"Bài thơ" nhậm chức của Barack Obama

Thứ bảy, 26/01/2013, 08:43
Giới phân tích nhận xét, bài diễn văn nhậm chức của ông Obama có sức hấp dẫn và giọng điệu như một bài thơ.

Nội chiến chính trị

Trong điều kiện nước Mỹ bộn bề khó khăn cả trong đối nội lần đối ngoại,  Tổng thống Obama một lần nữa kêu gọi mọi người đoàn kết và chấm dứt tình trạng chia rẽ đảng phái để hóa giải nhiều vấn đề quốc nội. Ông nhấn mạnh đặc trưng của nước Mỹ là một hợp chủng quốc, không phân biệt màu da, tôn giáo, ai cũng có quyền lợi và trách nhiệm.

Để khơi dậy tinh thần yêu nước, Tổng thống Obama nhắc lại các "giá trị Mỹ"  như "quyền của người dân có cuộc sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc".
 
Ông nhấn mạnh, nước Mỹ cần thích nghi với các thách thức mới để mọi công dân đều được bảo đảm về an ninh và phẩm giá. Nước Mỹ sẽ "không có hòa bình lâu bền" trong một thế giới có "chiến tranh triền miên", do đó, ông nhắc lại quan điểm của Washington là "sẽ ủng hộ dân chủ trên khắp thế giới".

barrack obama
 
Giới phân tích cho rằng, chính trường nước Mỹ trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Obama sẽ tiếp tục bị chế ngự bởi những vụ đối đầu gay gắt giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Đây sẽ "cuộc nội chiến chính trị" kịch liệt trong 4 năm tới đây.
 
Tờ "The Guardian" của Anh bình luận: Kịch tính trong "cuộc nội chiến chính trị" ở Mỹ xuất phát từ cuộc chiến mang tính truyền thống giữa các đảng phái chính trị ở Mỹ, nhưng chính ông Barack Obama là người khơi mào cuộc chiến đó bởi ông cũng là người "đã thẳng tay xé nát các đối thủ chính trị của mình".

Tuy trong bài diễn văn Tổng thống Mỹ Barack Obama không đề cập nhiều tới chính sách đối ngoại, nhưng giới phân tích cho rằng, trong nhiệm kỳ 2 của ông Obama, mục tiêu chiến lược toàn cầu của Mỹ vẫn sẽ không thay đổi. Đó là giành ưu thế toàn diện cả về chính trị, kinh tế và quân sự trước bất kỳ đối thủ tiềm tàng nào, ở bất kỳ đâu trên thế giới để giành và giữ vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ.

Để thực hiện mục tiêu đó, nước Mỹ phải mạnh. Còn hiện nay, nước Mỹ đang gặp khó khăn bộn bề trong nước mà để khắc phục những khó khăn đó, trước hết về kinh tế, Mỹ lại phải tiếp tục giữa vai trò lãnh đạo thế giới. Đây là bài toán khó nhất đối với Tổng thống Obama và cũng là bài toán mà chưa một Tổng thống Mỹ nào gặp phải.

Trở lại châu Á

Trong nhiệm kỳ 2, Tổng thống Obama sẽ xúc tiến thực hiện chủ trương chuyển trọng tâm chiến lược tới châu Á - Thái Bình Dương cả về kinh tế, chính trị và quân sự. Sau khi rút quân khỏi Trung Đông và Afghanistan, có thể Mỹ sẽ triển khai bố trí thế trận chiến lược tại châu Á trong bối cảnh các đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực này muốn Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực để tái cân bằng sức mạnh đang có xu hướng nghiêng về một số nước, đe dọa hòa bình và ổn định tại đây.

Lợi ích kinh tế là nguyên nhân chủ yếu khiến Mỹ thực hiện chính sách "trở lại châu Á" vì ASEAN và các đối tác khác trong khu vực có thể mang lại cho Mỹ hàng triệu việc làm và là thị trường tiêu thụ hàng hóa công nghệ cao. Do đó, trong quan hệ với Trung Quốc, Mỹ sẽ thực hiện chính sách vừa hợp tác vừa cạnh tranh.

Hiệp hội "Heritage Foundation", một cơ quan tham vấn có uy tín tại Mỹ, đã nêu bật một số điểm thiết yếu trong chính sách châu Á của Mỹ trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
 
Đó là: (1) thách thức ngày ngày mạnh đến từ Trung Quốc; (2) mối đe dọa đến từ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên; (3) thế liên kết chặt chẽ giữa các đồng minh châu Á của Mỹ với nhau và với Mỹ; (4) khả năng bất ổn định tại một số trước trong khu vực, trước hết là ở Trung Quốc và Triều Tiên.

Do đó, chiến lược đối ngoại của Tổng thống Obama sẽ là vừa tăng cường và củng cố các mối quan hệ liên minh truyền thống, vừa tạo dựng và phát triển quan hệ đối tác mới, kể cả quan hệ đối tác chiến lược. Điều này đã từng được thể hiện trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử tới ba nước Đông Nam Á là Thái Lan, Myanmar và Campuchia.
 
Theo Kiến Thức

Các tin cũ hơn