Chất lượng đào tạo tại Đại học Quốc gia TPHCM - Chuẩn hóa theo chương trình quốc tế

Thứ tư, 26/12/2012, 09:17
Năm 2013, ĐH Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM) là đơn vị tiên phong thí điểm đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học. Vì thế, ngoài đòi hỏi tư duy, phương pháp mới trong quản trị đại học, ĐHQG-HCM lấy chủ đề “tài chính đại học” làm trọng tâm.
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM trong
niềm vui ngày nhận bằng tốt nghiệp.

Chắt lọc tài năng

Là một trong những sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) vừa nhận bằng tốt nghiệp chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (gọi tắt là chương trình PFEV) loại giỏi, Phan Thế Hoàng cho biết, học chương trình liên kết đào tạo Việt-Pháp rất nặng và phải cố gắng mới đạt được kết quả cao. Nếu như sinh viên của ĐH Bách khoa chỉ học 4,5 năm thì chương trình liên kết Việt - Pháp kéo dài 5 năm và sinh viên phải học trên 140 tín chỉ.

Theo TS Trương Chí Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, tiêu chí đầu vào của chương trình này rất khắt khe, trong đó sinh viên trúng tuyển điểm cao nhất mới được chọn.

Bình quân, mỗi năm ĐH Bách khoa tuyển chọn khoảng 150 sinh viên để đào tạo nhưng tốt nghiệp ra trường chỉ còn khoảng 60 người. Nguyên nhân là do một phần sinh viên tìm được học bổng đi du học, số khác thì không theo kịp chương trình đào tạo nặng, đòi hỏi người học phải cố gắng nhiều mới đạt yêu cầu về chuẩn kiến thức lẫn trình độ ngoại ngữ.

Cụ thể, các tân kỹ sư chất lượng cao chương trình PFEV đều có 2 chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh: TOEFL 500 và tiếng Pháp: DELF B1. Đặc biệt, trong năm 2012, chiếm 56% trong tổng số sinh viên tốt nghiệp bảo vệ luận văn bằng tiếng Anh và tiếng Pháp trước hội đồng Pháp Việt và nhận được văn bằng phụ được Cộng đồng châu  công nhận.

Tương tự, chương trình kỹ sư - cử nhân tài năng của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TPHCM) cũng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo đạt chuẩn mực quốc tế của ĐHQG-HCM. Triển khai từ nhiều năm qua, đến nay trường đang đào tạo 6 ngành (toán - tin, vật lý, công nghệ thông tin, hóa học, điện tử - viễn thông) và mỗi ngành tuyển chọn bình quân 25 sinh viên có kết quả tuyển sinh cao.

Theo Hiệu phó Trường ĐH KH-TN, TS Nguyễn Kim Quang, chương trình này được đầu tư bài bản về đội ngũ giảng viên tuyển chọn, cơ sở vật chất hiện đại, phương pháp dạy- học tích cực và sinh viên được học nâng cao kiến thức chuyên môn, tham gia nghiên cứu khoa học, ưu tiên xét tuyển sau đại học nếu tốt nghiệp loại giỏi.

Vì thế, 70%-80% sinh viên học chương trình kỹ sư - cử nhân tài năng đều đạt học lực khá trở lên, tốt nghiệp loại xuất sắc. Không chỉ có cơ hội việc làm tốt, lương cao, nhiều SV còn nhận được học bổng du học hoặc được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy, nghiên cứu.

Đề án kỹ sư, cử nhân tài năng giai đoạn 2007 - 2011 đã kết thúc và ĐHQG-HCM đang dự thảo đề cương tiếp tục thực hiện cho giai đoạn sắp tới nhưng đổi mới hơn nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo và giảm chi phí đầu tư.

Đẩy mạnh liên kết quốc tế

Bên cạnh các chương trình đào tạo truyền thống đang được triển khai theo hướng đạt chuẩn quốc tế thông qua việc chuẩn hóa đầu ra, gắn với tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục, ĐHQG-HCM đẩy mạnh liên kết với đối tác là các trường đại học có uy tín, thương hiệu để phối hợp đào tạo nhiều chương trình quốc tế chất lượng cao.

