Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định về “Điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố” sẽ siết chặt quản lý đối với các loại hình kinh doanh, buôn bán thức ăn đường phố.
Thông tư 30 sẽ có hiệu lực từ ngày 20.1.2013. Hy vọng, bộ mặt về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thức ăn đường phố sẽ ngày càng đi vào nề nếp hơn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia ATVSTP, đối với một lượng lớn người buôn bán thức ăn đường phố dạng bán lưu động, thì không dễ quản và xử phạt.
Trao đổi với Thanh Niên Online, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Phó chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, cho biết ở TP.HCM hiện có hơn 28.000 điểm kinh doanh thức ăn đường phố (là những điểm bán cố định). Còn hàng rong, xe đẩy lưu động thì chưa thể thống kê.
Với những điểm bán thức ăn đường phố - bán trong nhà, hay bán ở lề đường (như xe bánh mì, phở…) nhưng cố định một chỗ thì phường, xã nắm được. Còn với hàng rong dạng gánh, bưng, hay xe đẩy di động nay đây mai đó thì chưa thể quản được.
Bởi những người buôn bán này thường từ các tỉnh, thành đến, họ luôn di chuyển - với “lực lượng” này thì việc dọn dẹp lòng lề đường còn khó, chứ nói gì đến việc quản lý về ATVSTP.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, đối với các điểm bán thức ăn đường phố cố định, lâu nay các phường xã, quận huyện của TP.HCM đã từng bước tiến hành tổ chức cho người bán đi tập huấn kiến thức ATVSTP, và có cấp giấy chứng nhận cho họ.
Ở ta, thức ăn đường phố quá phổ biến, trở thành nét văn hóa đặc thù, với số đông người sử dụng. Tuy nhiên, lâu nay do đời sống còn những khó khăn, nên việc mua bán, sử dụng thức ăn đường phố còn chưa đảm bảo ATVSTP. Vì vậy, chúng ta từng bước quản lý, tạo điều kiện để người bán, người mua ý thức hơn về đảm bảo ATVSTP.
|
Theo Thanhnien