Nhìn chung, không khí vắng vẻ hơn nhiều so với ngày thường. Ngoài một số các cơ quan, nhân viên đi làm tương đối đầy đủ thì vẫn còn không ít nơi sớm cửa đóng then cài vì bận đi... chúc tết!?
Vắng dân đến làm thủ tục
Tại Hà Nội, vào đầu giờ chiều ngày 18.2 (tức mùng 9 tết), tại bộ phận tiếp công dân của UBND quận Hai Bà Trưng, qua trao đổi với anh Bùi Đức Hùng (cán bộ tiếp dân UBND quận) thì được biết phóng viên Báo Lao Động là người “xông đất” đầu tiên. Anh Hùng chia sẻ, theo kinh nghiệm của tôi từ khi làm ở bộ phận này thì đa phần người dân phải ngoài rằm thì họ mới đến làm các thủ tục dạng này. Nên từ sáng tới giờ, chưa có một ai đến bộ phận của tôi làm việc.
Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của huyện Thanh Trì cửa đóng, then cài ngay trong ngày làm việc đầu năm mới (ảnh chụp lúc 15h30 ngày 18.2). |
Tại bộ phận một cửa hành chính tư pháp của UBND quận Hai Bà Trưng, anh Nguyễn Tự Nguyện - cán bộ phòng Tư pháp UBND quận Hai Bà Trưng - cho biết: Từ sáng đến giờ (thời điểm 14h) mới chỉ có 15 người đến làm các thủ tục hành chính như chứng thực, công chứng giấy tờ. So với ngày thường, lượng người đến làm các thủ tục hành chính chỉ bằng 1/10. Chứ nếu như vào thời điểm bình thường thì chúng tôi làm việc cả buổi mà không có chút thời gian để nghỉ.
Tại UBND phường Thổ Quan (quận Đống Đa), tại bộ phận một cửa tiếp nhận và nộp hồ sơ thì toàn bộ các cửa từ 1 đến 5 đều có cán bộ phường ngồi làm việc, túc trực. Ông Ngô Doãn Cương (Chủ tịch UBND phường Thổ Quan) cho biết: Từ sáng đến chiều ngày 18.2, chỉ có khoảng 10 người dân đến làm các thủ tục hành chính, mà chủ yếu là các thủ tục liên quan đến chứng thực, tư pháp, hầu như không có người đến hỏi các thủ tục hành chính khác như ngày thường.
Còn tại Văn phòng công chứng quận Hoàng Mai, theo ghi nhận của PV, trong ngày đầu mở cửa, lượng người dân đến làm các thủ tục khá vắng vẻ. Thi thoảng mới có 1 - 2 người đến nhận hồ sơ. Anh Nguyễn Công An - nhân viên nhận hồ sơ tại bàn số 4 - cho chúng tôi biết, tính đến thời điểm lúc 16h, số lượng người dân đến giao dịch là 25 người.
Bộ phận tiếp nhận hồ sơ hành chính - UBND quận Hai Bà Trưng vắng hoe. Ảnh: N.Lộc - G.Huy |
Thực trạng vắng vẻ trên cũng diễn ra tương tự tại phòng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai. Có mặt tại văn phòng hơn 1 giờ đồng hồ nhưng chỉ có khoảng 2 - 3 người đi công chứng một số giấy tờ và được nhân viên giải quyết chỉ sau ít phút. Tuy nhiên, do quá vắng vẻ nên chỉ một lúc sau, nhân viên tại bàn làm việc cũng rời bàn tiếp và tranh thủ giải quyết việc khác.
Trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, trong giờ cao điểm buổi chiều (14h30), chúng tôi có mặt tại phòng tiếp nhận và thực hiện các thủ tục hành chính của UBND phường 6, quận 3, điều ghi nhận đầu tiên là không khí khá yên ắng. Trong gần nửa giờ có mặt tại đây, chúng tôi chỉ thấy có 2 người dân đến làm thủ tục thị thực giấy tờ. Các nhân viên ngồi sau các quầy tiếp nhận không có việc làm...
Tại phòng tiếp nhận giải quyết các thủ tục hành chính của UBND quận 1, không khí có phần sôi động hơn. Theo số liệu của Văn phòng UBND quận 1 cung cấp, cả ngày ước chừng có khoảng 150 lượt người đến làm thủ tục - chỉ bằng 50% so với lượng người đến làm thủ tục hành chính trong các ngày thường.
Khi đề cập đến vấn đề cán bộ công chức bê trễ công việc sau kỳ nghỉ tết, đại diện Văn phòng UBND quận 1 khẳng định là tình trạng này không có trên địa bàn quận 1.
Trước tết, quận đã có văn bản nhắc nhở các phòng ban, UBND các phường về kỷ luật lao động sau tết. Trên địa bàn TPHCM, trong ngày trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết, có không khí sôi nổi nhất là Sở Kế hoạch - Đầu tư.
Trong buổi chiều ngày 17.2, đã có khoảng 200 doanh nghiệp đến nhận giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại phòng tiếp nhận và trả hồ sơ của sở, tạo nên một không khí làm việc khá đông đúc ngay ngày đầu năm. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng khoảng 1/3 so với ngày thường.
