Mất vệ sinh như... quán ăn vỉa hè
Tại quán vịt cỏ Vân Đình trên đường Chiến Thắng (quận Hà Đông, Hà Nội), thịt vịt được nướng ngay ở mép đường, xe cộ qua lại bụi mù mịt. Thấy khách yêu cầu đĩa bún, cô nhân viên bán hàng đang vặt lông vịt vội vàng nhúng tay vào chậu nước đã đổi màu, lau tay vào chiếc giẻ màu cháo lòng vừa được dùng lau bàn rồi nhanh chóng bốc bún bê ra bàn cho khách.
Cách đó không xa, căn phòng rộng chừng 15m2 chật kín khách, trên mặt bàn vương vãi đồ uống, thức ăn mà chủ quán chưa kịp dọn. Ngay dưới sàn nhà, từng dòng nước đen kịt, lênh láng cùng hàng loạt giấy ăn được vứt ngổn ngang, rất mất vệ sinh.
Tương tự, tại quán vịt trên phố Vũ Hữu (quận Thanh Xuân, Hà Nội), toàn bộ bát đĩa, rau sống được bày sẵn pha lẫn với bụi than của lò quay vịt cách đó vài mét bu bám. Cảnh chế biến thức ăn giữa thịt chín, thịt sống lẫn lộn nhưng hễ có khách, chủ quán tay nhanh thoăn thoắt với con vịt vừa quay được phết ít phụ gia thực phẩm hoà quện với bụi đất, sẵn sàng phục vụ khách.
Tại các quán lòng lợn, tiết canh ở khu vực quận Thanh Xuân, khu chợ Phùng Khoang (huyện Từ Liêm) và đường Hoàng Hoa Thám (quận Hà Đông), các loại thực phẩm được chế biến, thực hiện ngay dưới nền gạch, nền xi măng. Sát đó là khu vực vệ sinh bốc mùi. Rau các loại được nhặt qua loa, đem nhúng vào một chậu nước mờ đục trước khi đem chế biến và mang ra cho khách ăn sống.
Toàn bộ bát, đũa, xoong nồi chỉ rửa bằng một chậu nước nhờ nhờ, váng mỡ nổi lềnh phềnh. Gần đó là những xô đựng thức ăn dư thừa, không được che đậy, đặt kề bên miệng cống thoát nước thải bốc mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng bu bám.
Các đồ ăn nhanh không được che đậy vẫn được bán cho người tiêu dùng |
Còn tại một quán phở trên phố Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), tình trạng cũng tệ hại, khiếp đảm không kém. Mọi hoạt động kinh doanh từ chế biến thực phẩm, đun nấu, rửa bát, đũa đến chỗ ngồi ăn của thực khách đều nằm gọn trong một con ngõ nhỏ, mặt nền ẩm ướt, nhớp nháp. Trên mặt bàn, váng mỡ nhầy nhụa, bụi bặm, phía dưới giấy ăn đã qua lau chùi vứt bừa bãi…
Người ăn "khuất mắt trông coi"?
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có gần 50.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thực phẩm thì số quán ăn, nhà hàng trên các đường phố, vỉa hè, khu tập thể, cụm dân cư chiếm khoảng 50%. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành và các thị xã, thị trấn trọng điểm.
Cũng theo quy định của ngành y tế, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các cửa hàng kinh doanh ăn uống phải đảm bảo 10 tiêu chí như đủ nước sạch, có dụng cụ gắp thức ăn chín, không để lẫn thức ăn chín và sống; nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm như cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm.
Ngoài ra, người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khoẻ định kỳ; nhân viên phải đeo tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng; không sử dụng phụ gia thực phẩm, thức ăn phải được bảo quản trong tủ kính và được bày bán trên giá cao hơn 60cm…
Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở kinh doanh ăn uống đường phố đều vi phạm các quy định trên. Mặc dù thức ăn đường phố là một trong những thủ phạm chính làm lây lan các dịch bệnh và nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm rất cao nhưng kẻ bán, người ăn vẫn tấp nập.
Khi đề cập đến vấn đề chất lượng vệ sinh tại các quán này, phần lớn người tiêu dùng đều thể hiện sự chủ quan, cho rằng khuất mắt trông coi. Hơn nữa, do nhiều người có thói quen ăn đồ ăn nhanh ở vỉa hè cho… tiện nên các gánh hàng rong vẫn ngang nhiên tồn tại.
Đề cập tới vấn đề trên, ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc sở Y tế Hà Nội cho biết: Trách nhiệm quản lý, giám sát, kiểm tra chất lượng ATVSTP các quán ăn đường phố thuộc UBND các xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, hiện vẫn có một số nơi buông lỏng quản lý dẫn đến một số quán ăn, nhà hàng không thực sự đảm bảo chất lượng ATVSTP, gây hại tới sức khoẻ người tiêu dùng.
Do vậy, trong thời gian tới các cấp, các ngành, đặc biệt là các lượng lực chuyên môn cần đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý những cơ sở không đảm bảo về mặt chất lượng sản phẩm cũng như các tiêu chí bắt buộc trong kinh doanh buôn bán thực phẩm theo quy định của ngành y tế.
Ông Hạnh cũng cho biết thêm: Để hạn chế ảnh hưởng sức khoẻ người tiêu dùng, nhất là vào dịp Tết cổ truyền sắp tới, người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm đạt chất lượng, có cơ sở, nguồn gốc rõ ràng.
Khi ăn uống, người dân nên lựa chọn những quán hàng sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, có đầy đủ nguồn nước, cơ sở hạ tầng tốt cũng như có đầy đủ các trang thiết bị nhằm đảm bảo ATVSTP, qua đó mới phòng tránh được các dịch bệnh có thể xảy ra.
Theo Nguoiduatin