Bà Lê Thị Thúy Hồng, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10) cho biết, trung bình mỗi ngày có từ 3-5 HS xin về giữa buổi học vì bị bệnh. Ở nhiều trường THPT khác cũng tương tự. Ông Nguyễn Cao Trí Dũng, cán bộ phòng y tế Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4), cho biết năm nay thêm tình trạng nhiều HS đau dạ dày.
|
Đối với những trường hợp vừa nêu, khi giáo viên, cán bộ y tế nhà trường khảo sát thì được biết HS thường không ăn sáng. Mới đây, Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM đã thực hiện một khảo sát trên 1.404 HS THPT tại TP.HCM nhằm tìm hiểu khả năng nhận thức vóc dáng bản thân, thói quen ăn uống, kiến thức cơ bản về phòng chống thiếu máu của HS và đưa ra con số đáng lo ngại.
Theo đó, tỷ lệ HS THPT có thói quen không ăn sáng trung bình là 17,4%. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên văn của Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4), thông tin: “Mỗi sáng, khi dạy tiết đầu, tôi hay khảo sát thử tình hình ăn sáng của HS. Thường mỗi lớp chỉ có khoảng 30% HS cho biết mình có ăn sáng”.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HS-SV (Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết, hằng năm Sở đều kết hợp với Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM để tập huấn về công tác chế độ dinh dưỡng cho cán bộ quản lý giáo viên và trường học, từ đó về phổ biến lại cho HS. Nhưng thật tình mà nói, ý thức của HS còn kém, hay ỷ lại sức mình.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, HS bỏ bữa ăn sáng có thể dẫn đến tình trạng không đủ chất cho não hoạt động, nhất là đường glucose. Trong khi nguồn năng lượng này là cần thiết cho hoạt động, tư duy... Thông thường, HS bỏ bữa sáng sẽ khiến cho cơ thể mệt mỏi, ngủ gục, hạ can xi đường huyết, gây suy dinh dưỡng...
Theo Thanhnien