Tính đến thời điểm này, ĐHQG-HCM đã thực hiện gần 60 chương trình liên kết với đối tác quốc tế, trong đó có nhiều chương trình nổi bật, tập trung đào tạo bậc sau đại học. Đó là chương trình phối hợp với UCLA đào tạo tiến sĩ Manar; Tập đoàn GE và ĐH Duke đào tạo thạc sĩ chính sách công về bảo vệ môi trường; Tập đoàn Eurecom đào tạo công nghệ thông tin - truyền thông (ICT)…

Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo đạt chuẩn mực chất lượng quốc tế, ĐHQG TPHCM tiên phong trong việc triển khai các mô hình, công nghệ mới trong giáo dục và đào tạo. Điển hình là việc tiên phong áp dụng phương pháp tiếp cận CDIO như một khung chuẩn để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao theo chuẩn quốc tế.

Sau 2 năm thí điểm 2 ngành với 5 chương trình đào tạo tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH KH-TN với khoảng 3.000 sinh viên thụ hưởng, ĐHQG-HCM đã làm chủ công nghệ đào tạo CDIO.

Để thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới chương trình đào tạo, khuyến khích quy trình đánh giá mới, ĐHQG-HCM đề xuất nhân rộng mô hình này và hình thành liên minh các trường triển khai đào tạo CDIO. Để sinh viên hội nhập nhanh với môi trường học tập tiên tiến, theo chuẩn quốc tế và trở thành công dân toàn cầu, ĐHQG-HCM và các trường thành viên tìm nhiều giải pháp nâng cao trình độ tiếng Anh cho họ.

So với tiến độ của đề án ngoại ngữ cấp quốc gia thì ĐHQG-HCM đã đi trước nhiều năm, trong đó đào tạo được đội ngũ giảng viên nòng cốt, thiết kế chương trình dạy tiếng Anh theo khung CEFR với 14 cấp độ và bắt đầu áp dụng chương trình tăng cường tiếng Anh từ năm 2013.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM cho rằng để hội nhanh với nền giáo dục ĐH tiên tiến trên thế giới thì cần phải mở thêm nhiều chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh.

Hiện nay, ĐHQG-HCM mới triển khai chương trình đào tạo tiên tiến (giảng dạy bằng tiếng Anh) cho 550 sinh viên. Và để tăng thêm con số này thì phải cấp bách bồi dưỡng, nâng cao trình độ tiếng Anh đạt chuẩn cho sinh viên để họ có thể lĩnh hội được kiến thức chuẩn.

Năm 2012 là năm thứ hai, ĐHQG-HCM thực hiện chiến phát triển giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu ĐHQG-HCM trở thành trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nòng cốt trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam với một số lĩnh vực hoạt động đạt chuẩn mực khu vực, quốc tế.

Từng bước khẳng định chất lượng đào tạo thông qua hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, hàng năm ĐHQG-HCM đã bồi dưỡng nhân tài và cung cấp cho đất nước nguồn nhân lực đạt chất lượng cao với con số 10.000 kỹ sư, cử nhân chất lượng cao, trên 1.500 thạc sĩ, 40 tiến sĩ.

Không những thế, ĐHQG còn tạo nguồn sinh viên giỏi cho các trường ĐH, tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, kỳ thi Olympic quốc tế về tin học, toán, vật lý, sinh học góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của VN trên trường quốc tế. Không ngừng vươn lên, chủ động đổi mới căn bản giáo dục đại học theo xu thế hội nhập quốc tế, ĐHQG-HCM vinh dự được xếp hạng 1 trong cả nước về chỉ tiêu xuất sắc vào tháng 6.2012 (theo báo cáo của SCImago Institutions Rankings).

Thế nhưng, thách thức đang ở phía trước và nói như Giám đốc Phan Thanh Bình thì đích đến của ĐHQG-HCM phải cao hơn xa hơn. Đó là đứng vào tốp các trường ĐH hàng đầu ở khu vực lẫn châu Á.


Theo SGGP

Các tin cũ hơn