"Chúng tôi có những biện pháp ứng phó sẵn sàng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết trong một cuộc họp báo hôm 15/1, khi một phóng viên báo Hong Kong hỏi ông, liệu Nhật Bản có nã súng cảnh cáo nếu máy bay Trung Quốc vi phạm không phận nước này không.
Theo Asahi Shimbun, những tuyên bố của ông Onodera nhằm mục đích cảnh báo Trung Quốc hành động trong tầm kiểm soát, bằng cách cho thấy lực lượng phòng vệ (SDF) sẽ đối phó như thế nào khi có sự vi phạm lãnh thổ.
Hôm qua, 16/1, đáp lại cảnh báo từ phía Nhật Bản, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho hay, Trung Quốc đang ở trong tình trạng báo động cao khi Nhật Bản làm leo thang căng thẳng.
Một máy bay Trung Quốc tại không phận phía trên Senkaku/Điếu Ngư ngày 13/12/2012 |
Ông Hồng cho rằng "việc các tàu và máy bay của Trung Quốc tuần tra trong vùng nước và không phận ở Điếu Ngư là nhiệm vụ bình thường nhằm thực hiện chủ quyền".
Trong khi đó, thiếu tướng quân đội Trung Quốc, Bành Quang Khiêm, tuyên bố trên truyền thông Trung Quốc rằng “Chỉ cần Nhật Bản bắn một phát đạn thì có nghĩa là Tokyo đã khai chiến. Trung Quốc sẽ không chờ đến phát đạn thứ hai mà lập tức phản công".
Tuyên bố này của vị tướng Trung Quốc đã tạo ra một làn sóng trong dư luận Trung Quốc. Phần lớn cộng đồng mạng nước này đều sục sôi tâm lý hiếu chiến, thậm chí còn có những bình luận khen ngợi tuyên bố của ông Bành hay kêu gọi "đáp trả bằng bom nguyên tử".
SDF từng nã súng cảnh cáo năm 1987, khi một máy bay giám sát điện tử Tu-16 của Liên bang Xô viết cũ vi phạm không phận Nhật Bản phía trên tỉnh Okinawa.
Luật của SDF cho phép Bộ trưởng Quốc phòng ra lệnh SDF buộc các máy bay nước ngoài xâm phạm không phận Nhật Bản phải hạ cánh hoặc rời khỏi khu vực này.
SDF vừa thiết lập các thủ tục trong nội bộ dành cho các phi công. Theo đó, ban đầu sẽ có phi công phát tín hiệu cảnh báo qua sóng vô tuyến, yêu cầu máy bay nước ngoài rời không phận Nhật Bản. Sau đó, các phi công sẽ gửi các tín hiệu trực quan bằng cách "vẫy" máy bay. Cuối cùng, nếu máy bay trên vẫn làm ngơ trước tín hiệu, họ sẽ bắn cảnh cáo.
Quan hệ Trung-Nhật xấu đi từ tháng 9 năm ngoái, khi Tokyo tuyên bố quốc hữu hóa ba trong số 5 đảo thuộc nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông.
Các tàu và máy bay Trung Quốc thời gian qua thường xuyên xuất hiện tại vùng nước và không phận quanh quần đảo hiện do Nhật Bản quản lý này, khiến Tokyo phải điều các chiến đấu cơ ra ngăn chặn.
Theo VNE