Tận mắt "công nghệ bơm nước" tăng cân cho gà ở Hà Nội

Thứ ba, 22/01/2013, 10:46
Không còn sản xuất pháo nổ, một số người dân làng Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội) hiện nay bất ngờ chuyển sang làm “gà bơm nước” để thu lợi bất chính…

“Bí mật” rợn người đằng sau những ngôi nhà cao tầng

Từ khi chỉ thị cấm, sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ của Thủ tướng Chính phủ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/1995, người dân làng làm pháo nổ truyền thống một thời ở Bình Đà đã chính thức chuyển nghề đồng loạt.

Thời gian đầu, cuộc sống của người dân làng Bình Đà thuở nào còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cái khó “ló” cái khôn, một số người dân Bình Đà hiện nay đã có một “ngón nghề” mới để làm giàu và sống rất sung túc.

Về làng pháo Bình Đà, chúng ta không còn được ngửi cái mùi thuốc pháo đặc trưng, không còn thấy xác pháo nổ đỏ đường ra ngõ vào những ngày Tết mà thay vào đó mùi của… lông gà, lông vịt.

Sở dĩ làng Bình Đà bỗng có mùi đặc trưng như vậy là vì nhiều hộ ở làng Bình Đã đã chuyển nghề làm pháo nổ sang buôn bán thịt gia cầm vào trong nội thành Hà Nội rất nhiều. Trong đó đặc biệt là thịt gà. Cũng nhờ cái nghề này mà rất nhiều nhà đã xây được nhà cửa rất khang trang và có cuộc sống khấm khá từ khi bỏ nghề làm pháo nổ nguy hiểm.

thit ga

Loại xi lanh to đùng dùng để bơm nước vào gà.

Tuy nhiên, sau những ngôi nhà cao tầng, biệt thự san sát đang mọc lên ầm ầm trong làng Bình Đà là một “bí mật” mà những người ở làng khác liền kề Bình Đà cũng không hề hay biết. “Bí mật” ấy theo tìm hiểu của phóng viên chính là “bảo bối” giúp nhiều hộ dân ở Bình Đà “thay da, đổi thịt” vô cùng nhanh chóng…

Trong vai những người đi tìm mối hàng gia cầm bán trong nội thành Hà Nội, chúng tôi có mặt tại làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai trong một buổi chiều đông rét mướt.

Lòng vòng trong làng Bình Đà, đi đến đâu, người dân trong làng đều nhìn chúng tôi với những ánh mắt dò xét đầy cảnh giác như những “sinh vật lạ”. Sau một hồi đi tìm hiểu dò hỏi khắp làng không thành công, chúng tôi quyết định quay ra đầu làng Bình Đà, nơi có rất nhiều ô tô chở gà đỗ. Sau vài câu hỏi thăm chúng tôi gặp một người đàn ông khoảng ngoài 30 tuổi đang ngồi trên chiếc xe ba gác đứng đợi lấy lòng gà về để làm.

Sau khi trình bày “nguyện vọng” của mình là muốn tìm mối hàng để cung cấp cho một số quán phở gà trên Hà Nội, rất may người đàn ông này đã “giúp đỡ” chúng tôi đạt được “sở nguyện”… lật tẩy “bí mật” làm giàu bất thường của một số hộ dân ở làng Bình Đà nhờ vào con gà mía kia.

Chẳng mảy may nghi ngờ, người đàn ông trạc 30 tuổi mắt sáng rực vì kiếm được mối hàng mới ngoài Hà Nội. Ngay lập tức chúng tôi được mời về nhà sau khi đợi anh ta bốc một xe ba gác đầy lòng gà từ chiếc ô tô tải cỡ nhỏ.

Vạch trần công nghệ “thổi gà” bằng nước lã

Theo sau chiếc xe ba gác chất đầy lòng gà của người đàn ông vừa mới làm quen, chúng tôi chạy lòng vòng qua các con ngõ nhỏ. Đường làng đâu đâu cũng thấy nước thải đen ngòm, và lông gà lông vịt vương vãi khắp nơi bốc mùi hôi đặc trưng.

