Học sinh không được làm khác ?

Thứ tư, 02/01/2013, 14:14
Đôi khi do chính giáo viên quá “máy móc” nên dẫn đến tình trạng học sinh khó tiếp thu bài.  

Trong quá trình giúp con ôn tập chuẩn bị thi học kỳ vừa qua, nhiều phụ huynh phản ảnh cảm thấy hết sức xót xa khi con của họ chật vật với những bài toán buộc phải làm theo cách mà giáo viên (GV) hướng dẫn.

Trực tiếp hay gián tiếp ?

Theo sách giáo khoa hiện hành, các phép tính trong bài toán chia ở lớp 3 và 4 đi theo 2 phương pháp tạm gọi là trực tiếp và gián tiếp.

Khi học sinh (HS) thực hiện phép chia sẽ lấy số bị chia, chia cho số chia được kết quả. Lấy kết quả đó, nhân với số chia. Kết quả nhân được đặt dưới số bị chia, rồi trừ xuống.

Đây gọi là nôm na là phép chia kiểu trừ trực tiếp. Cách 2 là trừ gián tiếp. Nghĩa là, sau khi có kết quả, ta lấy kết quả nhân với số chia, được bao nhiêu thì lấy số bị chia trừ nhẩm. Kết quả còn lại bao nhiêu thì đặt dưới số bị chia.

Tuy nhiên, khi phụ huynh dạy con theo cách trực tiếp, các em không chịu và nằng nặc đòi làm theo kiểu gián tiếp với lý do cô giáo yêu cầu như vậy. Rất nhiều HS gặp khó khăn, tính toán sai nếu thực hiện theo cách chia gián tiếp, đặc biệt với những bài toán từ 3 chữ số trở lên.

Theo lý lẽ của các phụ huynh, HS tiểu học lần đầu tiên tiếp xúc với phép chia nên dạy theo phương pháp đơn giản và trực quan nhất. Sau đó, khi đã thuần thục có thể làm theo lối vắn tắt (gián tiếp) hoặc theo cách nào HS cảm thấy dễ thực hiện.

Đó là chưa kể, trong quá trình học, HS có những cách giải khác, nếu đúng GV cũng nên chấp thuận. Thế nhưng có phụ huynh đã gặp sự phản ứng của GV khi GV cho rằng gia đình phải phối hợp với nhà trường trong việc này để dạy theo đúng hướng dẫn của sách giáo khoa. Ban đầu HS có thể gặp khó khăn nhưng rồi sẽ vượt qua.

học sinh
Giáo viên cũng nên chấp nhận những cách giải sáng tạo của học sinh ở môn toán ngay từ bậc tiểu học (ảnh chỉ có tính chất minh họa) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Làm đúng kết quả là cho điểm

Chúng tôi đã tiếp xúc với một số chuyên viên phòng giáo dục, GV, hiệu trưởng trường tiểu học tại TP.HCM để tìm hiểu vấn đề.

Ông Cao Xuân Hùng, chuyên viên Phòng Giáo dục Q.3, cho rằng: “Bộ GD-ĐT đã ra nhiều văn bản nhằm hướng dẫn cách giảng dạy cho GV ở bậc tiểu học. Trong chương trình cũng như các văn bản, không yêu cầu HS giải cách một hay cách hai. Theo đó, GV tự linh động phương pháp tùy theo trình độ mỗi HS”.

Chuyên viên một phòng giáo dục khác tại TP.HCM cũng khẳng định phía ngành luôn có những buổi tập huấn cho GV. Trong các bài thi hoặc kiểm tra môn toán, nhất là phép chia, bất kể HS làm theo phương pháp nào, miễn ra đúng kết quả là cho điểm.

Theo phân tích của các chuyên gia, sách giáo khoa hiện hành hướng dẫn HS làm quen với phép chia (đặt tính trừ trực tiếp). Sau đó, nhằm nâng cao tư duy tính toán cho HS, các em sẽ bắt đầu tiến tới phương pháp chia (đặt trừ gián tiếp).

