|
Thông tin này được giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Khoa học và Xã hội Việt Nam cho biết tại hội nghị tổng kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2013, tổ chức ngày 17/1.
Theo giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, năm 2013, Viện sẽ đổi thành Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Đây là một bước ngoặt lịch sử trong lộ trình phát triển của Viện, là thành quả nỗ lực của các thế hệ cán bộ của Viện, là sự kiện hết sức có ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Viện, khẳng định vị thế của Viện trong hệ thống các cơ quan trực thuộc Chính phủ và các viện nghiên cứu của cả nước.
Để chuẩn bị cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chính thức đi vào hoạt động từ ngày 22/2, các đơn vị trực thuộc rà soát lại nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị, nỗ lực hoàn thành các công việc được giao, chuẩn bị tốt và đồng bộ các công việc hành chính liên quan đến việc đổi tên Viện.
Trong năm 2013, Viện cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình nghiên cứu tổng thể về Gia đình trong giai đoạn công nghiệp hoá và hiện đại hóa đất nước, thực hiện đúng tiến độ Đề án khai quật khảo cổ đối với khu vực công trình nhà Quốc hội.
Trong năm 2012, Viện đã thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ gồm Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên,” “Nghiên cứu tổng thể tư liệu về Hoàng Sa và Trường Sa.”
Viện cũng chỉ đạo tiếp tục triển khai và bàn giao theo lộ trình dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, bảo quản và phát huy giá trị di tích Hoàng thành Thăng Long,” dự án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội”... đồng thời hoàn thành 29 Chương trình cấp bộ và 49 đề tài thuộc các chương trình Tây Nguyên 3, Chương trình Nghị định thư, Quỹ Nafosted…
Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng Viện Khoa học xã hội Việt Nam trở thành Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam theo Nghị định số 109/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là dấu mốc khẳng định vị thế, tầm nghiên cứu cơ bản và chiến lược của Viện.
Nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những kết quả hoạt động trong năm 2012 của Viện Khoa học xã hội Việt Nam, ông Đinh Thế Huynh nêu rõ, Viện đã tập trung sức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác theo phương châm “Kỷ cương - trách nhiệm - chất lượng - hiệu quả.”
Đánh giá cao những nỗ lực của Viện trong đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và công tác tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh đây là những nhiệm vụ chính của Viện Khoa học xã hội Việt Nam và cũng là trách nhiệm của các nhà khoa học xã hội Việt Nam với phương châm nghiên cứu cơ bản phải xuất phát từ thực tiễn, tổng kết các vấn đề thực tiễn phát triển thành lý luận.
Đồng thời đưa các kết quả nghiên cứu cơ bản vào kiểm chứng qua thực tiễn, góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Viện đã tham gia tư vấn cho Đảng và Nhà nước về nhiều vấn đề lý luận, cũng như tư vấn cho Quốc hội và Chính phủ trong việc xây dựng và thẩm định nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, góp phần tích cực vào việc tổng kết, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và trở thành một địa chỉ tư vấn có uy tín đối với nhiều bộ, ngành và địa phương trong cả nước...
Ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh, để có được những thành tựu và chuyển biến tích cực trong năm qua, một nhân tố rất quan trọng là có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng ủy và các cấp ủy trực thuộc của Viện.
Tổ chức Đảng phấn đấu làm tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo đơn vị về chính trị, tư tưởng, nắm chắc công tác tổ chức, cán bộ; triển khai kịp thời các nghị quyết và chỉ đạo của cấp trên, triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,” đoàn kết, tập hợp được sức mạnh của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong Viện, đề cao kỷ cương, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2012.
Tuy nhiên, ông Đinh Thế Huynh cũng chỉ ra những hạn chế mà Viện cần khắc phục để nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học, chất lượng và hiệu quả công tác tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước, xây dựng đội ngũ các nhà khoa học nồng nàn yêu nước, vững vàng về bản lĩnh chính trị, uyên thâm về trình độ chuyên môn, ngang tầm với chức năng nhiệm vụ và vị trí của một Viện Hàn lâm khoa học xã hội.
Xác định năm 2013 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và cũng là năm có sự kiện lịch sử quan trọng - kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập Ban Sử - Địa - Văn - tiền thân của Viện Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay, ông Đinh Thế Huynh yêu cầu Viện Khoa học xã hội Việt Nam tập trung kiện toàn tổ chức của Viện theo tinh thần Nghị định 109/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, nhất là gắn giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu triển khai, thực hiện tốt chức năng tư vấn chính sách và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội.
Viện cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận chính trị, tổng kết và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận mới về chủ nghĩa xã hội, những nhận thức mới về đặc điểm của thời đại ngày nay; tham gia nghiên cứu tổng kết thực tiễn 30 năm đổi mới ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, tiếp tục làm rõ đặc trưng và phương thức đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam giai đoạn tới; cần đề xuất rõ hệ tiêu chí về một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và nước công nghiệp hiện đại đến giữa thế kỷ XXI.
Cùng với làm sâu sắc hơn cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển bền vững, về đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nghiên cứu về đổi mới thể chế phát triển, Viện nghiên cứu làm sâu sắc hơn các vấn đề về đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phát triển văn hóa, xã hội, con người, phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam trong bối cảnh mới.
Viện tiếp tục nghiên cứu, góp phần làm rõ 8 mối quan hệ cơ bản mà Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ ra.
Đồng thời tham gia tích cực vào việc chắt lọc các kết quả nghiên cứu cùng Hội đồng lý luận Trung ương xây dựng cơ sở dữ liệu về khoa học xã hội nói chung, về nghiên cứu lý luận chính trị nói riêng, góp phần nâng cao hiệu quả tư vấn của Hội đồng lý luận Trung ương cho Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đúng tầm của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam - cơ quan nghiên cứu hàng đầu về khoa học xã hội của đất nước.
Theo Vietnam+