- Tại kì họp Hội đồng nhân dân TP Hà Nội mới đây, ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tố: Để trúng tuyển công chức trên địa bàn thành phố phải bỏ ra không dưới 100 triệu đồng?
- Thông tin đó không xa lạ đối với bất cứ ai từng đi xin việc thời gian qua.
Một trăm triệu chưa phải là con số tuyệt đối, con số đó sẽ thay đổi cho từng vị trí khác nhau. Điều đó ai cũng biết, nhưng có dám nói ra một cách thẳng thắn hay không thôi.
- Trong khi cán bộ, công chức luôn kêu lương không đủ sống, vậy mà vẫn bỏ ra hàng trăm triệu đồng để có vị trí với mức lương đôi, ba triệu đồng/ tháng có vô lí không, thưa ông?
-Thoạt nghe thì quá vô lí. Nhưng rõ ràng họ phải tính toán rồi mới bỏ tiền ra “chạy” chứ! Tôi còn nghe thấy điều vô lí hơn nữa, là có cơ quan, doanh nghiệp nhà nước sau khi tuyển dụng nhân viên, người trúng tuyển còn bị gửi lương hằng tháng nữa.
Tức là, đều đặn anh kí bảng lương khoảng 3-4 triệu đồng nhưng thực tế anh chỉ nhận được 50% số tiền đó, số còn lại không biết rơi vào túi ai? Tuy nhiên, điều đáng báo động ở chỗ, những cán bộ, công chức được trúng tuyển “bằng tiền” sẽ tìm cách thu hồi vốn sớm nhất, sau đó với quan hệ cũ, đường dây cũ họ lại dùng tiền “chạy” tiếp vị trí cao hơn và một chu kì thu hồi vốn mới lại tiếp tục.
Tương ứng với mỗi vị trí khác nhau họ có những mánh khóe moi tiền một cách khác nhau, dẫn tới khuynh đảo các giá trị.
Ông Nguyễn Đình Hương, cựu Phó Trưởng ban Tổ chức TW. Ảnh: HL |
- Qua khảo sát, tôi thấy, không phải cứ có tiền là có thể trúng tuyển nếu không có chút quan hệ, hơn nữa nhiều người cho rằng cơ chế tuyển dụng và bổ nhiệm hiện nay đề cao quan hệ, nhất là “con cháu” các vị lãnh đạo?
- Đúng vậy. Chính vì việc tuyển dụng nặng mùi “tiền” như thế đòi hỏi phải có chút quan hệ nhằm bảo đảm việc “chạy chọt” được an toàn cho cả hai phía. Khi tôi cầm tiền của anh mà giải quyết được việc cũng không sợ anh nói ra nói vào, và ngược lại, nếu trong tình huống bất khả kháng việc chạy không trót lọt cũng dễ nhận được sự thông cảm hoặc chờ cơ hội tiếp theo.
Điều băn khoăn không kém là gần đây việc phân công, bổ nhiệm một số vị trí cũng có những lời đồn đoán, dị nghị. Tuy nhiên, từng làm công tác tổ chức nhiều năm nên tôi hiểu, không phải việc phân công, bổ nhiệm vị trí nào đó cũng nhận được sự đồng thuận cả. Việc xóa tan những đồn đoán, dị nghị đó, chỉ người được phân công, bổ nhiệm đó mới trả lời được với công luận bằng hành động của họ.
- Theo quan điểm cá nhân, ông đánh giá thế nào về phát biểu của ông Trần Trọng Dực?
- Theo tôi, ông Dực nói ra điều đó là rất đáng quý, nên biểu dương thay vì chỉ trích và gắn úp chụp cái mũ “trách nhiệm” cho ông ấy như một số người bày tỏ. Vì ông ấy đã chỉ ra cả vị trí thực hiện vai trò cầu nối giữa người “mua và bán”.
Dù rằng, ông Dực cũng là người có trách nhiệm một phần nếu để ngang nhiên xảy ra tình trạng đó, nhưng lời phát biểu của ông ấy bao hàm cả sự bất lực và trách nhiệm cao cả đối với xã hội.
Vì cá nhân ông Dực không thể giải quyết được tệ nạn đó. Tuy nhiên, ở vị trí của ông Dực không phải ai cũng dám nói ra được như thế. Quan trọng là tới đây lãnh đạo thành phố Hà Nội xem xét phát biểu của ông Dực ra sao và có ý kiến trước công luận thế nào về việc này?
- Từng làm công tác tổ chức nhiều năm, đã bao giờ có người biếu xén hoặc tặng quà trên mức tình cảm để ông giúp đỡ chưa?
- Có chứ, nhiều là khác. Nhưng tôi luôn vì cái đại cục mà bỏ qua những lợi lộc vật chất tầm thường. Tôi luôn tâm niệm làm công tác tổ chức cán bộ mà nặng tính cá nhân, sẽ gây bất bình với người có tự trọng, có tài, tạo cơ hội cho kẻ bất tài leo cao, chui sâu làm hỏng bộ máy nhà nước. Với tôi, cân gạo, củ lạc, túi khoai thì nhận, chứ những gì mang tính mua bán, đổi chác thì không bao giờ tôi nhận!
- Theo ông, muốn chấm dứt việc “chạy” công chức nói riêng, việc chạy chức, chạy quyền nói chung thì cần phải làm gì?
- Lúc chúng ta nói thừa thầy thiếu thợ, lúc lại thừa thợ thiếu thầy, chính vì không nghiên cứu sâu và có hoạch định cụ thể trong công tác tổ chức, cơ cấu bộ máy cho từng lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, cho nên không căn cứ vào nhu cầu công việc họ cứ tuyển ào ào. Bên cạnh đó là việc sắp xếp, bố trí cán bộ chưa phù hợp, nhiều người làm một việc thay vì có thể một người làm nhiều việc.
- Vậy, việc tuyển dụng người như vậy có hệ quả ra sao, thưa ông?
- Theo đánh giá sơ bộ, có tới 30% cán bộ, công chức hiện nay không làm được việc. Như vậy là rất đáng báo động. Bởi, khi bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả sẽ phát sinh những tiêu cực.
Cụ thể, anh không biết làm việc sẽ không dám chịu trách nhiệm với bất cứ việc gì, sẽ lúng túng khi giải quyết và hướng dẫn những vướng mắc về thủ tục cho công dân. Nhưng điều nguy hại hơn cả là từ chạy việc, chạy chức tạo ra sự thương mại hóa tất cả những cái khác, gây bất công trong xã hội.
- Theo ông, nếu điều cảnh báo của ông Trần Trọng Dực là sự thực thì giải quyết bằng cách nào?
- Tôi nghĩ, không chỉ riêng lĩnh vực thi tuyển cán bộ, công chức, tất cả các lĩnh vực khác đều phải công khai, minh bạch, trong quá trình thực hiện có sự giám sát của người dân và cơ quan báo chí.
Lâu nay chúng ta công khai thi tuyển nhưng không công khai rộng rãi, khi người dự tuyển biết, đến đăng kí thi thì đã hết hạn hoặc hồ sơ bị loại vì những khiếm khuyết vặt; hay như việc đấu thầu, phê duyệt các dự án đầu tư cũng thế.
Công khai chỉ nhằm hợp thức việc chỉ định thì chỉ tổ thêm chi phí và gây thất thoát lớn hơn cho xã hội. Qua lời cảnh báo của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, tôi hi vọng là tiếng chuông thức tỉnh không chỉ riêng với Hà Nội, mà còn cho cả Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước.
- Xin cảm ơn ông!
Theo GDVN