Trên chiếc xe ba gác, nước lòng gà từ trong túi nilon chảy tong tỏng, rỉ ra liên tục có màu đỏ nhạt của tiết gà pha lẫn nước bẩn rơi xuống đường tạo thành từng vệt dài loằng ngoằng.

Chẳng mấy chốc, ngôi nhà khang trang của người người đàn ông kia hiện ra trước mắt chúng tôi. Vào được nhà người đàn ông chở lòng mề gà, chúng tôi nói rõ ràng hơn mục đích “đi buôn” của mình. Tuy nhiên, chuyến đi của chúng tôi suýt chút nữa là về tay trắng khi “chủ nhà” xác nhận không còn… con gà mía nào trong chuồng để “biểu diễn” bơm nước lã vào gà.

Hi vọng của chúng tôi tưởng như đã sụp đổ hoàn toàn nhưng sau khi “năn nỉ, trình bày” một hồi, không hiểu sao người đàn ông kia bỗng đổi ý dù nhà hết gà nhưng sẽ dùng các dụng cụ, thiết bị hàng ngày vẫn dùng để bơm gà đi bán để… “làm mẫu” cho chúng tôi mang về Hà Nội xem. Với điều kiện là chúng tôi phải đi tìm mua được đúng loại gà mía.

Chúng tôi quyết định sẽ đi mua gà mía về để cho người đàn ông kia “xử lý” theo đúng “quy chuẩn”. Trước khi chúng tôi đi mua gà, người đàn ông kia dặn dò rất “cẩn thận” là đi mua đúng gà mía là tốt nhất.

Lý giải nhanh cho chúng tôi đang “mắt tròn, mắt dẹt”, người đàn ông cho biết, trong thời gian gần đây do nhà nước xiết chặt việc nhập khẩu gà mía có xuất xứ Trung Quốc nên loại gà mía có giá rẻ chỉ bằng một nửa giá gà trong nước này ngày một khan hiếm. Tuy nhiên, loại gà mía này lại rất thích hợp để sử dụng “tuyệt chiêu” bơm nước lã vào trong thịt tăng trọng lượng mang đi bán để lừa người mua hàng.

thit ga

Bơm vào đến đâu con gà mía gày nhẳng ban đầu bông "béo" lên cực nhanh.

Di chuyển ra khỏi làng Bình Đà, cách đó vài km, cuối cùng chúng tôi mới gặp được người bán gà mía trong một phiên chợ chiều. Người bán gà hét với giá 105 ngàn 1kg. Cực chẳng đã, chúng tôi đành mua một cặp rồi quay lại nhà người đàn ông ở làng Bình Đà để làm lông hai chú gà chờ được “thổi cân nặng” theo ý muốn của chúng tôi.

Người đàn ông là chủ nhà chuyên buôn gà bơm nước sau khi đã làm sạch lông hai còn gà cho chúng tôi còn tiết lộ nhà anh ta có hẳn một chiếc máy chuyên bơm nước hàng loạt cho gà hàng đêm. Nhưng “bảo bối” của nhà anh ta hôm nay đã cho ông em mượn nên anh ta phải chạy đi đòi về. Chúng tôi ngồi đợi anh ta đi lấy mái bơm nước cho gà trong sự hồi hộp…

Sau vài phút, người đàn ông quay về với một chiếc xi lanh rất to trên tay. Anh ta cho biết: “Anh đi lấy máy mà không được, thằng em không có nhà. Nhưng chú yên tâm, anh sẽ bơm thủ công cho chú thấy. Tuy bơm bằng xi lanh hơi lâu nhưng chất lượng không kém gì bơm máy đâu !”.

Trước khi bơm nước vào chú gà mía đã được làm sạch lông, người đàn ông đặt con gà đã làm sạch lên bàn cân, kim của cân đồng hồ chỉ trọng lượng 1,15 kg. Người đàn ông bắt đầu quá trình “phù phép” bơm nước vào gà trong sự ngỡ ngàng của chúng tôi.

ga bom nuoc

Xi lanh có lẽ chỉ dùng để tiêm... trâu dùng để bơm nước vào con gà mía bé xíu.

Anh ta cầm chiếc xi lanh rất to có lẽ chỉ dùng để “tiêm trâu”, đi ra sân giếng khoan thọc đầu kim tiêm xuống chậu nước lã vừa lấy ra từ trên bể nước, hút đầy một xi lanh nước rồi cầm con gà trên tay cực thuần thục. Chẳng để chúng tôi phải đợi lâu, người đàn ông cắm đầu kim vào lườn con gà rồi bắt đầu bơm. Nguồn nước từ xi lanh cứ thế đi theo đầu mũi kim rồi vào lườn con gà.

Chỉ chưa đầy vài chục giây, “phép màu” đã xuất hiện trước mặt chúng tôi. Nếu không tận mắt nhìn thấy, có lẽ chúng tôi không bao giờ tưởng tượng ra cảnh lườn của chú gà mía gày khẳng khiu sau khi làm sạch lông bỗng nhiên căng phồng lên như được thổi hơi theo nhịp đẩy xi lanh của người đàn ông.

Hết một xi lanh nước giếng khoan đầu tiên, một bên lườn con gà đã “béo lên” trông thấy. Tiếp tục xi lanh nước thứ hai vào lườn bên kia, con gà béo một cách cân đối hơn. Chưa dừng lại ở đó, người đàn ông tiếp tục “thổi” con gà mía gày nhẳng ban đầu thành múp míp với… bốn xi lanh nước nữa.

Lúc này, con gà được đặt lại lên bàn cân, lúc nãy nó đã nặng lên 1.4 kg sau khi bơm nước. Người đàn ông này cho biết con gà có thể lên đến 1,5 kg nếu bơm thêm nước.

Theo tính toán của người đàn ông kia, trung bình mỗi một con gà mía đã được bơm nước, người buôn gà thịt có lời thêm từ 0,2 kg đến 0.4 kg so với khối lượng thực tế của con gà.

Như vậy, với giá gà chúng tôi mua là 105 nghìn/1kg, người buôn gà lãi trung bình 30 nghìn đồng tiền… “nước giếng khoan” được bơm vào con gà, cộng với tiền công làm gà mang đi bán ngoài Hà Nội, có khi lãi đã bằng nửa giá trị con gà ban đầu.

thit ga

Với vài xi lanh nước giếng, những người buôn "gà bơm nước" ở làng pháo Bình Đà mỗi buổi chợ đều lãi lớn nếu bán được hàng khi bán ngoài Hà Nội. Với số tiền thu lợi từ việc gian lận như vậy, nhiều hộ dân đi bán gà bơm nước ở Bình Đà đã xây được nhà lầu dễ dàng.

Thấy chúng tôi có vẻ như chưa hài lòng về độ “đẹp mã” của con gà mía đã được “thổi phồng” lên toàn nước, người đàn ông kia giải thích rất “tận tình”: “Một con gà để có thể tận dụng tối đa khi bơm nước vào thì con gà đó không được quá gầy, mà hai bên sườn và đùi phải có nhiều thịt, như thế khi bơm nước vào sẽ chứa được nhiều hơn, nhìn con gà ngon hơn nhiều”.

Quả thực, cầm trên tay hai con gà mía, một con đã được bơm nước giếng khoan căng phồng, một con chưa được bơm, nếu không biết chắc chắn ai cũng chọn mua con gà mía béo tốt nhưng chứa đầy nước giếng khoan kia về ăn.

Cũng là một người thường xuyên ăn thịt gà, trong đầu chúng tôi bất giác tự hỏi, không hiểu trong các chợ đầu mối nội thành Hà Nội, có bao nhiêu con gà màu da vàng ươm béo tốt vẫn nằm trên bàn hàng ngày được vỗ béo bằng nước lã.

Có lẽ chỉ có “trời” mới biết được số lượng đó là bao nhiêu vì không phải ai cũng có đủ kinh nghiệm để phát hiện ra mình bị móc túi ngọt xớt nếu mua phải gà bơm nước. Đó là chưa kể đến chuyện những kẻ bán gà kia đã bơm loại nước gì vào con gà thành bóng nhẫy như vậy.

Theo GDVN

Các tin cũ hơn