"Thiên thạch cũng rơi ở Việt Nam... không gây thiệt hại"

Thứ ba, 19/02/2013, 11:04
Theo ông Nguyễn Đức Phường, Tổng thư ký Hội Thiên văn-Vũ trụ Việt Nam, hiện tượng thiên thạch rơi tại Việt Nam là không hiếm, nhưng không có thiệt hại.

Liên quan đến vụ thiên thạch rơi tại Nga, PV đã có một cuộc trò chuyện khá thú vị với ông Nguyễn Đức Phường, Tổng Thư ký Hội Thiên văn-Vũ trụ Việt Nam.

Thưa ông, vì sao vụ rơi thiên thạch tại Nga lại là một trường hợp hi hữu?

- Vụ thiên thạch rơi tại Nga là một hiện tượng hiếm gặp bởi xác suất xảy ra là rất ít. Trong hàng trăm năm, chúng ta mới gặp được một vài trường hợp những thiên thạch nặng trên 10 tấn, kích thước hơn 10 m lao vào bầu khí quyển.

Bên cạnh đó, hầu hết những vụ thiên thạch rơi đều xảy ra ở những vùng ít dân cư như sa mạc hay đại dương. Không có bất kỳ  một nguyên nhân nào lý giải cho hiện tượng “chọn” địa điểm rơi này. Đây cũng là một lần hiếm hoi một thiên thạch rơi vào khu vực đông dân cư được ghi nhận lại.

thien thach

 Ông Nguyễn Đức Phường, Tổng thư ký Hội Thiên văn-Vũ trụ.

Thông thường khi thiên thạch lao vào Trái đất với tốc độ hàng chục km/s, khi bay qua bầu khí quyển, nó thường bị nổ tung, khó có thể phát hiện được tàn tích trên mặt đất (trái ngược với điều này, các nhà khoa học Nga mới đây đã tuyên bố họ tìm thấy được những mảnh vụn thiên thạch rơi tại vùng hồ Chebakul, Ural, Nga).

Theo ông trong tương lai, chúng ta cần làm gì để hạn chế đến mức tối đa thiệt hại do các thiên thạch nhỏ, khó phát hiện gây ra?

- Đây là công việc của các Trung tâm nghiên cứu thiên văn lớn. Trước hết, cần phải tăng cường mạng lưới kính thiên văn trên toàn thế giới. Hiện nay, trên thế giới đã có mạng lưới kính thiên văn, tuy nhiên, số lượng kính thiên văn chưa đủ nhiều để chúng ta có thể quan sát toàn bộ bầu trời.

Không chỉ xây dựng mạng lưới kính thiên văn, chúng ta còn phải chú trọng xây dựng những kính thiên văn đủ lớn để có thể quan sát được những thiên thể có kích thước nhỏ (nhỏ hơn 10 m) như thiên thể rơi xuống miền Trung nước Nga vừa qua.

Một phần việc không thể thiếu là phát triển công nghệ bắn phá, làm đổi quỹ đạo bay của các thiên thạch, ngăn không cho chúng va chạm với Trái đất.

Chẳng hạn như các nhà khoa học có thể dùng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân bắn phá các thiên thạch, khiến chúng vỡ thành nhiều mảnh nhỏ. Những mảnh nhỏ này sẽ “bốc hơi”khi lao vào bầu khí quyển. Hoặc có thể tạo ra một dòng laser cực mạnh từ năng lượng mặt trời để bắn phá, chuyển quỹ đạo bay của thiên thạch.

thien thach

 Hình ảnh vụ thiên thạch rơi tại Nga.

Hiện tại, chính phủ nhiều nước như Mỹ, Nga, châu Âu, các cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu cũng đã có những phương án đối phó với vật thể lạ gần khí quyển, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một dự án khả thi nào. Hi vọng sau sự việc xảy ra tại Nga, các nhà khoa học cùng chính phủ các nước sẽ chú trọng hơn tới việc xây dựng một hệ thống phòng thủ đối phó với các tình huống khẩn cấp khi thiên thạch lao xuống Trái đất.

Năm 2012 và đầu năm 2013 là thời điểm “cao trào” cho sự xuất hiện và “đe dọa” va chạm vào Trái đất của các thiên thạch. Vậy đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?

- Đây là một hiện tượng ngẫu nhiên, không hề có liên quan đến thuyết “Ngày tận thế” như nhiều người đồn đoán.

Càng ngày các nhà khoa học càng nhận thức được nguy cơ tiềm ẩn của các thiên thạch ngoài không gian và họ giành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu chúng hơn và vì thế phát hiện ra được nhiều thiên thạch hơn.

Chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm rằng các nhà khoa học đã tính toán kỹ lưỡng để không xảy ra bất cứ một mối nguy hại nào liên quan đến “Ngày tận thế” do các thiên thạch gây ra trong năm 2013 này.

Ở Việt Nam đã có vụ thiên thạch rơi, gây thiệt hại chưa?

- Tại Việt Nam, hiện tượng thiên thạch rơi không phải là hiếm (như hiện tượng sao băng). Tuy nhiên, hiện chưa có bất cứ một ghi chép nào có liên quan đến thiệt hại do thiên thạch gây ra tại nước ta.

Thời Pháp thuộc, người Pháp cũng đã phát hiện được dấu vết thiên thạch tại miền Trung Việt Nam, tuy nhiên, không có bất cứ tổn hại nào được ghi nhận.

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn