Dự thảo nghị định thanh toán bằng tiền mặt: Làm khó vùng nông thôn

Thứ tư, 30/01/2013, 07:55
 Việc thanh toán bằng tiền mặt đã là thói quen bao đời nay của người Việt Nam. Nếu Ngân hàng Nhà nước hạn chế sử dụng điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho đời sống, sản xuất, nhất là ở khu vực nông thôn.

Chỉ nên áp dụng ở thành phố

Dự thảo nghị định thanh toán bằng tiền mặt đang được đưa ra lấy ý kiến quy định. Theo đó, mọi người dân không được dùng tiền mặt thanh toán cho giao dịch mua, bán, chuyển nhượng chứng khoán, ô tô, bất động sản, xe máy, xe điện vượt hạn mức. Mục đích quy định này nhằm phòng, chống tình trạng tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền, tiền giả...

Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều chuyên gia và người dân, dự thảo nghị định đang gây khó cho người dân, nhất là người dân khu vực nông thôn.

bat dong san

Các cột ATM sẽ trở nên quá tải khi thực hiện việc giao dịch không bằng tiền mặt.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nêu quan điểm: Theo nghị định này, giao dịch mua xe máy chừng mười mấy triệu cũng phải thực hiện qua ngân hàng. Vậy những người ở vùng sâu, vùng xa với hệ thống ngân hàng còn "mỏng", họ biết ra ngân hàng nào.

"Ở các nước đã phát triển, người dân quen với thanh toán qua tài khoản hàng chục năm nay. Ví như ở Mỹ, hiện chỉ khoảng 1% thanh toán bằng tiền, còn lại thanh toán qua thẻ tín dụng hay ngân hàng. Nhưng họ đã tổ chức hệ thống ngân hàng hơn 200 năm nay, áp dụng thanh toán qua ngân hàng cũng đã (tới) hơn 100 năm. Ở Việt Nam khó có thể áp dụng ngay được" - chuyên gia Bùi Kiến Thành nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bùi Kiến Thành, ai cũng hiểu giải pháp thanh toán qua ngân hàng, hạn chế sử dụng tiền mặt là tốt, nhưng có lẽ thuận lợi cho người dân đô thị hơn. Ở thành phố ra ngõ là gặp ngân hàng, nhưng ở nông thôn ít ai có tài khoản ngân hàng và ngân hàng nông thôn lại xa, hơn nữa việc thanh toán qua ngân hàng, nông dân chưa thành thạo nên cần tính toán lại.

Cùng quan điểm này, một cán bộ phòng địa chính xã bày tỏ e ngại: “Ở nông thôn hẻo lánh, người dân mua bán đất thường làm giấy viết tay hoặc ra xã hay huyện sang tên là xong. Người dân không mấy rành về các thủ tục của ngân hàng nên nếu áp dụng quy định này sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức của người dân trong khi hệ thống ngân hàng ở nhiều nơi còn chưa đáp ứng được”.

Chỉ có lợi cho ngân hàng

Nhận xét về nhưng quy định trong dự thảo, ông Nguyễn Việt Anh - Giám đốc Công ty tư nhân Minh Anh (phố Nguyên Hồng, Ba Đình, Hà Nội) cũng cho biết: Về lý thuyết việc cấm giao dịch bằng tiền mặt ở các giao dịch lớn là đúng, nhưng với thực tế Việt Nam hiện nay là chưa khả thi.

Bộ máy vận hành của ngân hàng, kho bạc hiện nay còn nhiều bất cập, chưa tuyệt đối an toàn cho người sử dụng, còn nhiều phiền hà, rắc rối, tốn kém phi lý. Nói chung nếu thực hiện cái này sẽ chỉ có lợi cho ngân hàng. Người dân muốn giao dịch thì phải đến ngân hàng mở tài khoản, đồng nghĩa với việc phải trả các loại phí khi duy trì và giao dịch, chưa kể việc phiền hà về thủ tục...

Hiện nay theo mức phí hiện hành là 0- 0,05% trên số tiền mặt được giao dịch. Nhiều ý kiến lo ngại nếu dự thảo nghị định được thông qua, các ngân hàng sẽ có cớ để nâng mức phí lên.

Như vậy, tự dưng nhiều khách hàng dù không có nhu cầu giao dịch qua ngân hàng lại buộc phải mất phí cho khâu trung gian.

Trao đổi với PV, mặc dù đồng tình với quyết định nên sớm áp dụng hình thức thanh toán qua ngân hàng, nhưng TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh- ĐH Ngân hàng TP.HCM nói: Cần tính toán áp dụng ở mức nào, làm ra sao, bước đi như thế nào cho hợp lý.

Ông nói: “Hiện nay, chúng ta đang chuyển sang nền kinh tế thị trường thì phải nhanh đẩy mạnh phương thức thanh toán qua ngân hàng. Nhưng điều cần tính là làm ở mức nào, làm ra sao, bước đi như thế nào cho hợp lý. Bởi hiện trạng sử dụng tiền mặt ăn sâu vào tiềm thức người dân, cơ sở hạ tầng yếu, thiết bị, máy móc, công nghệ thông tin chưa cao.

Muốn thay đổi nhận thức của người dân sẽ gặp 2 cái khó: Một mặt, người ta viện cớ ATM tắc nghẽn triền miên, chuyển khoản qua ngân hàng cũng chậm như rùa bò. Người dân viện cớ các vùng núi cao, dân tộc thiểu số ít địa điểm giao dịch. Tất cả những cái lý này khiến người dân phản ứng".

Ngoài ra, theo ông Dương, khi sử dụng phương thức này chúng ta phải vượt qua tâm lý thanh toán bằng tiền mặt của người dân.

“Đấy là cái căn cơ cần phải vượt qua. Lỗi của ngân hàng là không tuyên truyền được hết mặt lợi khi thanh toán qua ngân hàng. Nhưng sâu xa là do tâm lý của người dân Việt Nam. Do vậy sẽ gặp một vài trục trặc trong thời gian đầu và phải hóa giải điều này tối đa. Giống như bạn đội mũ bảo hiểm, lúc đầu ai cũng phản đối, nhưng giờ đã là thói quen”- ông Dương nói

Theo Danviet

Các tin cũ hơn