cất công đi giao nộp cho cơ quan hữu trách suốt 5 năm qua, phóng viên NTNN đã trao đổi với đại tá Trần Duy Thanh – Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng.
Đại tá Thanh cho biết, về khoản tiền đó, khi ông Thọ đến nộp lại cho C48, theo quy định, cơ quan điều tra sẽ hướng dẫn thủ tục cho ông đi nộp vào Kho bạc Nhà nước.
Sau khi nộp xong, ông Thọ sẽ phải cầm phiếu nộp tiền này đến làm việc lại với Cơ quan điều tra để hoàn thiện nốt một số thủ tục cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi công dân theo đúng luật định.
Theo đại tá Thanh, trong vụ việc này, chính đương sự (ông Thọ - PV) cũng không chứng minh được cụ thể khoản tiền này do ai đưa cho, như vậy đó khoản tiền vô chủ. Và các khoản tiền “vô chủ” thì sẽ phải nộp vào Kho bạc Nhà nước.
Còn về việc tố cáo sai phạm liên quan đến dự án của Công ty Bánh kẹo Hải Châu, đại tá Thanh khẳng định cơ quan điều tra đã thụ lý đơn tố cáo và đang trong quá trình điều tra. Khi nào kết thúc điều tra, vụ việc sẽ được công bố.
Luật sư Trần Đình Triển (Hà Nội): Không có quyền thừa kế trong khiếu nại, tố cáo
Thực tiễn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định tham nhũng là quốc nạn, mọi tổ chức và cá nhân có trách nhiệm cùng với Đảng và Nhà nước tham gia phòng, chống tham nhũng. Việc ông Lại Hoàng Thọ - nguyên là cán bộ của Công ty Bánh kẹo Hải Châu - đứng ra tố cáo những sai phạm và tham nhũng tại Dự án Bánh mềm cao cấp và tự nguyện nộp lại 5.000 euro mà ông cho là tiền hối lộ là hành động rất đáng biểu dương. Tuy nhiên, cũng cần phải điều tra làm rõ việc tố cáo đó có cơ sở hay không, đúng hay sai. Theo tôi, cơ quan điều tra phải xem xét vấn đề theo 2 hướng: Thứ nhất, dự án có sai phạm hay không, khoản tiền có phải của đối tượng làm sai tìm cách hối lộ người có liên quan - cụ thể là ông Thọ - nhằm che giấu hành vi sai phạm của mình? Thứ hai, cũng phải xem xét liệu có hay không việc chính đương sự “hy sinh” khoản tiền để nhằm mục đích khác (?). Bên cạnh đó, việc cơ quan điều tra hướng dẫn cho ông Thọ nộp khoản tiền 5.000euro này vào Kho bạc Nhà nước cũng cần phải xem xét. Nếu khoản tiền này là vật chứng của vụ án hối lộ thì phải đưa vào tài khoản phong tỏa của cơ quan điều tra tại Kho bạc Nhà nước, còn nếu tài sản này chưa được chứng minh nguồn gốc thì chỉ lập biên bản và yêu cầu ông Thọ giữ mới đúng quy định. Trong Bộ luật Hình sự có quy định rất rõ, người đưa hối lộ hoặc người nhận hối lộ mà đứng ra tố cáo hành vi đó trước khi khởi tố vụ án thì có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Thực tế, hiện nay ông Thọ đã mất, vì vậy việc ông đứng ra tố cáo khoản tiền 5.000euro nghi là tiền “hối lộ” liên quan đến những sai phạm tại dự án, theo quy định của pháp luật sẽ không còn giá trị. Và ngay cả khi bà Hòa thay chồng đứng ra tố cáo vụ việc thì cũng không được vì luật đã quy định, không có quyền thừa kế trong việc khiếu nại tố cáo. Còn vấn đề sai phạm của dự án, dựa trên cơ sở đơn tố cáo, cơ quan điều tra vẫn phải tiếp tục xem xét, làm rõ. |
Theo Danviet