Ghi nhận tại một cửa tiếp dân của UBDN xã Tân Thới, huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ) vào sáng ngày 18.2 cho thấy, các nhân viên đã bắt tay vào công việc của ngày đầu năm trong không khí vui tươi và đầy trách nhiệm. Mọi người dân đến làm thủ tục hồ sơ, giấy tờ đều được cán bộ hướng dẫn nhiệt tình và giải quyết nhanh chóng theo quy định.
Em Trần Thị Thu Thoa - xã Tân Thới - cho biết: “Ngày làm việc đầu năm em tranh thủ đến uỷ ban xã công chứng hồ sơ xin việc, trước khi đến em sợ chưa ai công chứng, đến nơi thấy các anh chị có mặt đầy đủ em cũng an tâm”. Buổi chiều mùng 9 tết, quang cảnh làm việc tại UBND xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) có phần vắng lặng hơn, song, ở khâu tiếp nhận hồ sơ của bộ phận một cửa, các cán bộ công nhân viên vẫn túc trực đúng giờ để tiếp khách...
Bận... chúc tết!
Tại Sở LĐTBXH TPHCM, 15h ngày 18.2, một số vị trí của Văn phòng Sở LĐTBXH vắng hoe, PV vào một lúc, đến khi có chuông điện thoại bàn reo lên thì mới có người tới hỏi “Tìm ai?”.
Về việc này, ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó Chánh văn phòng - giải thích: “Ngày đầu tiên đi làm sau tết, không khí tết vẫn bao trùm. Ai có việc thì làm, ai không có việc thì đi chúc tết, hỏi thăm nhau nhưng vẫn bảo đảm ở trong cơ quan để khi có việc cần giải quyết là có mặt ngay. Ngày đầu ít việc nên để mọi người thoải mái một chút”.
Khi PV liên hệ gặp chánh văn phòng thì được biết chánh văn phòng đang đi chúc tết bên ngoài. Ông Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, buổi sáng chánh văn phòng có lên sở, sau khi chào cờ, gặp mặt đầu năm từ 8h đến 9h, buổi chiều chánh văn phòng đi chúc tết ở những nơi mà tết chưa chúc được!
Người dân đến để giải quyết các thủ tục hành chính không nhiều. Ảnh: Lê Tuyết |
Chị Hồ Phương Thủy - Phó phòng Tài nguyên & Môi trường, UBND quận 3 - tâm sự rất thật: “Nghỉ tết dài cho nên không khí tết không vương vấn nhiều như các năm trước nhưng ngày đầu tiên cho nên việc họp mặt, lì xì, chúc tết đầu năm không thể không có”.
Anh Hùng - công chức lâu năm, quận Phú Nhuận - chia sẻ: “Ngày làm việc đầu năm chủ yếu là chúc tết, hỏi thăm tết này đi đâu, chơi gì. Các chị thì khen nhau đầu tóc, quần áo, cơ quan thì họp mặt, lì xì... Phải vài ngày việc mới nhiều, mới bắt nhịp lại, còn ngày đầu tiên làm việc “văn nghệ” lắm!”.
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là “chuyện lạ”, có đơn vị còn “lạnh lẽo” không một bóng người. Nói lạnh lẽo, bởi khi chúng tôi đặt chân đến trụ sở UBND huyện Thanh Trì và bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, tất cả nơi đây đều “vườn không nhà trống”, từ bảo vệ đến cán bộ trực ban.
Trong khi đó, cửa phòng bộ phận tiếp nhận hồ sơ đã đóng kín, dù thời điểm đó mới là 15h30(?!). Phía đối diện, cửa văn phòng đăng ký nhà đất cũng được khóa cẩn thận. Quan sát phía nhà xe dành cho cán, bộ nhân viên bên cạnh đều chật ních xe, song không hiểu sao, đang trong giờ làm việc mà văn phòng lại không một bóng người(?!).
Người dân ùn ùn đi làm giấy chứng minh nhân dân. Ngay ngày đầu làm việc (18.2), hàng trăm người dân từ các huyện đổ về Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHCTTXH) Công an tỉnh Sóc Trăng để làm giấy chứng minh nhân dân (CMND). Dù lượng người đông, nhưng do bố trí hợp lý nên thời gian tiếp nhận và trả hồ sơ vẫn đúng theo quy định. Tại Phòng Cảnh sát QLHCTTXH Công an tỉnh Bạc Liêu, hàng trăm người đứng ngồi, chen nhau làm giấy CMND. Theo những người dân, họ đi làm ăn xa tết mới về nên đổi giấy, làm giấy mới để đi lao động tại các tỉnh miền Đông và TPHCM. Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát QLHCTTXH Công an tỉnh Bạc Liêu, phòng đã tăng cường các đội làm việc cả giờ nghỉ trưa để đảm bảo thời gian cho bà con theo đúng quy định. Nộp hồ sơ buổi sáng chiều nhận, nộp vào buổi chiều sáng hôm sau sẽ nhận được giấy. |
Theo Laodong