“Đức Giáo hoàng cần tiếp tục ngụ tại Vatican, nếu không, ông ấy sẽ không được bảo vệ. Giáo hoàng Benedict sẽ không được hưởng các quyền miễn trừ và các đặc quyền, nếu không ở Vatican”, một nguồn tin giấu tên từ Vatican cho biết.
Các nguồn tin khác từ Vatican nói với Reuters rằng cảnh sát Vatican nắm rõ thói quen của Giáo hoàng Benedict XVI, nên sẽ bảo đảm an ninh và sự riêng tư của ông tốt hơn là lực lượng cảnh sát nước ngoài, vốn sẽ cần được huy động để bảo vệ Giáo hoàng khi ông rời khỏi Vatican.
Giáo hoàng Benedict XVI (áo trắng, đứng giữa) và các hồng y tại Vatican |
Vatican còn lo ngại rằng nếu Giáo hoàng Benedict XVI về sống tại một quốc gia nào khác, chẳng hạn như tại một tu viện ở quê nhà Đức, thì nơi đó nhiều khả năng sẽ trở thành địa điểm hành hương của người Công giáo.
Nhưng mối quan ngại lớn nhất là Giáo hoàng có thể phải đối mặt với nguy cơ bị lôi vào các vụ kiện liên quan đến lạm dụng tình dục.
Chẳng hạn như vào năm 2010, Giáo hoàng Benedict XVI bị kiện là đã không hoàn thành trách nhiệm của một hồng y hồi năm 1995 khi ông được cho là kể về một giáo sĩ từng lạm dụng tình dục các cậu bé học tại một trường dành cho trẻ câm điếc ở Mỹ cách đó vài chục năm.
Bên nguyên đơn đã rút đơn kiện vào năm 2012 và Vatican cho biết đây là thắng lợi lớn cho thấy Giáo hoàng không thể bị truy cứu trách nhiệm cho hành động của các giáo sĩ lạm dụng tình dục.
Hồi năm 2010, khi Giáo hoàng Benedict XVI đến thăm nước Anh, nhà văn Richard Dawkins, vốn là người theo thuyết vô thần, đã kêu gọi nhà chức trách bắt giữ Giáo hoàng để thẩm tra về một vụ bê bối lạm dụng tình dục trẻ em có liên quan đến Giáo hội Công giáo.
Tuy nhiên, nỗ lực của nhà văn này thất bại vì Giáo hoàng được xem như là người đứng đầu một quốc gia và vì thế được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao.
Hiện Giáo hoàng Benedict XVI không có dính líu đến vụ kiện tụng nào, nhưng Vatican không loại trừ khả năng này trong tương lai.
Sau khi từ chức, Giáo hoàng Benedict XVI sẽ không còn giữ quyền điều hành Tòa thánh Vatican, nhưng vẫn sẽ được mang quốc tịch Vatican.
Theo Hiệp ước Lateran, vốn được xem là thỏa thuận thành lập quốc gia Vatican được ký kết giữa Ý và Tòa Thánh vào năm 1929, Giáo hoàng được hưởng các quyền miễn trừ như một nguyên thủ quốc gia khi ông trú ngụ tại Vatican và ngay cả khi ông đến thăm Ý với tư cách là một công dân Vatican.
Hiệp ước Lateran cũng công nhận Vatican sẽ “luôn luôn và trong mọi tình huống được xem như một vùng lãnh thổ trung lập và không thể xâm phạm”.
Theo Thanhnien