Các chuyên viên cho rằng những phương pháp được dạy theo một lộ trình khoa học. Chẳng hạn ở toán lớp 3, bài tập trang 36 yêu cầu HS thực hiện phép chia trong cùng một bảng cửu chương. Đến trang 40, ra dạng bài tập chia ngoài bảng cửu chương. Từ trang 40 đến 49 bắt đầu thực hiện phép chia trừ gián tiếp…

Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM, cho biết: “Phòng đều có triển khai phương pháp dạy cũng như cách cho điểm trong các phép toán. Và thực chất không yêu cầu HS phải làm duy nhất một phương pháp bất kỳ. Miễn đúng kết quả là cho điểm. Có thể, do quá trình vận dụng, GV hơi cứng nhắc theo sách giáo khoa nên xảy ra tình trạng như phụ huynh phản ánh”.

Một GV ở Q.5 cũng nhìn nhận: “Thường hằng năm, phòng đều có tập huấn và hướng dẫn về vấn đề này. Do vậy, GV thường căn cứ vào sách giáo khoa để giảng dạy. Còn chấm điểm thì dựa theo hướng dẫn của phòng. Ở bài thi, nếu HS tính đúng, bất kể phương pháp nào, đều phải đạt điểm”.

Lớp 1: Bài tập dạng điền số với hình thức như thế này rất khó để học sinh lớp 1 hiểu:


phép tinh

Lớp 3: Nên đưa bài dạy “Tìm số chia” xuống lớp 2 để HS lớp 2 dễ đối chiếu, so sánh cách tìm (với cách tìm số bị chia) vì HS thường nhầm lẫn tên gọi thành phần và cách tìm.

Lớp 2: Trong bài xem đồng hồ, do thói quen tính giờ trong thực tế đời sống thường khác với bài tập (ví dụ 1 giờ chiều thay cho 13 giờ) nên khoảng thời gian từ sau 13 giờ đến 24 giờ, HS khó hình dung.

HS gặp khó khăn khi thực hiện giải toán có lời văn, nhiều dạng giải toán khác nhau nhưng có dạng chỉ được luyện tập 1, 2 lần khiến HS khó nắm bắt cách giải và dễ nhầm lẫn.

Có một số nội dung kiến thức được đề cập thoáng qua như: gam, trung điểm, điểm ở giữa, hình tròn, HS học rồi quên vì ít vận dụng. Vì thế nên đưa nội dung này lên học ở lớp 4. Chuyển hẳn 7 đơn vị đo khối lượng xuống học ở lớp 3 vì HS đã học 7 đơn vị đo độ dài nên có thể tiếp thu, vận dụng được.

Lớp 4: Nội dung còn nặng với 6 chương ở lớp 4 trong khi lớp 5 chỉ có 5 chương. Vì vậy, cần điều chỉnh và phân bố nội dung để tránh gây tâm lý căng thẳng, nặng nề và chưa cảm thấy hứng thú của HS trong học toán.

Lớp 5: Một số nội dung kiến thức mới ở sách giáo khoa cần thêm thời gian để giáo viên tổ chức cho HS luyện tập khắc sâu kiến thức.

(Tổng hợp ý kiến từ các giáo viên tiểu học và chuyên gia)

Ý kiến:

Học sinh gặp khó khăn nếu đề mang tính đánh đố

“Việc ra đề kiểm tra định kỳ (hiện nay đa số đã phân cấp về trường tiểu học) đòi hỏi cán bộ quản lý chuyên môn phải bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng và thực hiện theo nội dung giảm tải, tránh tình trạng ra đề nằm ngoài chương trình giảng dạy.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có hiện tượng ra đề ngoài chương trình, nên HS gặp nhiều khó khăn trong lúc kiểm tra, thi học kỳ.  Nếu đề kiểm tra ở các trường còn mang tính đánh đố, HS sẽ gặp khó khăn khi làm bài kiểm tra, từ đó sẽ nảy sinh tâm lý đối phó. GV cũng sẽ cho bài tập khó, gây tâm lý quá tải cho HS và phụ huynh trong việc hướng dẫn con em”.

Cao Xuân Hùng
Chuyên viên Phòng Giáo dục Q.3, TP.HCM

Không nhất thiết làm đúng theo sách

“Thông thường, GV sẽ căn cứ vào sách giáo khoa để dạy. Nếu bài nào, sách yêu cầu dạy chia, đặt tính trừ trực tiếp hoặc gián tiếp, GV sẽ chỉ dẫn theo sách giáo khoa.

Nhưng về cách chấm điểm, không nhất thiết phải làm theo đúng phương pháp của sách thì mới cho điểm. Các em giải bằng phương pháp nào, kết quả đúng đều đạt điểm”.

Một GV tại huyện Bình Chánh

 

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn