“Nếu ai hỏi chuyện gì khiến gia đình tôi đau đầu nhất trong những ngày năm hết tết đến này thì tôi có thể trả lời ngay tắp lự, không mất một giây suy nghĩ: chuyện giúp việc” – chị Nguyễn Thanh Hoa (Giảng Võ, Hà Nội) bức xúc kể chuyện.
Về sớm, lên muộn, trốn, bỏ việc....
Gia đình chị Hoa có thâm niên thuê giúp việc vì công việc của anh chị đều phải đi nhiều. Ông bà ngoại thì vẫn công tác, ông bà nội định cư ở nước ngoài đã nhiều năm, chị lại còn sinh đôi ngay lần đầu. Bởi thế, 10 năm cưới nhau, 9 năm làm bố mẹ, vợ chồng chị luôn coi giúp việc như một cứu cánh, một thành tố không thể thiếu của đời sống gia đình.
Biết vậy, nên khi thuê được người giúp việc nào, anh chị cũng rất biệt đãi, tôn trọng, từ chế độ lương thưởng đến cách ứng xử, đối đáp hàng ngày; chỉ có duy nhất vất vả hơn nhà khác là nhà có hai đứa sinh đôi. Thế mà, chả hiểu vì sao, nhà chị mãi vẫn chưa có duyên gặp được một giúp việc chung thuỷ như mong muốn của chị.
Chị Hoa thở dài kể: “Ngày thường thì không sao, nhưng cứ đến gần Tết là nhà mình loạn lên. 10 năm rồi, thay đến hàng chục osin mà vẫn chưa có ai trụ nổi đến năm thứ hai, cứ Tết xong là đi đâu mất tăm mất tích hết”.
Ảnh minh hoạ |
Chị Hoa bảo, vợ chồng chị khá dễ tính nên osin nhà chị cũng được thể lấn tới. Già có, trung có, trẻ có, nhưng osin thời nay biết “giá” của mình nên rất kiêu. Khi năm hết tết đến thì thôi, đúng vào mùa, nên các “ngài” càng chảnh.
10 người như một, cứ đầu tháng 12 âm là đã rậm rịch lên kế hoạch nghỉ ngơi, khen thưởng, còn hơn chị đi làm nhà nước. Các nàng ấy cũng có hội, có phường, toàn hẹn hò nhau xin nghỉ từ 20 âm trong khi chủ nhà thì năm nào đi làm cũng 27-28 mới được nghỉ.
Thôi thì nịnh nọt, hứa hót đủ điều, nhưng có người nào “biết điều” nhất thì cũng chỉ ở được đến 25, ai cũng lý do cả năm đi làm, cho về sớm mấy ngày lo Tết. Thế là cứ một tuần trước Tết, năm nào cũng như năm nào, nhà chị Hoa loạn lên chuyện con cái, hôm nào còn đi học thì gửi cô giáo, đến lúc con cũng nghỉ Tết thì vợ chồng chia nhau mỗi người mang một đứa lên cơ quan.
Đến ngày bố mẹ cũng được nghỉ thì è lưng ra dọn nhà chuẩn bị đón Tết, mệt phờ lại thường phải giải quyết các mâu thuẫn của đôi nhóc kia, thế nên năm nào vợ chồng chị cũng đón Tết với cả giác mỏi rã rời, bực mình, ức chế, “phí công mang tiếng có osin...”
Nhưng đâu chỉ có chuyện về sớm. Tết, đồng nghĩa giúp việc sẽ lên muộn. Dù năm nào cũng thoả thuận ngày vợ chồng chị đi làm là giúp việc phải lên, nhưng người quê, tháng giêng là tháng ăn chơi, đủ loại hội hè, nên cứ sớm thì phải ngoài rằm, còn muộn thì hết tháng giêng. Chưa kể đến chuyện các osin đua nhau trốn, nghỉ việc vì lương thưởng thì đã lĩnh hết, nên cứ sau Tết là chị Hoa lại quay cuồng tìm giúp việc mới.
Chị bảo: “đôi lần, mình định giữ lại lương thưởng của giúp việc, nhưng nghĩ không đành, người ta đi làm cũng như mình, cả năm chỉ trông khoản Tết. Hơn nữa, người ta đã chẳng mặn mà với nhà mình, vì bị ép, thì có quay lên cũng chẳng nhiệt tình gì”.
Xin thưởng, đòi tăng lương, ép chế độ...
Đấy là câu chuyện với những osin Tết xong là dứt áo ra đi, mà theo chị Hoa, chủ yếu là các em còn trẻ, chưa chồng, xác định đi làm một đôi năm kiếm chút ít vốn liếng.
10 năm qua, Tết, điều nhức đầu nhất với nhà mình chính là chuyện osin - chị Hoa chia sẻ |
Còn với những giúp việc là các bác trung niên lỡ làng, hay các bác đã con cháu đề huề nhưng gia cảnh khó khăn quá phải đỡ chồng nuôi con, thì Tết lại là cơ hội để họ “chảnh”, “bắt nạt chủ” theo kiểu khác.
Chị Hoa nhớ nhất là một bác giúp việc người Thái Bình, không chồng, có một đứa con học đại học nên bỏ quê theo con ra phố, đi làm giúp việc nuôi con. Thấy cảnh ấy, mong muốn bác ở nhà mình làm việc lâu dài, hơn nữa cũng biết nhà mình chăm hai đứa trẻ vất vả nên chị đã trả lương bác gấp rưỡi những nhà xung quanh.
Cứ tưởng mình quý người thì người quý mình, thế mà cuối năm, vợ chồng chị còn chưa biết mình sẽ được thưởng thế nào, bác giúp việc đã bày tỏ mong muốn “được thưởng một tháng lương” (nghĩa là gấp rưỡi lương cơ bản của chị). Ngẫm đi ngẫm lại, chị đồng ý, thì bác lại tiếp diễn bằng bài ca “sắp sang năm mới rồi, cháu xem tăng lương cho bác chứ nuôi em nó càng ngày càng tốn kém” khiến chị ngã ngửa.
Chị bảo, tăng nữa thì thà nuôi hẳn hai giúp việc, mỗi người một nhiệm vụ còn đỡ hơn. Thấy chị nói căng, bác lại xuống nước, thì thôi, cô tăng cho bác một tí, gọi là... cuối cùng, cực chẳng đã, lại nghĩ cảnh tìm giúp việc mới cũng oải, chị đành tăng.
Không đòi được lương như ý, bác giúp việc mang thằng con ra để “mơi” tiếp nhà chủ. Nào thì đến chào Tết về để cô chú cho tí quà, nào thì đầu năm lên chúc Tết để cô chú mừng tuổi, nào thì sắp thi học kỳ phải phụ đạo nhiều, nhờ cô chú thương.... cuối cùng không chịu nổi cái kiểu thực dụng ấy, chị Hoa đành phải “đưa bác về nơi cũ” sau 1.5 năm hy vọng.
Năm vừa qua, giúp việc nhà chị lần đầu tiên đồng ý ở lại ăn Tết. Chị cũng thưởng hẳn một tháng lương, mua quần áo mới, lại còn chuẩn bị lì xì đầy đủ. Vậy mà, đêm giao thừa, khi đang cùng chị làm cơm cúng, bác giúp việc thẳng thừng “Tôi làm tết, chị phải có chế độ cho tôi đấy. Tôi thấy mấy bà hàng xóm nhà chị bảo, người đi làm nhà nước như các chị nếu đi làm tết là lương được hưởng những 300%, chị xem trả tôi hợp lý nhé”.
Dù ấm ức lắm nhưng chị cũng phải rút túi trả tiền cho khỏi mất dông năm mới và quyết định cất luôn bao lì xì không mừng tuổi nữa. Thế là được ít ngày sau tết, có người giới thiệu cho chỗ làm mới, bác giúp việc xách túi đi ngay, với lý do “nhà chị kẹt quá”!
10 cái Tết đã qua, 9 đời giúp việc, năm nay nhà chị Hoa đã sử dụng dịch vụ của công ty môi giới việc làm. Tết này, nhà chị cũng thuê luôn của họ, chị bảo, đỡ mệt, đỡ đau đầu, vì osin của các công ty này chuyên nghiệp hơn, ít “chảnh” hơn, mình trả nhiều tiền hơn một chút ngay từ đầu, nhưng khỏi phải ấm ức, khó chịu, khỏi bị rơi vào tình thế bất ngờ không xoay sở kịp, để Tết vui không thành Tết chán chỉ vì ba từ người-giúp-việc nữa.
Theo Kienthuc